Làm gì để không say rượu ngày Tết

06/02/2016 18:56

Uống nước cam, đỗ xanh, ăn củ đậu, lòng trắng trứng gà... để giải rượu và phòng chống các tai biến không mong muốn.

Lương y Vũ Quốc Trung cho hay say rượu là tình trạng ngộ độc cấp tính do uống rượu quá nhiều. Người say rượu thường rơi vào tình trạng rối loạn hành vi như nói cười không tự chủ, hoa mắt chóng mặt, đi đứng xiêu vẹo, nôn mửa bừa bãi, nói nhảm... Một số người có biểu hiện da tái nhợt, thở nhanh, thậm chí dẫn đến tình trạng nguy kịch do xuất huyết não, nhồi máu cơ tim và các tai nạn nguy hiểm khác.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, người say rượu nên ăn những đồ có tác dụng thanh nhiệt, giải rượu và phòng chống các tai biến không mong muốn:

Nước: Nếu trong nhà không còn loại hoa quả hay thực phẩm dự trữ nào khác có thể giải được rượu, thì nước lọc là cứu tinh không kém phần hiệu quả. Uống nhiều nước lọc sẽ giúp pha loãng lượng rượu bia trong cơ thể người uống. Qua đó, rượu bia cũng được đào thải nhanh qua đường tiết niệu giúp người say nhanh tỉnh.

Trái cây họ cam: Ăn nhiều trái cây có chứa vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, cóc… sau khi uống rượu sẽ làm giảm cơn say của bạn vì chúng chứa nhiều axit, có tác dụng giã rượu nhanh chóng.

Đỗ: Dùng đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ đen mỗi loại 50 g, thêm 15 g cam thảo, nấu nhừ sau đó ăn lẫn cả đậu và nước. Đỗ giúp thức tỉnh tinh thần, giải rượu, giảm nhẹ các triệu chứng trúng độc vì rượu.

Nõn chuối: Sau khi tan cuộc nhậu, hái nõn chuốt và nhai sống sẽ có tác dụng giã rượu nhanh chóng.

Củ đậu: Theo Đông y, củ đậu có tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát. Nên dùng củ đậu ép lấy nước uống để chữa ngộ độc rượu.

Phật thủ: Phật thủ là một vị thuốc phương hương lý khí, có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm hết nôn và giải rượu. Khi say rượu nên dùng phật thủ hãm với nước sôi, uống thay trà.

Cà chua: Uống một cốc sinh tố cà chua chín sẽ đánh tan cơn say. Các nguyên chất trong cà chua chín góp phần giải rượu nhanh chóng và còn có khả năng giải độc cao.

Lòng trắng trứng gà: Khi say rượu có thể ăn 2 lòng trắng trứng gà còn tươi. Chất cồn chưa bị hấp thụ trong dạ dày khi gặp protein trong lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa, giảm bớt lượng rượu được hấp thu.

Nước cơm: Người say rượu có thể ăn nước cơm đặc hoặc cháo để giải rượu. Trong nước cơm đặc chứa nhiều loại đường và vitamin B, có tác dụng giải độc tỉnh rượu, thêm vào một chút đường trắng để ăn, hiệu quả sẽ tốt hơn.

Nước mía: Mía tính lạnh, vị ngọt, có công dụng nhuận táo giải rượu. Để giải rượu nên dùng nước mía ép tươi.

Cần tây: Nước ép cần tây làm giảm bớt sự khó chịu trong đường tiêu hóa, giảm đỏ mặt. Nguyên do là vì cần tây rất giàu vitamin B phá vỡ những phân tử rượu nhanh chóng. Nên uống nước ép này trước khi uống rượu để phòng chống say rượu và hủy hoại đường tiêu hóa.

Ngoài ra, để phòng tránh say rượu, mọi người nên ăn một ít thức ăn dầu mỡ trước khi uống bởi chúng sẽ tạo thành một lớp áo che kín mặt trong ruột, giảm sự thẩm thấu của rượu qua thành ruột vào máu. Nhờ đó sẽ lâu bị say hơn. Ngoài ra, cần chú ý tránh uống các thức uống có cồn chung với các thức uống có ga vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm cồn ngấm vào máu nhanh hơn. Đừng cố uống các loại thuốc chống nôn vì chính loại thuốc đó sẽ tiếp tục giữ chất độc lại trong cơ thể bạn, mà gan lại không thể lọc chất độc kịp, hậu quả là gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, lâu ngày gây xơ gan và ung thư gan.

Theo vnexpress

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Làm gì để không say rượu ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO