Lần đầu tiên bản dân tộc Khơ Mú học làm hàng hóa xuất khẩu

25/08/2016 10:30

(Baonghean.vn) - Lớp truyền nghề mây tre đan được Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương phối hợp cùng một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tổ chức tại bản Xốp Pu (Yên Na – Tương Dương). Lớp có 35 học viên và cũng là lần đầu tiên, một lớp dạy nghề cho cộng đồng Khơ Mú được tổ chức tại xã Yên Na.

Lớp mây tre đan vừa khai giảng ở Yên Na – Tương Dương có 35 học viên và sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng
Lớp mây tre đan vừa khai giảng ở Yên Na – Tương Dương có 35 học viên tham gia

Lớp học khai giảng chiều 24/8 và dự kiến sẽ kéo dài 60 ngày với 191 giờ học trong đó có 156 giờ thực hành. Trong thời gian này các học viên sẽ được truyền dạy cách chế tác những sản phẩm đan lát mỹ nghệ xuất khẩu theo thị hiếu của thị trường nước ngoài.

Nguồn kinh phí tổ chức lớp học được trích từ nguồn đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của chính phủ.

Lớp học chủ yếu hướng dẫn bà con thực hành sản phẩm, không nặng về lý thuyết.
Lớp học chủ yếu hướng dẫn bà con thực hành sản phẩm, không nặng về lý thuyết.

Yên Na là vùng đất sẵn có nguyên liệu đan lát như: tre, nứa, lùng, giang, mây… là điều kiện tốt để phát triển nghề đan lát. Người Khơ Mú lại là cộng đồng giỏi đan lát, tuy nhiên lâu nay bà con chỉ quen làm những sản phẩm truyền thống phục vụ sinh hoạt của người vùng cao.

Đại diện doanh nghiệp - đơn vị tham gia truyền nghề hứa bao tiêu sản phẩm cho bà con Khơ mú ở Yên Na
Đại diện doanh nghiệp - đơn vị tham gia truyền nghề hứa bao tiêu sản phẩm cho bà con Khơ mú ở Yên Na

Lớp học hy vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của bà con về nghề truyền thống qua đó giúp những sản phẩm của người bản địa có thể vươn lên và trở thành hàng hóa khi đưa ra thị trường. Doanh nghiệp truyền nghề cũng hứa sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia lớp học.

Đây là lần đầu tiên người Khơ mú ở Yên Na được học đan lát. Trước đây bà con chủ yếu nhìn nhau mà làm theo kinh nghiệm truyền thống
Đây là lần đầu tiên người Khơ mú ở Yên Na được học đan lát. Trước đây bà con chủ yếu nhìn nhau mà làm theo kinh nghiệm truyền thống

Theo đại diện Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương, hiện nhu cầu truyền dạy nghề của lao động nông thôn vùng cao là rất lớn. Theo đăng ký của bà con, trong năm 2016 có thể mở 19 lớp dạy nghề nhưng kinh phí chỉ cho phép mở một số lớp học.

Ngoài lớp mấy tre đan ở Yên Na, vừa qua Trung tâm dạy nghề Tương Dương cũng mở 1 lớp dạy kỹ thuật nuôi cá lồng ở xã Tam Quang.

Hữu Vi - May Hằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lần đầu tiên bản dân tộc Khơ Mú học làm hàng hóa xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO