Làng đào vào Xuân

(Baonghean) - Trên những con đường đất đỏ quanh co, ghập ghềnh, chúng tôi tìm về những vùng đất với giống đào phai quý phái. Đông đảo khách hàng đến tận vườn đào để thưởng ngoạn, mong tìm được cành đẹp nhất chơi Xuân. Những vườn đào khoe sắc không chỉ làm đẹp làng, đẹp xóm mỗi độ Tết đến, Xuân về mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp người trồng đào đón Tết đầm ấm, đủ đầy hơn. Tuy nhiên, năm nay hoa nở sớm nên người trồng đào thất thu phần nào …

Vườn đào nhà ông Phạm Tất Thành ở xóm Đồng Bản, xã Kim Thành (Yên Thành).
Vườn đào nhà ông Phạm Tất Thành ở xóm Đồng Bản, xã Kim Thành (Yên Thành).
Từ thú chơi tao nhã đến cây trồng hàng hóa
Xóm Đồng Bản - xã Kim Thành (Yên Thành) có truyền thống trồng đào từ lâu đời. Theo những cụ cao niên ở đây thì khi lớn lên họ đã thấy trước vườn nhà các cây đào hé nụ khoe sắc, ngày Xuân hoa thắm, lộc biếc xanh, ra Giêng trẻ con háo hức được ăn quả. Cây đào đã trở thành hình ảnh thân quen của vùng quê trung du. Thế rồi có nhiều người đến Đồng Bản, thấy đẹp đã xin cắt một cành về thưởng ngoạn vẻ kiêu sa của sắc đỏ phai của đào. Dần dà nhiều nhà đã biết cắt những cành đào ra phiên chợ cuối năm bán. Khi trở thành hàng hóa, người dân bắt đầu trồng thành vườn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm cho cây tốt, hoặc hãm cây đào lớn vừa phải và cho trổ hoa đúng vào dịp Tết cổ truyền để bán cho khách hàng. 
Vào dịp Tết, cây đào Đồng Bản đem lại khoản thu nhập không nhỏ cho người dân. Hiện Đồng Bản có 163 hộ, hầu như gia đình nào cũng trồng đào hàng hóa, hộ nhiều nhất có tới 5.000 -6.000 gốc, hộ vừa cũng có tới 400 - 500 gốc, gia đình nào ít cũng có vài chục gốc. Hàng năm, độ trung tuần tháng 10 âm lịch, lái buôn đã về ngắm vườn để đặt mua sỉ, có người đặt cả trăm gốc. Là hộ trồng đào có tiếng từ nhiều năm nay, ông Phạm Tất Thành cho biết: “Trung bình mỗi năm, chúng tôi cũng thu được 70 - 80 triệu đồng từ cây đào, trừ khi thương lái mua cả vườn còn lại chúng tôi bán lẻ cho du khách thập phương, đến khoảng 25 - 26 Tết, chúng tôi cắt đưa đi Vinh bán”.
Cụ Đặng Hữu Đảm năm nay đã 80 tuổi, người trồng đào có thâm niên tại làng cho biết: “Để có được vườn đào hơn 4.000 gốc này là cả một quá trình. Ban đầu cũng chỉ là thú vui, sau nữa là muốn nhiều người cùng được thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa thanh nhã của cành đào phai trong dịp Tết đến, Xuân về, vừa để tăng thu nhập…”. Cụ Đảm vui mừng khi thông báo rằng thương hiệu đào phai Kim Thành đã được khắp vùng biết đến. Đào Kim Thành dáng thế không tỉa tót cầu kỳ, bản thân dáng đào tự nhiên rất đẹp và chỉ cần cắt cành cắm vào bình thì du khách đã có thể thưởng ngoạn cả tháng trời. Không chỉ riêng xã Kim Thành mà các xã miền núi như Quang Thành, Minh Thành, Xuân Thành của huyện Yên Thành cũng có những làng đào hàng ngàn gốc, được người dân nơi đây trồng theo hướng hàng hóa, trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Còn ở xã Nam Anh (Nam Đàn) là xã trồng màu nhưng với lợi thế vùng đất đồi bán sơn địa, 2 xóm 8, 9 nằm sát dưới chân núi Đại Tuệ cũng có truyền thống trồng đào. Khoảng 10 năm nay, đào bắt đầu có giá nên người dân các xóm tích cực nhân giống trồng để kinh doanh. Rất nhiều gia đình khá giả lên từ nghề này. Hiện nay, hầu như nhà nào ở 2 xóm nêu trên cũng trồng đào, cây nhỏ thì có thể bán được 500.000 đồng, cây to đẹp có giá lên tới 1,5 - 3 triệu đồng, cũng có những cây lên tới 6 - 7 triệu đồng.
Gia đình ông Phan Tất Dương, xóm 9 là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây đào trở thành sản phẩm thương mại và là hộ có số lượng gốc đào lớn nhất với cả trăm gốc. Năm ngoái lợi nhuận thu từ đào bán trong dịp Tết Nguyên đán được hơn 50 triệu đồng, bên cạnh đó các gia đình như ông Phan Huy Minh, Phan Tư Toản, Hồ Viết Toàn … cũng là những gia đình có doanh thu hàng chục triệu đồng từ trồng đào. Theo ông Trần Văn Nam - Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Anh, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng đào. Chất đất nơi đây rất thích hợp với cây đào. Mấy năm gần đây, huyện Nam Đàn có thêm nhiều xã phát triển nghề trồng đào như: Nam Thái, Khánh Sơn, Nam Hưng…. Cây đào nơi đây đã trở thành cây hàng hóa, giúp người dân có cuộc sống ấm no, đón Tết đủ đầy.
Thất thu do hoa nở sớm
Còn gần 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng tại các làng trồng đào, năm nay hoa đã nở rộ. Sắc xuân tràn về sớm nhưng người dân không thể vui. Vì theo những chủ vườn đào thì năm nay, do năm nhuận và thời tiết thuận lợi nên đào nở sớm, đồng nghĩa với việc giảm giá trị kinh tế từ những cành đào. Chị Thái Thị Hoa, xóm Trại Mắt - Kim Thành (Yên Thành) cho biết: “Vườn nhà tôi được lái buôn đặt mua 40 triệu đồng 100 gốc từ tháng 10 nhưng khi quay lại thấy đào nở sớm họ đã trừ đi 10 triệu đồng nay chỉ còn 30 triệu đồng nữa”. Cùng tâm trạng đó, ông Phạm Tất Thành xóm Đồng Bản chia sẻ: “Mọi năm cứ đến khoảng 15 tháng chạp là đào mới rụng lá, rồi ra nụ và nở hoa, bà con chúng tôi có thể chặt bán vào dịp Tết. Năm nay, nhuận 2 tháng 9 nên đầu tháng Chạp, đào đã rụng lá, ra nụ, nở hoa. Nhiều hộ cũng đã dùng mọi biện pháp nhưng cũng không thể hạn chế được hoa nở rộ, ai cũng buồn lắm mà biết làm sao được”. 
 Không có quy mô vườn đào hàng nghìn gốc như ở Đồng Bản - Kim Thành, nhưng người dân Nam Anh (Nam Đàn) cũng đứng ngồi không yên vì đào nở sớm. Vào vườn của bất kỳ hộ dân nào cũng thấy bạt ngàn hoa rực rỡ, nhiều người dân tưởng chúng tôi là dân buôn vào chặt đào đã ra tận ngõ mời chào. Chị Nguyễn Thị Hiền - một người trồng đào ở xóm 9, xã Nam Anh thở dài: “Năm nay không mưa lụt tưởng có cái Tết to, vì được đào, thế mà giờ đã nở thế này thì chẳng ăn thua nữa. Vẫn biết năm nhuần thì hoa đào nở sớm nhưng không tìm ra cách hãm cho hoa nở đúng vụ. Đối với những người nông dân quanh năm bám ruộng đồng như chúng tôi, vài triệu bạc để sắm Tết quý lắm đó các cô..". 
Hơn 90% diện tích đào, hoa nở sớm khiến nhiều người dân giảm nguồn thu đáng kể. Vui buồn là thế, nhưng người dân trồng đào bao năm vẫn gắn bó với loại hoa của mùa xuân. Họ vẫn lạc quan “chờ cữ năm sau” và cảm thấy hạnh phúc vì được đem sắc Xuân đến với mọi nhà.
Khánh Ly - Thanh Nga

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.