Lần đầu tiên Việt Nam có luật về hoạt động khí tượng thủy văn

07/12/2015 18:30

Luật Khí tượng thủy văn với 10 Chương gồm 55 Điều được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015.

Luật sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật khí tượng, thủy văn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật khí tượng, thủy văn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Hoàn chỉnh thêm hệ thống pháp luật của ngành

Nhận xét về Luật này, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)-Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự án Luật Khí tượng thủy văn cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật.

Luật điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam. Một số vấn đề mới từ trước đến nay chưa có quy định mang tính pháp lý thì nay đã được quy định trong Luật, như vấn đề tác động vào thời tiết; Giám sát biến đổi khí hậu; Các yêu cầu bắt buộc về quan trắc khí tượng thủy văn đối với các công trình khi hoạt động chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng; Các quy định về hoạt động phục vụ và dịch vụ khí tượng thủy văn; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn…

Luật góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành tài nguyên và môi trường; Bảo đảm tính thống nhất của các mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; phát triển các tram khí tượng thủy văn chuyên dùng Luật đã quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới tram khí tượng thủy văn quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm của các Bộ, ngành, địa phương, hành lang kỹ thuật trạm và quy định về yêu cầu quan trắc phải tuân thủ tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn...

Nhưng tùy thuộc vào mục đích cụ thể, nội dung quan trắc của các loại trạm khí tượng thủy văn có thể khác nhau. Vì vậy, xuất phát từ tính chất trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin khí tượng thủy văn theo mục đích riêng của từng ​bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, nên việc giao cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với các trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, không thể thiếu mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ mục đích cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Thực tế trên thế giới cũng như ở ​Việt Nam đã và đang tồn tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của đất nước, việc hình thành và phát triển các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần được khuyến khích. Thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Luật đã thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia… thông qua quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu về thông tin khí tượng thủy văn ngày càng nhiều và đa dạng, đồng thời, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là cần thiết.

Tuy vậy, do hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, Luật đã quy định dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân là hoạt động có điều kiện và phải được cấp phép. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong trường hợp dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật cũng quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành; quy định về tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn.

Luật cũng đã bổ sung quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi cố ý vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn; che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. Quy định trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải xây dựng và thường xuyên cập nhật quy chuẩn kỹ thuật, quy trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cũng như phải thực hiện đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Quy định cụ thể về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân.

Về hệ thống quốc gia dự báo, gồm các cơ quan sự nghiệp công lập về dự báo khí tượng thủy văn các cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; quy định rõ nguyên tắc hoạt động của hệ thống này. Ngoài ra, Luật đã có quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Luật Phòng, chống thiên tai cũng đã có các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai nói chung, trong đó 17/19 loại là thiên tai khí tượng thủy văn.

Về quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội, Luật đã quy định hành vi bị cấm: “ Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ lieu khí tượng thủy văn ”; quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn; quy định các cơ quan truyền thông có trách nhiệm phải tổ chức truyền, phát tin về khí tượng thủy văn theo quy định tại Luật này và pháp luật về báo chí.

Các nội dung trên đã đảm bảo quy định chặt chẽ vấn đề cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết để triển khai thi hành Luật Khí tượng thủy văn, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị định, gồm Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành một số Thông tư hướng dẫn, đảm bảo kịp thời gian có hiệu lực thi hành của Luật vào ngày 1/7/2016./.

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lần đầu tiên Việt Nam có luật về hoạt động khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO