Lan tỏa giá trị văn hóa Tết với học sinh

Mỹ Hà 05/02/2024 19:30

 (Baonghean.vn) - Những phiên chợ Tết, những góc trưng bày đậm chất Xuân là  trải nghiệm Tết Việt dành cho học sinh trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới. Hoạt động này cũng đang được các nhà trường đồng loạt triển khai trong những ngày này.

Tết Việt với du học sinh

Ngày hội gói và nấu bánh chưng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 kéo dài trong 2 ngày và diễn ra đúng vào những ngày cuối cùng của năm Quý Mão.

Tham gia chương trình, ngoài hơn 700 học sinh là người dân tộc thiểu số còn có 31 lưu học sinh Lào đang học tập tại trường và các cán bộ, chiến sĩ đến từ Lữ đoàn Vận tải 654, Cục Hậu cần Quân khu IV, đơn vị kết nghĩa với nhà trường. Ngoài chương trình giao lưu truyền thống, những người lính vận tải còn là những người thầy hướng dẫn các học sinh nấu và gói bánh chưng theo đúng phong tục Tết cổ truyền Việt Nam.

bna-anh-my-ha-15-4999.jpg
Lưu học sinh Lào hào hứng với việc được trải nghiệm gói bánh chưng của người Việt. Ảnh: Mỹ Hà

Trước ngày hội gói và nấu bánh chưng bắt đầu, em Souklthida – lưu học sinh Lào đến từ tỉnh Savanakhet đã kịp lên mạng để tìm hiểu về Tết Việt. Đây cũng là một trong những nội dung trong bài tập tiếng Việt mà các cô giáo ở trường đã giao cho tập thể lớp, nhằm giúp cho các em hiểu hơn phong tục, tập quán của Việt Nam.

Lần đầu làm quen với khái niệm “bánh chưng”, “bánh tét”, Souklthida còn khá bỡ ngỡ bởi em chưa từng được ăn cũng chưa từng thấy một chiếc bánh đúng nghĩa ở bên ngoài. Nhưng sau một buổi chiều được trải nghiệm và được các chú bộ đội ở Lữ đoàn Vận tải 654 hướng dẫn, nữ sinh này thực sự vui thích.

“Tết của đất nước Lào chủ yếu chỉ có tục té nước và hầu như không có một loại bánh nào đặc trưng. Nhưng bánh chưng, bánh tét lại gắn bó với Tết Việt và không thể thiếu với mỗi gia đình. Hôm nay em đã tự tay gói được một chiếc bánh chưng và rất mong chờ thành quả đầu tiên của mình”.

Soullthida - Lưu học sinh Lào đang học tại NGhệ An

Trước khi đến Việt Nam học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2, Soullthida khá nhút nhát, không biết nói tiếng Việt và từng lo ngại không thể hoà nhập được với môi trường mới.

Cô bé cũng không tin rằng, chỉ sau hơn 3 tháng học tiếng Việt em đã có thể giao tiếp một cách thành thạo và trở thành một trong những lưu học sinh học tốt nhất lớp. Những ngày được học và trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ Nghệ, Soulthida nói rằng em yêu mảnh đất này và yêu cả cách người Việt đón Tết. Tình yêu của em cũng truyền sang bố mẹ và trước kỳ nghỉ Tết kéo dài 2 tuần, cả gia đình em sẽ sang Việt Nam để cùng cảm nhận hương vị Tết xứ Nghệ.

bna-phien-cho-xuan-van-nghe-3354-6857.jpg
Tiết mục văn nghệ tái hiện lại những trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 có hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số đến từ 10 huyện miền núi của tỉnh. Với đặc thù riêng, mỗi học sinh đến với trường lại mang theo một phong tục, tập quán, một nét văn hóa riêng. Môi trường đa văn hóa, đa dân tộc cũng được phản ánh rất rõ rệt trong ngày hội mừng Đảng - mừng Xuân với đêm lửa trại, thi nấu mâm cơm Tết của đồng bào các dân tộc, làm bánh truyền thống, biểu diễn văn nghệ.

Thầy Mai Văn Đạt – Bí thư Đoàn trường cho biết: “Chúng tôi hướng đến những giá trị văn hóa truyền thống trong các hoạt động đón Xuân, vui Tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, để vừa tăng cường tính đoàn kết, gắn bó và cũng là một cách để học sinh hiểu hơn về những nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam, hiểu hơn sự đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Nghệ”.

hoc-sinh-truong-pt-dtnt-tinh-gioi-thieu-ve-chiec-khan-tho-cam-truyen-thong-cua-dong-bao-thai-tai-le-hoi-xuan-cua-nha-truong-19-9094.jpg
Học sinh Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh giới thiệu về chiếc khăn thêu của đồng bào Thái. Ảnh: Mỹ Hà

Lưu giữ những giá trị truyền thống

Từ giữa tháng 12 âm lịch, đồng loạt các trường học trên toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chào đón năm mới 2024. Năm nay, một trong những chủ đề chính được các trường triển khai đó là Tết truyền thống của dân tộc với những phiên chợ Xuân, những góc trưng bày nhằm gợi nhớ đến Tết xưa.

Tết cổ truyền của dân tộc còn mang giá trị nhân văn sâu sắc khi đây là dịp để các nhà trường, các thầy, cô giáo và các em học sinh quan tâm đến những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự tương thân, tương ái để ai cũng có một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc.

hoc-sinh-truong-tieu-hoc-cua-nam-1-tham-gia-cac-hoat-dong-don-tet-co-truyen-dan-toc-5078-3116.jpeg
Ngày hội đón năm mới của học sinh Trường Tiểu học Cửa Nam 1. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tại Trường Tiểu học Cửa Nam 1 (thành phố Vinh), chương trình vui đón Tết được kéo dài với chuỗi nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, ngày hội “Xuân ấm áp - Tết yêu thương” được tổ chức cho học sinh toàn trường nhằm tìm hiểu về nguồn gốc của Tết dân tộc và trao quà Tết cho những học sinh nghèo vượt khó.

Trước Tết gần 1 tháng, cô và trò nhà trường đã tổ chức hoạt động vẽ tranh và viết thư tay gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cha mẹ, ông bà nhân dịp đầu Xuân năm mới. Trong tháng 1, Liên đội nhà trường cũng tổ chức buổi lễ chào cờ với chủ đề “Chào Xuân 2024” gồm nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm sắc Xuân do học sinh khối 3 biểu diễn.

cac-lop-hoc-o-truong-tieu-hoc-cua-nam-1-duoc-trang-tri-dam-mau-sac-tet-co-truyen-3545-3324.jpeg
Nhiều lớp học ở Trường Tiểu học Cửa Nam 1 được trang hoàng đậm sắc Xuân. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch chuyên môn năm học 2023-2024, vào tuần cuối cùng của năm cũ, trong giờ học Giáo dục địa phương lớp 5, nhà trường đã tổ chức tiết dạy kết nối với Trường Tiểu học Bình Chuẩn (Con Cuông) và Trường Tiểu học Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) với chủ đề “Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam”. Trong tiết học này, thông qua hình thức trực tuyến, học sinh của 3 trường được tìm hiểu về các phong tục Tết cổ truyền, biểu diễn vở kịch sự tích bánh chưng, bánh dày và chia sẻ về Tết địa phương, Tết của người xa xứ; các em cũng được trải nghiệm làm thiệp, trang trí cành đào, viết câu đối ngày Tết.

“Trường chúng tôi dù là trường nằm ở trung tâm thành phố, nhưng số học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều, trong đó, có 35 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, trong dịp Tết này chúng tôi đã phối hợp với hội cha mẹ học sinh và các nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp để mang những món quà Xuân ấm áp đến với các em học sinh và các gia đình.

Ngoài triển khai các hoạt động tương thân, tương ái chúng tôi cũng xem Tết là một dịp ý nghĩa để giáo dục học sinh về những giá trị truyền thống của dân tộc. Do đó, chuỗi hoạt động đón Xuân không chỉ có trang trí, trưng bày theo chủ để chủ điểm trong từng lớp học, tại khuôn viên nhà trường mà còn được lồng ghép trong các bài học, trong từng hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động này đều nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo học sinh, phụ huynh”.

cô giáo Lê Thị Bắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cửa Nam 1

Những hoạt động trải nghiệm hướng về Tết cổ truyền của dân tộc cũng là cơ hội để học sinh được thể hiện sự tài năng, khéo léo, sức sáng tạo và bày tỏ những quan niệm, những cái nhìn rất riêng của thế hệ trẻ ngày nay với ngày Tết của quê hương.

hoc-sinh-truong-thpt-bac-yen-thanh-thi-goi-banh-chung-banh-tet-715-3315.jpeg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Bắc Yên Thành tham gia cuộc thi gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đến với Lễ hội Tết Việt của Trường Trung học phổ thông Bắc Yên Thành, ngoài số tiền gần 27 triệu đồng toàn trường đã quyên góp để ủng hộ học sinh nghèo, học sinh của trường còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, một trong những chương trình đặc sắc đó là cuộc thi viết thư pháp, trải nghiệm làm ông đồ Nghệ.

Thầy giáo Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Lễ hội Tết là hoạt động thường niên của nhà trường và các em rất thích thú. Vì thế, vào mỗi năm, chúng tôi luôn cố gắng đổi mới chương trình và lồng ghép vào đó những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Qua những gì các em đã thể hiện, tôi tin rằng, dù ở giai đoạn nào, dù ở lứa tuổi nào thì Tết Việt vẫn có giá trị riêng đối với các em học sinh và bằng nhiều cách các em vẫn có thể thể hiện được tình yêu với văn hóa quê hương, vẫn có cách để lưu giữ, bảo tồn và phát huy”.

cuoc-thi-viet-thu-phap-cua-cac-hoc-sinh-truong-thpt-bac-yen-thanh-8782-4775.jpeg
Cuộc thi viết thư pháp của học sinh Trường Trung học phổ thông Bắc Yên Thành. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Sự hưởng ứng của học sinh với những lễ hội Tết, với những phiên chợ Tết… cũng đã làm sống lại Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Để qua đó, một lần nữa các em biết trân trọng quá khứ và vun đắp, làm giàu thêm văn hóa truyền thống, giá trị gia đình của người Việt.

Mới nhất
x
Lan tỏa giá trị văn hóa Tết với học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO