Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm chế độ, chính sách cho người có công

(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

Thắp nến tri ân lên phần mộ các liệt sỹ
Thắp nến tri ân lên phần mộ các liệt sỹ
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay (2015), Nghệ An đã có những kế hoạch, hành động gì để tri ân những người có công với nước?
Đồng chí Nguyễn Đăng Dương: Năm nay Nghệ An triển khai các chương trình kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) sớm hơn những năm trước. Từ giữa tháng 5, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Theo đó, tỉnh tổ chức đoàn gồm những người có công tiêu biểu của tỉnh ra Hà Nội để báo công với Bác Hồ, gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, về với cội nguồn đền Hùng để thắp hương tưởng niệm Vua Hùng đã có công dựng nước, thăm An toàn khu ở Thái Nguyên; đoàn gồm các lãnh đạo tỉnh đi thắp hương ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn; tổ chức 5 đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trong tỉnh, các đơn vị nuôi dưỡng chăm sóc người có công trên địa bàn; tổ chức phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở tất cả các cấp cơ sở; thực hiện việc chi trả tiền trợ cấp và quà của Chủ tịch nước trước ngày 20/7/2015 một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng chế độ quy định; tập trung xử lý đầy đủ và cơ bản các phát sinh sau tổng rà soát theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát người có công; tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân vào tối 26/7 ở tất cả các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ của tỉnh tổ chức chương trình sự kiện để tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…  Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Nghệ An đã tiến hành xây dựng và sửa chữa nhà cho 79 Mẹ Việt Nam anh hùng có 2 con là liệt sỹ trở lên. Ngoài kế hoạch chung của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng tổ chức những chương trình tri ân, về nguồn. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nhận phụng dưỡng 130 Mẹ Việt Nam anh hùng, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách trong tỉnh.
Phóng viên: Trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đăng Dương: Hiện nay, Nghệ An đang quản lý chi trả chế độ cho khoảng 80.000 người có công với tổng số tiền chi trả mỗi tháng hơn 110 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung một số vấn đề nổi lên như: Có một số lượng lớn người tham gia kháng chiến, quân đội, TNXP, dân quân hỏa tuyến, dân quân du kích do thất lạc giấy tờ gốc nên rất khó để chứng minh được họ đã tham gia kháng chiến và hiện đang phải chịu các thương tật do chiến tranh, vì thế rất khó để làm các chế độ cho những đối tượng này. Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công còn gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục để các đối tượng được hưởng các chính sách do Nhà nước ban hành…
Phóng viên: Đối với những người tham gia kháng chiến nhưng bị thất lạc hồ sơ, chưa được hưởng các chế độ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng ở Nghệ An sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đăng Dương: Vấn đề thất lạc giấy tờ, thất lạc hồ sơ đối với các đối tượng người có công là một vấn đề bức xúc chung của cả nước. Các Sở LĐ-TB&XH ở nhiều tỉnh, thành đều có những đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng cần thiết phải sửa đổi những quy định tại Thông tư số 28 quy định về thiết lập hồ sơ đối với những người tham gia kháng chiến để được công nhận là liệt sỹ, thương binh, và những người hưởng chế độ, chính sách. Theo tôi, sắp tới cần có những nghiên cứu để sửa đổi thông tư này với mục đích sớm giải quyết được các chế độ cho những người có công mà bị thất lạc giấy tờ. 
Phóng viên: Để thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công, chúng ta đã và đang có những cách làm gì nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia?
Đồng chí Nguyễn Đăng Dương: Để thực sự làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công, tri ân công lao của những người đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì chúng ta phải tập trung cao độ để giải quyết những tồn tại, tồn đọng về mặt chính sách đối với những người có tham gia kháng chiến bị thương, hy sinh, bị phơi nhiễm chất độc hóa học; tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân biết được tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công. Để cho những người nằm trong diện được hưởng các chế độ, chính sách biết và làm các thủ tục cần thiết để được hưởng các chính sách của Nhà nước. Qua đó giúp người dân làm tốt công tác giám sát sớm phát hiện những đối tượng hưởng không đúng báo với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Đồng thời tiếp tục xã hội hóa cao công tác “Đền ơn đáp nghĩa” để ngày càng tạo ra một nguồn lực lớn hơn, nhiều hơn để có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho người có công ở mọi miền có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn. Thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính cho các phần mộ liệt sỹ theo đề án chung từ nay cho đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là khao khát, nguyện vọng của rất nhiều thân nhân các liệt sỹ. Tập trung xử lý những vấn đề phát sinh sau tổng rà soát đối với người có công theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những người hưởng sai thì phải xử lý ngay, những người chưa được hưởng đầy đủ thì cần phải bổ sung để được hưởng đầy đủ. Những người chưa được hưởng sau rà soát thì cần phải hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hồ sơ để nhanh chóng được hưởng các chế độ của Nhà nước. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở để kịp thời phát hiện những trường hợp hưởng không đúng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, để nắm được việc thực hiện chế độ của Đảng và Nhà nước đối với những người có công đã đầy đủ chưa, chính xác chưa, kịp thời chưa, có bị bớt xén hay không…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí! 
P.V (Thực hiện)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.