Xe

Làm thế nào để biết một chiếc xe cũ từng bị đâm đụng mạnh?

Hoàng Hiệp 10/11/2024 17:29

Một chiếc xe đã bị đâm đụng dẫn đến móp méo dù có xử lý khéo đến đâu cũng không thể "qua mặt" được cánh thợ có kinh nghiệm. Dưới đây là một số vị trí "tố" chiếc xe đã từng bị va chạm mạnh mà người mua xe cũ cần lưu ý.

Với nhiều lý do như chi phí rẻ, ít bị mất giá, giao dịch nhanh chóng,... những chiếc ô tô đã qua sử dụng vẫn luôn được đông đảo khách hàng tìm mua. Tuy nhiên, với những người ít kinh nghiệm có thể mua phải chiếc xe từng đâm đụng, va chạm mà không biết, sau một thời gian sử dụng mới nhận ra thì đã quá muộn.

W-xem xe cu.jpg
Xe ô tô cũ không tránh được việc va quệt dẫn đến xước xát, móp méo thân vỏ. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trao đổi với PV, anh Phạm Tất Thắng - chủ gara TT Auto (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc một chiếc xe cũ đã sử dụng nhiều năm bị va chạm dẫn đến móp méo, phải "mông má" lại là chuyện bình thường. Nhưng nếu là một chiếc xe từng bị tai nạn nặng, ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực thì không nên mua.

"Thông thường, bên bán sẽ đưa đến các gara và cố gắng khắc phục các khiếm khuyết sao cho chiếc xe trông long lanh nhất. Nhiều thợ tay nghề cao hiện nay dễ dàng “phù phép” những chiếc xe gặp tai nạn trở nên mới không tì vết mà người ít kinh nghiệm khó có thể nhận ra", anh Thắng nói.

W-xe bị đâm đụng.jpg
Chuyên gia khuyên rằng, không nên mua những chiếc xe từng bị tai nạn nặng, ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp

Cũng theo vị chuyên gia với gần 20 năm mua bán và sửa chữa xe cũ này, việc nhận biết xe ô tô từng bị tai nạn, va chạm ngày càng khó. Tuy vậy, có một số chi tiết dù có làm kỹ đến đâu cũng không thể giấu được và chỉ cần tinh ý quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy như sau:

Kính chắn gió

Thông thường, kính chắn gió trước và sau sẽ rất khó hỏng, nứt vỡ nếu không có một lực mạnh tác động. Do đó, nếu kính lái hoặc kính phía sau bị thay, chúng ta có quyền nghi ngờ chiếc xe đó từng bị tai nạn, đâm đụng mạnh.

Để nhận biết, có thể dựa vào thông số của kính ở góc dưới bên trái. Ví dụ nếu xe sản xuất năm 2020, thì hàng cuối cùng thường sẽ có số 0 hoặc 20. Nếu xe sản xuất năm 2021 sẽ là số 1, tương tự 2022 sẽ là số 2… Kính được thay mới thường sẽ không có số trùng với năm sản xuất của xe, đồng thời sẽ phải đi lại keo chỉ và nếu không phải đồ chính hãng, kính mới nhìn sẽ có nét “dại” hơn.

W-thong so kinh 97.jpeg
Con số cuối ở hàng dưới cùng trong cụm thông tin trên kính lái thường chỉ năm sản xuất. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đèn chiếu sáng, đèn hậu

Với xe cũ, hai bên đèn chiếu sáng và đèn hậu phải có độ mới tương đương nhau. Nếu quan sát chiếc xe có một bên đèn đã cũ và một bên mới, chúng ta cũng hoàn toàn có thể nghi vấn chiếc xe đã bị đâm đụng mạnh dẫn đến việc phải thay 1 cụm đèn.

Các mép, khe cửa

Khe cửa, nhất là mép cửa là vị trí rất dễ bị hư tổn nếu xảy ra va đụng và sẽ "tố" chiếc xe từng bị đâm đụng. Khe cửa, mép cửa của xe ô tô thường được dập trực tiếp tại nhà máy nên rất liền mạch, có sự chính xác cao và đều nhau.

Nếu xe từng bị va đụng, mép cửa sẽ được gò lại bằng thủ công, dù có “khéo tay” đến mức nào thì phần mép và các khe cửa không thể đều nhau một cách tuyệt đối được. Ngoài ra, nếu keo chỉ ở cánh cửa không đều, lệch màu, đơ cứng,... rất có thể cánh cửa đó đã từng bị va chạm và phải gò, bả lại.

mep khe cua 100.jpeg
Mép cửa xe bị cong vênh hoặc đi lại keo chỉ có thể là dấu hiệu "tố" chiếc xe từng bị đâm từ bên hông. Ảnh: Hoàng Hiệp

Mặt dưới nắp ca-pô, cốp sau xe

Sau khi chiếc xe bị va chạm mạnh ở phần phía trước, nếu như mặt trên nắp ca-pô dễ dàng được xử lý, sơn sửa lại thì phần mặt dưới của nắp ca-pô chính là nơi “tố cáo” tình trạng chiếc xe bởi ở đây có khung xương và các bộ phận phức tạp, không dễ làm lại được nguyên bản.

Những xe chưa từng va đụng thì mép cạnh mặt dưới nắp ca-pô sẽ thẳng, đều, không có dấu vết móp lõm hay chắp vá. Mép cạnh hai bên phải tương xứng với nhau, khi đóng lại không bị vênh. Các lỗ nhỏ trên xương của nắp ca-pô phải nguyên dạng, không bị méo.

duoi nap capo.jpg
Mặt dưới nắp ca-pô bị biến dạng, móp méo chứng tỏ chiếc xe đã từng đâm ở phía trước. Ảnh: Hoàng Hiệp

Tương tự nắp ca-pô, hãy mở cốp sau xe, lật thảm và tấm che cốp, quan sát từng chi tiết nhỏ, nhất là các góc cạnh, xem hai bên có đối xứng hay không, xem có vết gò, bả hay vết tích từng va chạm không. Đồng thời, quan sát mép cửa sau có đều và keo chỉ còn nguyên hay không.

Nếu có vết nắn, gò lại, đi lại keo chỉ thì gần như chắc chắn, chiếc xe đã bị va chạm mạnh từ phía sau. Dù thợ có khéo đến đâu thì những méo mó ở bên trong cốp cũng không thể nào khôi phục lại như nguyên bản được.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lam-the-nao-de-biet-mot-chiec-xe-cu-tung-bi-dam-dung-manh-2340130.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/lam-the-nao-de-biet-mot-chiec-xe-cu-tung-bi-dam-dung-manh-2340130.html

Mới nhất

x
Làm thế nào để biết một chiếc xe cũ từng bị đâm đụng mạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO