Làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng

27/09/2017 18:53

(Baonghean.vn) - Diện tích rừng, đất lâm nghiệp của tỉnh lớn, địa hình phức tạp; các chính sách liên quan còn những điểm chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn một số tổ chức, cá nhân liên quan thiếu trách nhiệm.

» Nghệ An: Nóng xử lý hậu phá rừng

Đó đang là những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn gặp những khó khăn. Dẫu vậy, quan điểm chung nhất của đại diện các cơ quan chức năng là tập trung làm rõ các vụ chặt phá rừng trái phép, xử lý nghiêm vi phạm, để qua đó tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng.

Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Ảnh: P.V
Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Ảnh: P.V

Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An: Không bỏ lọt đối tượng vi phạm

Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An
Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An

"Trong đấu tranh với các vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, chỉ đạo của Công an tỉnh là phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải kịp thời khởi tố vụ án, điều tra làm rõ đối tượng, khởi tố bị can để xử lý một các nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các vụ việc xẩy ra tại địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, đều đã được phát hiện kịp thời, đã và đang được lực lượng công an xử lý trên tinh thần đó. Tại địa bàn Quỳ Hợp, ngay sau khi phát hiện, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an Quỳ Hợp vào cuộc, ngày 18/8/2017, đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Tại Tương Dương, sau khi khám nghiệm hiện trường, phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra đã ra Quyết định số 41 khởi tố vụ án về tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng theo điều 175 Bộ Luật Hình sự để điều tra làm rõ. Còn tại địa bàn Kỳ Sơn, Công an tỉnh chỉ đạo công an huyện nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra làm rõ. Tháng 4/2017, Công an Kỳ Sơn đã khởi tố 4 vụ án, với 12 đối tượng. Hiện đã có 3 vụ, 9 đối tượng được đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; đã khởi tố 1 bị can là Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Nậm Càn (BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn) về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay, các vụ việc ở Quỳ Hợp, Tương Dương vẫn đang tiếp tục được lực lượng công an tiến hành công tác điều tra quyết liệt; đã xác định được một số đối tượng nghi vấn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra các huyện, bên cạnh làm rõ đối tượng trực tiếp phá rừng, cần làm rõ các đối tượng đứng sau, thu mua, đầu nậu và các đối tượng liên quan".

Đại tá Trần Minh Công - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An:

Xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ có liên quan

Đại tá Trần Minh Công - Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An
Đại tá Trần Minh Công - Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An

"Để đảm bảo, giữ gìn an ninh biên giới và quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng như các cấp, ngành, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị kiểm lâm… Bộ chỉ huy đã giao cho các đồn biên phòng địa bàn có kế hoạch bảo vệ đường biên, bảo vệ địa bàn, đặc biệt các khu vực vành đai biên giới - nơi có rừng đầu nguồn với trữ lượng lớn. Về cơ bản, các đồn biên phòng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận là do các vùng rừng rừng đầu nguồn có địa hình phức tạp, hiểm trở, cách xa dân cư, xa đơn vị, nên công tác quản lý bảo vệ gặp không ít khó khăn. Ở một số địa bàn, cán bộ chiến sỹ đã không tuần tra được thường xuyên nên xảy ra những vụ việc phá rừng đầu nguồn khu vực biên giới. Đó là tại một số địa bàn ở xã Na Ngoi, Nậm Càn (Kỳ Sơn), hay gần đây là xã Tam Hợp, Lưu Kiền (Tương Dương).

Khi xảy các vụ việc chặt phá rừng, quan điểm của Thường vụ, Bộ chỉ huy là phải xử lý nghiêm túc. Thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, cá nhân nào thì đơn vị, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm. Cho đến nay, Bộ chỉ huy đã xử lý kỷ luật 1 tập thể, 1 cá nhân để xảy ra trên địa bàn các vụ việc chặt phá rừng. Đối với vụ việc xẩy ra ở xã Tam Hợp, Lưu Kiền, Bộ chỉ huy cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định. Trước mắt đã ra quyết định kiểm tra trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ của Đồn Biên phòng Tam Hợp để xử lý theo đúng quy định".

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Phan Trọng Hoàng: Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương

"Qua các đợt tuần tra trong tháng 2/2017, lực lượng liên ngành của huyện Tương Dương đã phát hiện một số cây gỗ bị chặt hạ ở sâu trong vùng rừng biên giới xã Tam Hợp. Xét thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, Thường trực Huyện ủy đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn kiểm tra toàn bộ vùng rừng phòng hộ dọc biên giới Việt Lào, địa bàn xã Tam Hợp, Lưu Kiền.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện sau đó đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.

Do địa hình, thời tiết phức tạp, việc điều tra gặp không ít khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung lực lượng điều tra, để làm rõ các đối tượng tham gia chặt hạ gỗ rừng để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, tiến hành thu hồi gỗ vật chứng phục vụ điều tra, không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ có liên quan và bổ sung các biện pháp tăng cường công tác quản lý, không để tái diễn các vụ việc tương tự; bảo vệ an toàn, bền vững diện tích rừng trên địa bàn huyện".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng: Kiểm tra tổng thể công tác quản lý, bảo vệ rừng

"Sau khi xẩy ra các vụ việc chặt phá rừng xẩy ra ở các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Tân Kỳ..., UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với Huyện ủy, UBND các huyện; chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với Huyện ủy, UBND các huyện tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập các chứng cứ; khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự về tội khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật, để tiếp tục điều tra khởi tố bị can và xử lý theo đúng quy định Pháp luật.

Quan điểm của UBND tỉnh là các vi phạm cần phải được làm rõ nguyên nhân, động cơ; qua đó, xử lý nghiêm các sai phạm để làm tốt công tác ngăn ngừa và răn đe.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác QLBVR của địa phương, những tồn tại, khó khăn, các đề xuất và kết quả xử lý các sai phạm trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên toàn tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, các chủ rừng thực hiện tốt các nội dung của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 11/04/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương kiểm tra
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương kiểm tra một cây gỗ trên địa bàn xã Lưu Kiền bị đối tượng đánh dấu. Ảnh: P.V

Phó GĐ Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm: Cần điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn

Khi đã có vi phạm các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, thì cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cần đánh giá các chính sách liên quan đến rừng để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Về các vụ việc phá rừng trên địa bàn tỉnh, có hai nhóm: khai thác trái phép lâm sản; phá rừng để chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng.

Ở nhóm khai thác trái phép lâm sản, có nhiều nguyên nhân như việc người dân, khai thác lâm sản làm nhà cửa, đồ gia dụng; hoặc các đối tượng khai thác lâm sản với khối lượng lớn để làm hàng hóa. Nghệ An có diện tích rừng rất lớn, có nhiều vùng rừng giàu ở Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt và các vùng giáp ranh biên giới Việt Lào. Vậy nhưng lực lượng bảo vệ rừng vẫn quá mỏng. Bên cạnh đó, chính sách bảo vệ rừng cho lực lượng này chưa cụ thể, rõ ràng.

Cơ quan chức năng kiểm đếm gỗ tang vật tại xã Tam Hợp. Ảnh: P.V
Cơ quan chức năng kiểm đếm gỗ tang vật tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: P.V


Ở nhóm thứ hai, các đối tượng có liên quan hầu hết là các hộ dân được Nhà nước giao đất rừng. Dẫn đến tình trạng phá rừng ở nhóm này, cơ bản là do chênh lệch nguồn lợi giữa trồng rừng nguyên liệu và bảo vệ rừng tự nhiên quá lớn. Người dân được giao rừng với khối lượng rất lớn, và đáng ra họ cần phải được hưởng các chính sách chế độ phù hợp để bảo vệ rừng. Nhưng lại có những bất cập từ chính sách. Thể hiện ngay tại Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng; và các văn bản quy phạm phát luật có liên quan.

Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ có báo cáo chi tiết các vấn đề này lên các cấp cao nhất của tỉnh, với Đoàn Đại biểu Quốc hội để có kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn".

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO