Làm giàu từ cây mía

27/12/2013 22:18

(Baonghean) - Quê gốc ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, anh Nguyễn Văn Tuất theo gia đình lên lập nghiệp trên đất Nghĩa Hoàn từ năm 1977. Do bản tính ham học hỏi nên tuổi trai trẻ anh đã có nhiều nghề cầm tay. Khi cây mía bén rễ trên đất Tân Kỳ, anh là người đi đầu trong phong trào trồng mía nguyên liệu. Đến nay, anh đã có trong tay 60 ha mía, bởi thế không những người dân xóm Mai Tân, mà cả xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ đều biết tiếng thơm...

Dịp này, gặp được anh Tuất rất khó. Đang vào vụ thu hoạch mía nên anh phải bám đồng, bám từng xe mía về nhà máy, vừa phải lo cung ứng phân bón từ nhà máy về cho dân bón kịp thời cho cây mía. Phải sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh trong thời gian ngắn vào cuối một chiều mùa đông. Sinh năm 1970, với dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen, đặc biệt nhanh nhẹn, tháo vát, anh được bà con tín nhiệm bầu làm xóm trưởng từ nhiều năm nay. Nói về cây mía trên vùng đất này, anh Tuất hồ hởi kể cho nghe cái duyên cớ khiến anh gắn bó với cây mía bao năm nay.

Những năm 90 của thế kỷ trước, ti vi là vật dụng “cao cấp” của một số gia đình vùng cao, nên anh học nghề sửa chữa, buôn bán ti vi, hàng ngày anh đến các địa phương trong huyện lắp đặt ti vi cho khách hàng tại nhà. Biết vùng đất Mó Thép của xã Giai Xuân đang bỏ hoang, năm 1999, anh mạnh dạn bỏ 14 triệu đồng để mua toàn bộ diện tích 5 ha ấy. Đúng thời điểm đó, Nhà máy Mía đường Sông Con đi vào hoạt động, anh tập trung trồng mía nguyên liệu để bán cho nhà máy. Thời điểm đó, mía được nhà máy thu mua với giá cao, hàng năm anh tích góp được nguồn vốn đáng kể. Biết cây mía dễ làm giàu, năm 2006, anh tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng để mua thêm 5 ha đất sản xuất ngay cạnh vùng đất cũ để tập trung thâm canh mía nguyên liệu. Những năm đầu thế kỷ này, người dân xã Giai Xuân chưa quen cây mía nên diện tích mía thưa thớt, chủ yếu là ngô, khoai, sắn. Do vậy, anh được coi là người mở hướng cho cây mía trên vùng đất này.

Có kinh nghiệm trong nhiều năm trồng mía đạt hiệu quả kinh tế cao, năm 2009, anh được Công ty Cổ phần mía đường Sông Con mời đi tham qua mô hình trồng mía ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Sau chuyến đi, anh học được một số kinh nghiệm từ thực tế về quy trình trồng và chăm sóc mía từ đất mía Lam Sơn. Khi đó kinh tế gia đình đã ổn định, có của ăn của để, lại là người xóm trưởng năng động, anh nghĩ đến chuyện phải giúp cho người dân tiếp cận với KHKT trồng và chăm sóc mía đạt năng suất cao. Đầu tiên, anh bỏ tiền nhà ra thuê một chuyến xe ô tô chở bí thư, xóm trưởng của 14 xóm trong xã Nghĩa Hoàn ra tận Thanh Hóa tham quan mô hình trồng mía hiệu quả.

Sau chuyến đi đó, cán bộ các xóm hồ hởi chuyển đổi cây trồng sang trồng mía nguyên liệu cho bà con làm theo. Diện tích mía của Nghĩa Hoàn được nâng lên từ vài chục ha lên 86 ha vào năm 2010. Là người cán bộ xóm có uy tín, biết vận động người dân chuyển đổi cây trồng từ ngô, sắn sang trồng mía, Công ty Cổ phần mía đường Sông Con nhờ anh đứng ra làm trung gian trong việc cung ứng phân bón, giống mía cho người dân trồng bằng cách cho vay, trả sau khi thu hoạch mía. Do vậy, vào thời điểm thu hoạch mía, bản thân anh rất bận rộn, những gia đình trồng mía của xóm Mai Tân coi anh là người cán bộ làm “cầu nối” giữa người trồng mía với nhà máy.

