Làm thế nào để chấm dứt kiểu dạy học “đọc – chép” ?
(Baonghean) - Yếu tố quan trọng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục đó là đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, kiểu dạy học “đọc - chép” đã tồn tại dai dẳng bấy lâu nay trong các nhà trường, đã và đang tạo ra sức ỳ lớn về mặt tâm lý, ảnh hưởng xấu đến việc đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học của trò, làm giảm sút chất lượng giáo dục.
Trước những bất cập của kiểu dạy học “đọc - chép”, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương khá táo bạo là trong vòng 2 năm học 2009 - 2010 và 2010 - 2011 phải cơ bản chấm dứt việc dạy học này trong nhà trường. Việc hạn chế đi đến chấm dứt kiểu dạy học “đọc - chép” là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Song, để thu được kết quả như mong muốn, ngoài nhân tố chính là người giáo viên, cần một sự đổi mới mang tính đồng bộ từ nhiều phía.
Trước hết phải nhận thức rằng, không tồn tại cái gọi là “phương pháp” dạy học “đọc - chép”, mà chỉ có “kiểu” dạy học “đọc - chép”! Thực chất của lối dạy học thầy đọc - trò chép là một hình thức truyền thụ kiến thức một cách bị động, áp đặt của giáo viên trên lớp. Và như vậy, khi nói rằng, phương pháp dạy học là cách thức hoạt động của giáo viên trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp học sinh chủ động đạt được mục tiêu bài học, thì chưa bao giờ “đọc - chép” được xem là một phương pháp dạy học đúng nghĩa. Trong điều kiện hiện nay, lối dạy này vừa gây mất thời gian vừa kém hiệu quả. Đặc biệt là hạn chế tính tích cực, chủ động kìm hãm sức nghĩ, sức sáng tạo của học sinh. Bởi, khi đã quen với lối dạy của thầy, học sinh sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại vào thầy, chờ thầy đọc cho chép mà không chịu tư duy, suy nghĩ để chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Đáng nói là kiểu dạy học này diễn ra khá phổ biến ở các môn khoa học xã hội như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, là những môn học mà không ít học sinh đang tỏ ra hờ hững, không mấy mặn mà.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới kiểu dạy học “đọc - chép” là chương trình, nội dung sách giáo khoa còn nặng nề. Mặc dầu đã qua nhiều lần sửa chữa, chỉnh lý, biên soạn lại những theo ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, nhiều giáo viên và học sinh thì nội dung chương trình sách giáo khoa hiện nay còn có tình trạng quá tải, kiến thức còn mang tính hàn lâm, thiên về lý thuyết, tính thực hành, ứng dụng còn bị hạn chế. Trong khi đó, thời gian dạy học ở các trường trung học còn eo hẹp (chỉ dạy 1 buổi/ngày). Nhiều giáo viên bị áp lực trong việc dạy hết nội dung chương trình trong sách giáo khoa nên không có thời gian cho việc áp dụng các phương pháp sáng tạo, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Không ít giáo viên đã sử dụng lối dạy học đọc - chép như là một “cứu cánh” nhằm “chạy” hết nội dung kiến thức trong sách giáo khoa để không bị xem là “cắt xén” chương trình. Và vì thế, tình trạng nhồi nhét kiến thức, giáo viên thuyết giảng một chiều, học sinh bị động tiếp nhận là khó tránh khỏi. Việc tinh giản nội dung, chương trình sách giáo khoa theo hướng đưa chuẩn kiến thức, kỹ năng ngang với tầm mức tiếp nhận của học sinh, môn học bớt tính hàn lâm, tăng cường yêu cầu thực hành, ứng dụng là vấn đề quan trọng có tác động trực tiếp đến việc đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh nội dung, chương trình sách giáo khoa thì cách thức đánh giá, thi, kiểm tra ở các nhà trường bấy lâu nay cũng đang “có vấn đề”. Trên thực tế, cách kiểm tra học sinh mới phổ biến dừng lại ở yêu cầu ghi nhớ, tái hiện, ít đặt ra yêu cầu kiểm tra, đánh giá mức độ thông hiểu bản chất, kỹ năng vận dụng tri thức. Tình trạng này khiến học sinh sa vào học tủ, học vẹt, ghi nhớ kiến thức một cách máy móc để đối phó với việc kiểm tra, đánh giá. Và, lối dạy học nhiều hạn chế này lại có “đất” để phát triển. Qua tìm hiểu được biết, không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên có tâm huyết hiện nay cũng không thích kiểu dạy học nhồi nhét kiến thức những với tâm lý: thi, kiểm tra như thế nào sẽ dạy - học như thế ấy nên khi chậm đổi mới thi cử thì khó đổi mới phương pháp dạy học. Như vậy, song song với việc đổi mới phương pháp dạy học phải tích cực đổi mới cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá để có tác động mạnh mẽ, kích thích học sinh nỗ lực học tập, giáo viên bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học. Không đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh thì việc đổi mới phương pháp dạy học giống như kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Loại bỏ cách dạy học “đọc - chép” ra khỏi môi trường học đường là điều không hề đơn giản bởi nó đã trở thành nếp, thành thói quen của không ít giáo viên trong nhiều năm qua. Nhưng không phải là không làm được, nếu như lãnh đạo nhà trường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động giảng dạy, chuyên môn của giáo viên và nhất là có sự đồng tâm cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của người giáo viên – nhân tố quyết định việc đổi mới phương pháp dạy học.
Với phương châm tôn trọng học sinh cũng là tôn trọng chính bản thân mình, xem người học là trung tâm, tùy vào từng môn học, từng bài học cụ thể mà người giáo viên cần kết hợp các phương pháp sao cho hiệu quả, giáo viên cần bám sát đối tượng học sinh trên cơ sở phát huy những ưu điểm của phương pháp dạy - học truyền thống (diễn giảng, đối thoại, kể chuyện…) kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại (hoạt động nhóm, đóng vai, thâm nhập thực tế…). Trong mỗi tiết học, giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh được suy nghĩ nhiều hơn, thực hành, thảo luận nhiều hơn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo ở mỗi học sinh. Việc dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng giáo án điện tử cũng cần được hiểu và vận dụng đúng mức, tránh tình trạng chuyển từ “đọc - chép” sang “nhìn - chép”.
Song song với việc bồi dưỡng giáo viên đang đứng lớp, cần đẩy mạnh khâu đổi mới đào tạo sinh viên trong các trường sư phạm để đáp ứng đòi hỏi về phương pháp dạy học hiệu quả. Mặt khác phải cung cấp cho giáo viên nguồn dữ liệu mở, tài liệu, giáo án, chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm trong tổ chức dạy và học. Hoạt động hướng đến việc đổi mới phương pháp dạy học phải đa dạng, thực chất và đi vào chiều sâu. Muốn vậy, ban giám hiệu các nhà trường cần tạo điều kiện và động viên về tinh thần, vật chất cho những giáo viên có tâm huyết nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp dạy học sáng tạo.
Cuối cùng, muốn chấm dứt kiểu dạy học “đọc - chép” giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh biết cách tự học, tự nghiên cứu. Chừng nào đội ngũ giáo viên trong các nhà trường chưa thực hiện tốt điều này thì yêu cầu chấm dứt kiểu dạy học “đọc - chép” theo lộ trình trong vòng 2 năm như Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ khó thực hiện được.
Bùi Minh Tuấn