Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Lại một lần nữa vấn đề gian lận thương mại được gióng lên tại nghị trường HĐND tỉnh. Lý do, như đã nêu tại phiên họp thường kỳ HĐND tỉnh tháng 11/2019, đó là “công tác quản lý thị trường đã được quan tâm thực hiện, tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp”.

Công tác quản lý thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Làm tốt, sẽ có tác động tốt cho xã hội; nhược bằng làm dở, hệ lụy không thể đo đếm. Bởi vậy“đã được quan tâm”, nhưng “vẫn diễn biến phức tạp” thì rất cần phải diễn giải, phân tích cụ thể về nguyên nhân? Nói về nguyên nhân, sẽ có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại “vẫn diễn biến phức tạp” cần phải mổ xẻ là vai trò quản lý nhà nước.

Thử phân tích cuộc đấu tranh chống gian lận kinh doanh xăng dầu – là điểm sáng của Nghệ An – cũng sẽ thấy được điều này. Nói rằng đây là điểm sáng bởi trên bình diện cả nước, Nghệ An chủ động mạnh mẽ vào cuộc sớm, từ những năm 2013 – 2014, và đã làm rõ được những thủ đoạn gian lận của các đối tượng kinh doanh xăng dầu. Đó là tình trạng gắn chíp điện tử để ăn bớt xăng của khách hàng; pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo xăng E5 RON92 và RON95… Dù vậy, năm 2019 này, gian lận trong kinh doanh xăng dầu vẫn rất phức tạp, đã có thêm không ít đối tượng bị vạch mặt bởi các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu gian lận lớn nên một số đối tượng vẫn như những “con thiêu thân” mà bất chấp pháp luật. Không hề sai! Nhưng thử nghĩ mà xem, kinh doanh xăng dầu là một loại hình kinh doanh cần sự đầu tư rất lớn. Trường hợp có hành vi gian lận bị phát hiện, khi bị “bêu” danh tính và bị xử lý đúng quy định của pháp luật, cầm chắc đối tượng kinh doanh sẽ sạt nghiệp. Vì vậy, nếu không có một sự “đảm bảo”, hẳn không đối tượng nào dại dột, liều lĩnh với đống tiền họ đã bỏ ra để được kinh doanh xăng dầu.

Vậy ai có thể “đảm bảo” cho hoạt động kinh doanh xăng dầu? Điều này rõ ràng không thể võ đoán. Nhưng nghi vấn về nạn “bảo kê” ngầm trong kinh doanh xăng dầu gian lận cần phải được đặt ra. Trong một số lần đồng hành cùng lực lượng đánh án gian lận kinh doanh xăng dầu, phóng viên Báo Nghệ An đã chứng kiến cảnh toàn đoàn sử dụng một điện thoại di động; phương pháp đánh án thường phải dùng chiêu: “dương Đông, kích Tây”; “bí mật đến tận cùng điểm đánh án”; cá biệt, có ngành tổ chức hoạt động độc lập, không phối hợp liên ngành… Lý do của những “chiêu” này thật dễ hiểu, là bởi có tình trạng “rò rỉ” thông tin thanh kiểm tra. Vì sao “rò rỉ” thông tin, thiết tưởng không cần phải phân tích!.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trở lại việc HĐND tỉnh khẳng định gian lận thương mại “vẫn diễn biến phức tạp”, phải cay đắng mà rằng: quá chính xác. Bởi hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng ngoại không tem nhập khẩu… vẫn có mặt trên các tuyến phố đô thị, chợ dân sinh, thị tứ. Bởi liên tục trong những năm qua, người dân của nhiều địa phương vùng nông thôn, miền núi rất bức xúc về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên địa bàn nơi họ sinh sống. Đơn cử như chỉ cách nay dăm chục ngày, người dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) đã phản ánh tình trạng nhiều công ty, nhà sản xuất đưa hàng kém chất lượng về tận xóm để quảng cáo và bán sản phẩm. Đáng nói, các trường hợp này đều có “đảm bảo” là giấy giới thiệu của các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, huyện. Sự việc này, HĐND tỉnh cũng nhận được thông tin. Và cử tri xã Nghĩa Thái đã kiến nghị HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh kiểm tra việc cấp giấy giới thiệu; trường hợp cấp giới thiệu thì phải xác minh và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm để tránh thiệt thòi cho người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Còn có rất, rất nhiều những ví dụ “sinh động” để đánh giá về vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh gian lận thương mại. Vì vậy, việc HĐND tỉnh chất vấn về vấn đề quản lý thị trường là rất cần thiết. Cần phải nghiêm túc mổ xẻ, đánh giá chính xác về nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh. Nếu không, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng ngoại không tem nhập khẩu… vẫn trôi nổi trên thị trường, gian lận thương mại sẽ vẫn “diễn biến phức tạp”. Và tình trạng cán bộ nhà nước tham gia công tác quản lý thị trường hoạt động “sai địa bàn”, có hành vi ép người dân phải “chung chi” lại tái diễn!.