10 ha mía kể ra cũng lớn đối với một gia đình. Nhưng để làm giàu từ độc cây mía là chưa đủ, anh tìm mọi cách để tăng thêm diện tích trồng mía. Cuối năm 2011, Công ty Cổ phần mía đường Sông Con hợp đồng thuê 36 ha đất sản xuất ở xã Thanh Văn và 14 ha ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương để mở rộng vùng nguyên liệu. Biết được điều đó, anh mạnh dạn nhận lại của công ty để trồng mía nhập cho công ty. 50 ha đất ở Thanh Văn và Thanh Liên là vùng đất ven sông Lam, cách sông cách đò, hàng năm thường bị ngập lụt, nên người dân bản địa không thể trồng một thứ cây gì, đất để hoang hóa nhiều năm liền. Vạn sự khởi đầu nan, được công ty hỗ trợ 100% tiền làm đất năm đầu, anh còn đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để mua giống mía, phân bón để đánh thức vùng đất mới trên đất khách quê người. Theo hợp đồng, khi thu hoạch, công ty thu thêm của anh mỗi tấn mía 50 nghìn đồng, gọi là tiền thuê đất.

Để trồng được 50 ha mía phát triển ổn định trên “đất khách quê người” không đơn giản chút nào. Từ khâu an ninh đến chăm sóc, thu hoạch là mình đều phụ thuộc. Xác định được điều đó, anh Tuất thuê hẳn 1 người bản địa là ông Nguyễn Văn Lý trông coi tại chỗ, với số tiền hợp đồng mỗi năm 20 triệu đồng. Với số tiền đó, đối với lão nông như ông Lý là to tát lắm rồi, nhưng ông Lý không nhận tiền, mà thay vào đó là nhận hẳn 2 ha đất của anh Tuất để cùng nhau trồng mía.

Anh Nguyễn Văn Tuất  bên ruộng mía của mình.
Anh Nguyễn Văn Tuất bên ruộng mía của mình.

Hàng năm, anh Tuất cung ứng giống, phân bón cho ông Lý trồng, đến ngày thu hoạch, ông Lý nhập toàn bộ mía cho anh Tuất để lấy tiền lãi. Biết làm cách này là ông Lý thu nhập cao hơn so với nhận lương hàng tháng, nhưng anh Tuất vẫn chấp nhận. Bởi một lẽ, họ có trồng mía thì mới hiểu được cho người trồng mía, khi đó trách nhiệm của họ mới cao trong công tác bảo vệ. Như vậy, về mặt an ninh anh hoàn toàn yên tâm, nhưng còn ngập lụt? Là vùng đất ven sông Lam, mỗi năm ít nhất có 2 lần ngập lụt, ngoài những cây mía bị chết, còn ảnh hưởng đến sự phát triển của mía, năng suất vì thế không ổn định.

Thế nhưng, với phương châm tập trung “nâng cao năng suất cho cây mía” thì mới có thể làm giàu từ cây mía, hàng năm anh đầu tư phân bón đúng mức, kết hợp với chăm sóc hợp lý, kịp thời nên mía của anh năm nào cũng đạt năng suất trên 60 tấn/ha. Vụ ép năm 2012, anh thu được 3.400 tấn mía, nhân với giá 900 nghìn đồng/tấn, được trên 3 tỷ đồng. Số tiền thu được đó trừ đi số tiền đã đầu tư ban đầu, coi như hòa, bởi ngoài tiền giống, phân bón, anh còn phải bỏ 1,5 tỷ đồng để thuê hàng chục người chăm sóc, khi thu hoạch có tới 100 người chặt, bốc vác mía.

Do vậy, vụ ép năm nay, mặc dù giá mía xuống thấp, nhưng do mía lưu gốc vụ 2 nên anh có lãi hàng tỷ đồng. Theo anh Tuất, để trồng mía đạt trữ đường cao thì khâu chọn giống và bón phân đúng cách là quan trọng nhất. Hiện giống mía anh đang trồng chủ yếu là ROC 10 và MI. Với anh, trồng mía phải quan tâm đến 2 yếu tố: năng suất và trữ đường. Muốn đảm bảo trữ đường cao thì trong quá trình chăm sóc cần tăng cường các loại phân bón: NPK, lân và ka ly, - Anh Tuất đúc kết.

Những người làm công cho anh là nông dân bản địa cần cù, chịu khó, những lúc chăm sóc, anh trả 120 nghìn đồng/người/ngày, nhưng khi thu hoạch, anh trả công bằng cách ai chặt được 1 bó mía anh trả 1 nghìn đồng. Được trả tiền công sòng phẳng nên mỗi khi cần lao động là người dân bản địa sẵn sàng đến giúp anh. Mọi việc từ bảo vệ đến chăm sóc, thu hoạch mía của anh năm nào cũng thuận lợi, đó cũng là vấn đề quan trọng!

Với quyết tâm làm giàu từ cây mía, bây giờ anh Tuất đã có trong tay 60 ha mía đứng, mỗi năm thu hoạch tiền tỷ. Tuy nhiên, anh vẫn còn nhiều điều trăn trở, bởi giá mía xuống thấp, thêm vào đó là mía trổ cờ sớm. Chia tay Mai Tân trong cái lạnh tê buốt của tháng 12, chúng tôi cảm nhận được điều băn khoăn của anh Tuất cũng chính là nỗi lòng chung cho người trồng mía trên đất Tân Kỳ...

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Làm giàu từ cây mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO