Làm nghề dọn dẹp thì đã sao?

Marie Kondo là một phụ nữ Nhật sinh năm 1985. Từ bé cô đã rất thích sắp xếp đồ đạc. Học tiểu học, hễ cứ đến lớp thì cô lại chạy đến giá sách và say sưa sắp xếp lại mọi thứ cho gọn gàng và đẹp mắt. Trong khi các bạn ứng cử vào các “chức to” của lớp, cô chỉ mong “trúng” chân quản lý giá sách để được sắp xếp giá sách mỗi ngày. Việc cô thích làm nhất là dọn dẹp và sắp xếp các thứ! Cô làm việc đó với cả tâm huyết và sức sáng tạo của mình.

19 tuổi, khi đang là sinh viên khoa xã hội học tại Đại học Tokyo Woman’s Christian University, cô mở công ty tư vấn về dọn dẹp và bài trí. Cô đúc kết ra một phương pháp sắp xếp đồ đạc mang tên phương pháp KonMari. Năm 2011 cô xuất bản cuốn sách Phép màu làm thay đổi cuộc sống từ việc dọn dẹp (hay Nghệ thuật bài trí theo phong cách Nhật Bản). Cuốn sách gồm những chia sẻ phương pháp dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc một cách sáng tạo và thú vị, từ việc xác định tại sao không gian sống của chúng ta lại trở nên bừa bộn, cân nhắc thứ gì nên vứt bỏ đến việc lưu giữ các thứ để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tươi sáng đến việc bố trí sắp đặt các thứ quanh ta để làm thay đổi cuộc sống theo hướng dễ chịu. Marie Kondo quan niệm rằng, mục tiêu của việc dọn dẹp không chỉ là dọn dẹp, mà là để cảm nhận hạnh phúc tồn tại trong môi trường sống.

Sau khi được xuất bản, cuốn sách của cô lập tức thu hút được sự chú ý của độc giả trên khắp thế giới và trở thành sách bán chạy số 1 của New York Times. Tính đến nay cuốn sách này đã bán được hơn 2 triệu bản, được dịch ra 39 thứ tiếng. Phương pháp dọn dẹp và bài trí đơn giản mà hiệu quả của cô đã giúp nhiều người trên thế giới biến ngôi nhà của họ thành một không gian sống dễ chịu và gợi cảm hứng. Với cách sống và lập nghiệp độc đáo và sự sáng tạo độc đáo có ảnh hưởng tích cực số đông, Marie Kondo được Tạp chí Times bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015.

Nhắc đến trường hợp của Kondo, giảng viên đại học Nguyễn Quốc Vương, một người từng du học ở Nhật và là dịch giả của một số cuốn sách về phương pháp giáo dục Nhật Bản được nhiều người tìm đọc, viết: “Nhiều bậc cha mẹ mong con mình giỏi toán, lý hóa. Một số cha mẹ lo lắng con mình mê đọc sách quá, ham chơi quá… Một số khác e ngại con chỉ thích tháo lắp, vẽ vời mà học toán không thật giỏi. Nhưng thực ra chỉ sợ không say mê tận cùng chứ giỏi cái gì bây giờ cũng có thể trở thành nghề và kiếm được tiền. Đừng sợ con không giành điểm cao nhất, hãy sợ con không làm cái gì đó với độ say mê và tập trung cao nhất”.

Đúng vậy, một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một con người là được sống với đam mê, được làm công việc mà mình thực sự muốn dành toàn bộ tâm huyết. Chỉ khi được làm việc mình thực sự đam mê con người ta mới có thể phát huy toàn bộ khả năng tiềm ẩn của mình, và như vậy, mới có thể cống hiến hết mình cho sự phát triển của bản thân và xã hội. Câu chuyện khởi nghiệp và sống với đam mê của Marie Kondo chắc hẳn gợi nhiều suy ngẫm cho các bậc cha mẹ cũng như những người làm giáo dục. Trong khi nhiều cha mẹ Việt can thiệp sâu và có phần áp đặt trong việc định hướng nghề nghiệp cho con, khiến đam mê trong con trẻ không những không được đánh thức và phát hiện mà còn ít được khuyến khích, thậm chí bị dập tắt, giáo dục trong nhà trường của chúng ta còn nặng về việc nhồi nhét kiến thức, có xu hướng việc theo đuổi sự đồng nhất, đồng đều về kết quả hơn là dạy cho con trẻ biết trân trọng sự độc đáo, tôn trọng sự khác biệt ở bản thân và những người xung quanh.