Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý

Minh Quân 19/05/2023 10:28

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Năm này, cùng với nhiều hoạt động sôi nổi của Lễ hội Làng Sen năm 2023, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đang diễn ra trưng bày Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.

Cùng với các hoạt động tham quan, tưởng niệm, đến với Khu Di tích Kim Liên dịp này, du khách có cơ hội được tìm hiểu hơn 130 tấm gương điển hình tiên tiến là các tập thể, cá nhân được Ban Tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh.

Những câu chuyện xúc động

Nội dung triển lãm gồm 2 phần. Phần một có chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta” nhằm khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời với phong trào thi đua sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Thuyết minh viên Khu Di tích Kim Liên giới thiệu Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" tới các em học sinh. Ảnh: Minh Quân

Trong phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.

Phần hai với chủ đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý” gồm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật, giới thiệu tới công chúng những câu chuyện về hơn 130 tổ chức và cá nhân tiêu biểu của các ngành, các cấp. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, quả cảm... để chúng ta học tập và noi theo.

Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại triển lãm. Ảnh: Minh Quân

Một câu chuyện xúc động tại triển lãm là về thương binh Nguyễn Tiến Dân ở phường Thanh Khê Đông (thành phố Đà Nẵng). Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Tiến Dân luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng cho công tác thiện nguyện giúp đời, giúp người mà ông hằng tâm niệm. Với hành trình “Thắp sáng ước mơ - Cùng bạn đến trường”, từ năm 2000, ông dành dụm tiền của bản thân, đồng thời, vận động thêm bạn bè, đồng đội giúp đỡ học sinh nghèo thông qua các hoạt động tặng sách vở, đồ dùng, áo ấm… Hơn 20 năm qua, hành trình ý nghĩa này mỗi ngày được nối dài thêm từ những bước chân ông in hằn khắp dải đất miền Trung.

Đó là câu chuyện về cô giáo Dương Thị Tú Lệ, hiện đang cùng chồng dạy học tại thôn Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - nơi sinh sống của 56 hộ gia đình, 100% là dân tộc H'Mông. Chứng kiến cảnh nhiều học sinh đi học thất thường do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Lệ quyết định bàn với chồng hàng tháng trích đồng lương ít ỏi của mình để mua thực phẩm nấu cơm trưa cho học sinh, một phần đỡ được cho gia đình các em, một phần để thầy, cô có cơ hội bổ sung thêm kiến thức cho các em ở trường nhằm nâng cao chất lượng học tập.

Nhờ tấm lòng của cô Lệ, 5 năm qua, điểm trường nơi cô đang giảng dạy thường xuyên duy trì được sĩ số 100%, chất lượng học tập cũng được nâng lên. Có thời gian, vợ chồng cô Lệ xin chuyển công tác đến điểm trường gần nhà hơn để tiện chăm sóc cho gia đình, nhưng phụ huynh và học sinh kiến nghị lên xã để thầy, cô ở lại. Hiểu được tình cảm của phụ huynh và học sinh dành cho mình, thầy, cô đã quyết định tiếp tục công tác tại điểm trường thân quen này.

Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An có 3 cá nhân góp mặt tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đợt này. Đó là Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà ở xã Nam Thành (Yên Thành) - người đã dồn hết tâm huyết tự mình đắp tượng các vĩ nhân: Vua Hùng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ... ngay trong vườn nhà mình để lưu giữ, tuyên truyền, giáo dục con cháu trong gia đình và thế hệ trẻ.

Những tấm gương điển hình ở Nghệ An được giới thiệu tại Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Ảnh: Minh Quân

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Hà còn xây dựng Phòng Thư viện và Phòng Truyền thống tại nhà riêng cho các cháu đến tham quan và mượn sách. Sưu tầm, biên soạn bộ lịch sử bằng ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sưu tầm và lưu giữ 79 mẫu chữ ký của Bác Hồ; sưu tập 360 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Đó còn là Nghệ nhân Trương Thanh Hải ở xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) – người đã sưu tầm, lưu giữ và phát triển nhiều làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ và phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp, trong đó, có "Lễ Bốc Mó" được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận Lễ hội cấp tỉnh.

Ngoài ra, không thể không kể đến nữ Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Trần Thanh - nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa giỏi công tác hội phụ nữ.

Trong thời gian qua, đồng chí Thanh đã tham mưu với cấp ủy phối hợp tổ chức tập huấn cho cấp ủy của 14 chi bộ thôn, bản về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, thành lập và duy trì hiệu quả các Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” với hàng trăm hội viên; vận động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch mùa màng; tuyên truyền pháp luật và phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép cho hàng ngàn lượt chị em phụ nữ…

Lan tỏa người tốt, việc tốt

Ngoài các cá nhân trên, triển lãm còn giới thiệu gần 130 câu chuyện điển hình khác trong 2 năm (2021, 2022), là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, quốc phòng và an ninh. Trong đó, mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những bức ảnh, bài viết tại Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Ảnh: Minh Quân

Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Khu Di tích Kim Liên diễn ra từ đầu tháng 5 đến tháng 9/2023, với hơn 200 bài viết, tư liệu được trưng bày trước cổng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đưa các con nhỏ về thăm quê Bác và xem triển lãm, chị Hoàng Thị Thanh Huyền ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) cho biết: “Tôi rất xúc động với những cá nhân, tập thể được giới thiệu tại đây, từ những tấm gương tích cực hiến máu tình nguyện cứu người; tấm gương dành nhiều năm thu gom rác không công cho xóm làng; nhóm nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân, đến các chiến sĩ bảo vệ biên cương Tổ quốc…, tất cả đã cho thấy những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, vì đất nước”.

Còn theo ông Lê Đăng Thiện ở phường Hưng Phúc (thành phố Vinh), triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” với những câu chuyện chân thực mà đa dạng, lấp lánh tình người đã thực sự cuốn hút những du khách như ông, từ đó có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống.

Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương “người tốt, việc tốt” mà còn góp phần giúp người xem có thêm nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức sẽ đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống để cả xã hội luôn là một rừng hoa đẹp về người tốt, việc tốt kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật của Người.

Việc tổ chức triển lãm ngay tại Khu Di tích Kim Liên – nơi có rất đông du khách về dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà mỗi người dân Việt Nam khi đến đây đều như thấy mình trở về với nguồn cội thiêng liêng mà vô cùng gần gũi, giản dị, càng khiến triển lãm thêm phần ý nghĩa.

Ông Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mới nhất

x
Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO