Làm rõ trách nhiệm các đơn vị bảo vệ rừng
(Baonghean.vn) - Năm 2017 chỉ riêng lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Trong đó 17 vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý bằng hình sự. Thời gian tới cơ quan công an sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị bảo vệ rừng.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm - HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Đào Tuấn |
Đó là một số thông tin mà Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cung cấp khi được Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn chỉ định phát biểu sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng chính là một trong 3 nội dung được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại kỳ họp:
Theo Giám đốc công an tỉnh, trong năm 2017, lực lượng công an đã thu được gần 500m3 và 15 tấn lâm sản các loại. Các cụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Tương Dương, TX Hoàng Mai. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 14 vụ và 39 đối tượng…
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, trong năm 2017 chỉ riêng lực lượng công an đã phát hiện 170 vụ phá rừng. Ảnh: Nhật Lân |
Với quan điểm “Nếu không xử lý nghiêm các vụ việc, sẽ không bảo vệ được rừng…”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định, hiện nay các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng hết sức chặt chẽ. Ông phân tích, hiện có 4 chủ thể bảo vệ rừng, gồm: chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn, chủ tịch UBND các xã có rừng và bộ đội biên phòng các khu vực biên giới có rừng mà lực lượng này đóng quân.
Các lực lượng tham gia bảo vệ rừng hiện nay mỏng - nhưng đây chỉ là yếu tố khách quan. Còn thực tế nếu các đơn vị chức năng làm hết trách nhiệm như quy định của pháp luật thì rừng vẫn có thể bảo vệ một cách bình thường. Vì vậy, Giám đốc Công an Nghệ An khẳng định, trong thời gian tới, ngoài điều tra làm rõ trách nhiệm của các chủ rừng và kiểm lâm địa bàn, thì sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã và bộ đội biên phòng và các lực lượng có liên quan để xử lý trước pháp luật.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại kỳ họp:
Trước đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh, các đại biểu đặc biệt dành sự quan tâm, yêu cầu làm rõ những bất cập trong công tác giao đất giao rừng; để xẩy ra tình trạng phá rừng, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đào Tuấn |
Trong thời gian 2 tiếng, từ 13h30 - 15h30, đã có 10 đại biểu HĐND đặt ra hơn 20 câu hỏi, và ý kiến tranh luận với ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT. Các nội dung chất vấn của đại biểu đi đúng với trọng tâm của vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh hướng đến. Đó là những bất cập về giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình; việc áp dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực trạng, nguyên nhân của các vụ việc phá rừng có tính chất nghiêm trọng xảy ra trong năm 2017; trách nhiệm của ngành NN&PTNT và người đứng đầu...
Đại biểu HĐND huyện Quỳ Châu Lang Văn Chiến cho rằng, hiện đang có nhiều mâu thuẫn liên quan đến chính sách quản lý và bảo vệ rừng. Ảnh: Nhật Lân |
Đại biểu HĐND huyện Quỳ Châu Lang Văn Chiến chất vấn, ông Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời:
Theo Đại biểu HĐND huyện Quỳ Châu Lang Văn Chiến, lâu nay đang có mâu thuẫn rất lớn giữa các quy định của pháp luật. Đại biểu Chiến dẫn chứng: Luật đất đai cho phép hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chuyển nhượng; vậy nhưng Luật Bảo vệ và phát triển rừng lại nghiêm cấm hành vi chuyển nhượng đất có rừng. Trong khi lợi ích đem lại cho người dân từ rừng là không có. Chính vì vậy dẫn đến một thực trạng là người dân tìm đủ mọi cách để làm rừng trở nên nghèo kiệt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hoặc đã thực hiện chuyển nhượng chui… Từ đó, công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng nhấn mạnh đến việc để xẩy ra tình trạng phá rừng trong thời gian vừa qua dẫn đến thực trạng mất rừng, mất cán bộ. Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành NN&PTNT…
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) chất vấn, ông Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời:
Tính đến thời điểm hiện nay, UBND cấp huyện đã tổ chức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được 468.979,41 ha/1.236.259,31 ha tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 37,94%. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 238.570,79 ha, chiếm tỷ lệ 50,87% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, và chiếm tỷ lệ 19,3% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh còn có 280.082,2 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, đang do UBND xã quản lý, chiếm tỷ lệ 22,66% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh. |
Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An làm rõ việc trồng rừng thay thế bằng cây keo nguyên liệu. Ảnh: Đào Tuấn |
Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) cho rằng, chính sách trồng rừng thay thế hiện nay chưa hiệu quả và yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An làm rõ việc trồng rừng thay thế hiện nay. Đó là tại sao lâu nay lại trồng rừng thay thế bằng cây keo nguyên liệu. Theo bà Liên, đây là cây trồng ngắn hạn vì lợi nhuận, còn lâu dài sẽ làm cho đất, rừng bạc màu.
Bà Lục Thị Liên - Đại biểu HĐND huyện Quỳ Châu:
Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận, chính sách hưởng lợi đối với người nhận giao đất, giao rừng hiện nay chưa rõ ràng, người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ chính sách giao đất, giao rừng. Thực trạng là hiện nay Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất, trữ lượng gỗ và lâm sản phụ lớn, nhưng sản phẩm thương mại lấy từ rừng ra còn thấp, người dân, sống gần rừng và ven rừng chưa đảm bảo cuộc sống từ nghề rừng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi khai thác, chặt phá rừng, tác động tiêu cực đến rừng.
Cán bộ kiểm lâm huyện Tương Dương xác định kích thước một gốc cây bị đốn hạ trái phép tại khu vực biên giới. Ảnh: Đào Tuấn |
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân còn đạt tỷ lệ thấp (50,87%); tình trạng chuyển nhượng, chuyển đổi trái phép đất lâm nghiệp xảy ra tại nhiềuđịa phương. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng diễn ra tương đối phức tạp và không được giải quyết dứt điểm, gây tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình giao đất, cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất.
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Nhật Lân |
Liên quan đến các vụ việc khai thác trái phép rừng, ông Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin, trong năm 2017, đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản, tịch thu 1.235,83 m3 gỗ tròn, xẻ các loại, động vật rừng bị tịch thu 90 con, tổng thu nộp ngân sách 11.207,665 triệu đồng. Trong đó, các vụ việc khai thác gỗ trái phép nghiêm trọng xảy ra ra ở một số vùng rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam – Lào như xã Na Ngoi, Nậm Càn huyện Kỳ Sơn; khu vực xã Tam Hợp, Lưu Kiền, huyện Tương Dương…
Những gốc pơ mu cổ thụ trên khu vực biên giới xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Nhật Lân |
Theo ông Hiếu, ngành NN&PTNT gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đó là về diện tích rừng lớn, địa hình khó khăn phức tạp; trong khi nhân lực của các lực lượng kiểm lâm, của các đơn vị bảo vệ rừng quá mỏng so với quy định… Nhưng đối với hầu hết các vụ việc đã xẩy ra, các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT đều đã chủ động phát hiện, xử lý; với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đã đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ trên tinh thần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không nương nhẹ với các sai phạm, và không có vùng cấm đối với bất kỳ tổ chức cá nhân nào…
Toàn tỉnh hiện có 1.236.259 ha rừng và đất lâm nghiệp, lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng 1.166.109 ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 70.150,21 ha; diện tích đất có rừng 942.508 ha; bao gồm, rừng tự nhiên 796.259 ha, rừng trồng 146.249 ha, đất chưa có rừng 293.750 ha; độ che phủ rừng hiện tại đạt 57,2%. |
Nhật Lân – Đào Tuấn
Clip: Lâm Tùng