Lan tỏa văn hóa đọc từ những thư viện, tủ sách cộng đồng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Những tủ sách, thư viện của dòng họ, của làng hay của tư nhân dưới đây đều là những điểm sinh hoạt cộng đồng lý thú, bổ ích, góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở địa phương.
Một trong những tủ sách nổi tiếng nhất ở huyện Diễn Châu là Tủ sách nhân dân làng Thanh Luật ở xã Minh Châu, được đặt tại nhà thờ họ Võ Đại Tôn - Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ban đầu là một tủ sách dòng họ, được thành lập vào năm 2010 bởi những người tâm huyết với văn hóa đọc, với công tác khuyến học của dòng họ Võ ở làng Thanh Luật, xã Minh Châu, đến nay, với hơn 4 nghìn đầu sách, tủ sách đã trở thành một điểm sinh hoạt cộng đồng bổ ích của làng Thanh Luật và một số làng lân cận, thu hút đông đảo người dân và các em học sinh đến đọc sách, mượn sách vào dịp cuối tuần. Ảnh: Minh Quân |
Người trông coi tủ sách gần 13 năm qua là ông Võ Xuân Hùng (SN 1950) - một cán bộ quân đội về hưu. Tâm huyết với công tác khuyến học, trăn trở với sự đi xuống của văn hóa đọc trong một bộ phận giới trẻ, ông đã đứng ra kêu gọi những người con xa quê thành đạt của dòng họ ở Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các mạnh thường quân và các tổ chức, cá nhân làm công tác thư viện trong và ngoài tỉnh ủng hộ sách để thành lập tủ sách. Người dân hay các em học sinh đến để đọc sách hay mượn sách đều được ông Hùng giúp đỡ, tư vấn lựa chọn những cuốn sách phù hợp. Ảnh: Minh Quân |
Mỗi lượt người đến đọc sách, mượn sách đều được ông Võ Xuân Hùng ghi chép, theo dõi cẩn thận, kèm theo đó là có khen thưởng đối với những em học sinh có nhiều lượt đọc, lượt mượn sách. Tuy nhiên, kèm theo đó, ông Hùng cũng có một "điều kiện": Với những em học sinh mượn sách thì mỗi lần trả sách đều phải tóm tắt được cơ bản nội dung cuốn sách mình đã mượn. Ảnh: Minh Quân |
Ngoài ra, là một thành viên trong Ban Khuyến học dòng họ Võ Đại Tôn làng Thanh Luật, ông Võ Xuân Hùng còn phối hợp với Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Minh Châu khuyến khích các học sinh đến với tủ sách để đọc sách, mượn sách miễn phí. Các em học sinh chăm đọc sách, dù không đạt danh hiệu học sinh giỏi cuối năm vẫn được Hội Khuyến học khen thưởng ngang với các em học sinh giỏi. Ảnh: Minh Quân |
Ở huyện Hưng Nguyên, Tủ sách Làng Kẻ Sía ở xóm 5, xã Hưng Đạo được xem là mô hình tủ sách làng đầu tiên trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Được thành lập vào năm 2021, đến nay, tủ sách đã có hơn 2.000 đầu sách. Hằng ngày, có từ 15 - 20 em học sinh đến đọc sách và mượn sách. Ảnh: Minh Quân |
Người gây dựng Tủ sách Làng Kẻ Sía là ông Trần Đình Nguyên (SN 1963) – người con của làng, một cán bộ ngành Khoáng sản đã nghỉ hưu. Đam mê đọc sách từ nhỏ, với mong muốn gây dựng, phát triển phong trào đọc sách cho người dân địa phương, ông bàn với Chi ủy, Ban Cán sự, Ban Công tác Mặt trận xóm 5, xã Hưng Đạo thành lập Tủ sách Làng Kẻ Sía. Ảnh: Minh Quân |
Tủ sách được đặt ngay trong nhà riêng của ông Trần Đình Nguyên thay vì Nhà Văn hóa xóm, mà theo ông là để "có thể thuận tiện đón tiếp bạn đọc bất cứ lúc nào". Ảnh: Minh Quân |
Để làm phong phú thêm cho tủ sách, ông Trần Đình Nguyên đã lên Facebook kêu gọi các nhà yêu sách tài trợ, qua đó, vận động được rất nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành như: Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Hà Nội, Hội Đồng hương Hưng Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, chiếm phần lớn trong tủ sách là các ấn phẩm về những danh nhân lịch sử - văn hóa, các loại sách kỹ thuật, các tạp chí văn học địa phương, truyện tranh thiếu nhi và tác phẩm nổi tiếng viết cho tuổi học trò. Phần lớn bạn đọc đến với tủ sách là các em thiếu nhi trên địa bàn xã Hưng Đạo và cả một số xã lân cận. Ảnh: Minh Quân |
Tại xóm 6B, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), gần 20 năm qua, Thư viện miễn phí Thúy Nga cũng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân địa phương. Với hơn 7 nghìn đầu sách, đây là một trong những thư viện tư nhân lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trong số các bạn đọc đến với thư viện, nhiều nhất là học sinh Trường THPT Lê Lợi. Ảnh: Minh Quân |
Chủ thư viện, chị Trần Thúy Nga (SN 1985), là một người phụ nữ khá đặc biệt. Phải chịu cảnh tật nguyền do bệnh viêm đa khớp, nhưng với niềm đam mê đọc sách, chị Thúy Nga dần tích cóp được hàng ngàn đầu sách và đến năm 2004 chị mở thư viện miễn phí phục vụ cộng đồng. Để có kinh phí phát triển thư viện, Thúy Nga mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán nông sản như lạc, đậu, tinh bột nghệ, bột sắn dây… Ảnh: Minh Quân |
Cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, thư viện thường xuyên được bổ sung các đầu sách mới, với đa dạng thể loại từ sách văn học, sách kỹ năng sống và phát triển bản thân, sách khoa học, lịch sử, sách sức khỏe, sách thiếu nhi, sách về nhân sinh cuộc sống... Ảnh: Minh Quân |
Mỗi lần nhận sách mới, chị Thúy Nga đều tự tay khâu gáy sách, bọc bìa ni lông để có thể bảo quản sách tốt hơn. Ngoài ra, trước đây khi thư viện chưa có con dấu, dù các ngón tay bị tật nhưng chị thường tỉ mẩn viết thông tin thư viện, ngày nhận sách lên bìa trong của sách. Gần đây, khi thư viện đã có con dấu, theo yêu cầu của nhiều bạn đọc trẻ, chị vẫn viết tên mình bên cạnh con dấu và đó cũng là niềm vui của chị mỗi khi nhận sách mới. Ảnh: Minh Quân |