Làm trong sạch Đảng: Chỉ dẫn của Lênin chưa bao giờ cũ
Những bài học về thanh đảng, về chống tham ô, tham nhũng của Lênin dường như chưa bao giờ cũ, thậm chí nó còn có ý nghĩa vượt thời đại.
V.I.Lênin là người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tên tuổi của ông gắn liền với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại 1917.
V.I.Lênin (22/4/1870- 22/4/2020).Ảnh tư liệu |
Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Người (22/4/1870), những người cộng sản trên thế giới lại một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc đối với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Lênin cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bất công. Đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị bền vững trong di sản tư tưởng, lý luận phong phú mà Người để lại.
Đặc biệt, trong di sản đó, những chỉ dẫn của Người về xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn luôn luôn có giá trị với những người cộng sản dù lịch sử đã lùi xa hàng trăm năm trước. Những chỉ dẫn này thực sự có ý nghĩa khi chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, loại bỏ những thành phần thoái hóa, biến chất.
Sàng lọc đảng viên, loại trừ những phần tử không cộng sản
Theo nghiên cứu của TS Ngô Kim Ngân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng Công nhân dân chủ- xã hội Nga trở thành Đảng cầm quyền. Trong điều kiện mới, Đảng mất đi sự sàng lọc tự nhiên, mặt khác, do sự hấp dẫn của đảng cầm quyền, những phần tử cơ hội này, cùng với những phần tử cơ hội cũ thực sự trở thành một lực lượng đáng kể trong Đảng. Số lượng đảng viên của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga tăng nhanh. Việc kết nạp có những sai sót về tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng của Đảng. Đây chính là nguồn gốc của những bè cánh, phe nhóm trong Đảng.
Trước tình hình đó, trong 2 năm (1919-1920), Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga phải tiến hành đăng ký, sàng lọc lại đảng viên, loại trừ những thành phần không cộng sản, đưa những phần tử cơ hội, trục lợi ra khỏi Đảng. Năm 1921, Đảng Công nhân dân chủ- xã hội Nga tổ chức Đại hội lần thứ X. Đại hội quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới.
Nhận thấy, sự tồn tại của nhiều phe phái trong Đảng, dẫn đến nguy cơ cản trở quá trình thực hiện đường lối kinh tế mới, tháng 9/1921 V.I.Lênin viết bài báo “Về vấn đề thanh đảng”. Người chỉ ra rằng, thanh đảng là vấn đề nghiêm túc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga. Người đề nghị phải đưa tất cả những thành phần cơ hội, phản động, chống đối lại đường lối của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân ra khỏi Đảng, có sự tham gia của đông đảo quần chúng lao động. Đại hội lần thứ X Đảng Công nhân dân chủ - lao động Nga đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết trên và tổ chức thực hiện vào năm 1921. Nhờ cuộc thanh đảng năm 1921, Đảng đã đưa ra khỏi Đảng 170.000 người (chiếm 25% tổng số đảng viên của Đảng).
Mục đích của thanh đảng là nhằm loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đó, Đảng thực sự là đội tiên phong được quần chúng tín nhiệm và ủng hộ.
Tranh “Lênin vĩ đại soi sáng đường cho chúng ta đi” của họa sĩ Mikhail Getman. |
Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo chính quyền
Luận giải về vấn đề quan liêu, tham nhũng theo tư tưởng của Lênin, TS Nguyễn Trần Thành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Là người lãnh đạo giai cấp vô sản Nga giành chính quyền và đã có nhiều năm tháng trực tiếp lãnh đạo và xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới đầu tiên trên thế giới, Lênin có điều kiện để hiểu rõ bản chất cũng như những nguy hại của căn bệnh quan liêu, tham nhũng đối với việc tổ chức và quản lý bộ máy nhà nước. Bởi vậy, Người cho rằng, cần tăng cường kiểm kê, kiểm soát bộ máy nhà nước, xử lý nghiêm những kẻ quan liêu, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo chính quyền.
Nhiệm vụ trước mắt là giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo trong tổ chức bộ máy, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, xây dựng cơ chế phát hiện và thải loại những cán bộ công chức thoái hóa, biến chất.
Xây dựng cơ chế giám sát độc lập đối với đảng viên
Dưới sự chủ trì của V.I.Lênin, Ủy ban nhân dân toàn Nga đã thông qua “Pháp lệnh trừng trị những hành vi tham ô, hối lộ”, trong đó đã quy định mức phạt thấp nhất là phải lao động cưỡng bức 5 năm, đồng thời tước bỏ hết những quyền lợi chính trị. Để đối phó với căn bệnh quái ác này trong bộ máy chính quyền, Người đã để ra các biện pháp cấp bách và cơ bản lâu dài, trong đó có việc xây dựng một cơ chế giám sát độc lập, bao gồm các Ủy ban Giám sát từ trung ương đến cơ sở.
Những thành viên của Ủy ban Giám sát này ở Trung ương có quyền hạn bình đẳng với Ban chấp hành Trung ương và tương tự như vậy ở các cấp tiếp theo. Người nào tham gia Ủy ban Giám sát thì không được tham gia vào Ban chấp hành Đảng bộ các cấp và càng không được giữ bất kỳ chức vụ gì về mặt chính quyền. Những quyết nghị của Ủy ban Giám sát đưa ra Ban chấp hành tương đương phải thực hiện, không được thêm hoặc bớt. Nhờ vậy, nhiều hành vi tham ô, tham nhũng bị phát hiện và nhiều “quan tham” bị đưa ra xét xử.
Có thể nói, những bài học về thanh đảng, về chống tham ô, tham nhũng của Lênin dường như chưa bao giờ cũ, thậm chí nó còn có ý nghĩa vượt thời đại. Vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, chúng ta đã và đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương IV khóa XI và khóa XII, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bằng việc hoàn thiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chúng ta từng bước loại bỏ những thành phần thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích và sự kỳ vọng của nhân dân. Hàng vạn đảng viên các cấp đã bị xử lý, kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Những nỗ lực đó không ngoài mục đích nào khác là làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trích dẫn kỷ yếu "Di sản Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam" nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh V.I.Lênin (2010).