Làng miến bạc tỷ ở Nam Đàn

07/02/2016 00:12

(Baonghean.vn) - Vốn ngày thường đã rất sôi động, những ngày cận Tết, không khí làm việc của bà con làng nghề Quy Chính, xã Vân Diên (Nam Đàn) lại càng rộn ràng hơn bao giờ hết.

1

Làng Quy Chính làm nghề bún bánh từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2006. Cả làng có gần 240 hộ tham gia sản xuất bún bánh, phân bố đều ở 2 xóm Quy Chính 1 và Quy Chính 2.

2
Miến ở đây được làm từ gạo Khang Dân với nhiều công đoạn như ngâm, xay, ép, đùn… Gạo sau khi xay thành hỗn hợp bột loãng sẽ được cho vào bao vải để ép khô bằng những dàn đá nặng hoặc bàn ép quay tay. Trong ảnh: bà Phan Thị Chín (xóm Quy Chính 2) đang ép bột.
3
Ngày trước, làm miến thủ công phải qua khâu bánh tráng, rồi dùng dao để cắt, sau này mới có máy cán và bây giờ là máy đùn, cả làng hiện có khoảng 15 máy làm miến. Bột gạo sau khi ép hết nước được bỏ vào máy, làm miến bằng máy, tốn ít nhân công, năng suất cao. Trong ảnh: Hộ ông Đinh Văn Mười (xóm Quy Chính 1) đang làm miến.
4
Người làm miến chỉ việc chờ cho miến chảy ra, cắt theo kích cỡ mong muốn và xếp ngay ngắn vào bọc ni lông để ủ.
5
Khi miến đã se (ủ hơn 5 tiếng đồng hồ) sẽ được nhúng qua nước, vò tách sợi và đưa lên phơi trên những phên nứa. Người phơi miến thỉnh thoảng phải lật, trở cho miến nhanh khô.
6

Vào làng Quy Chính, đi đâu cũng thấy miến, miến được phơi trên khắp các đường làng, tường bao, vườn nhà. Ông Đinh Văn Đoài (xóm Quy Chính 2) cho biết: Gia đình ông làm miến đã hơn 40 năm. Mỗi ngày nhà ông sử dụng khoảng 1,5 tạ gạo, lúc cao điểm thì 2 tạ, để làm miến cho mình và hơn 3 tạ làm cho khách, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập khoảng 9 – 10 triệu đồng. Trong ảnh: Dịp cận tết, miến nhà ông Đoài được phơi khắp cả vườn đào.

7
Ngày không có nắng, miến được phơi trong các sân nhà. Mỗi giàn phơi thường phải làm nhiều tầng để tiết kiệm diện tích. Việc làm khô miến ở đây chủ yếu dựa vào tự nhiên.
8
Để làm được miến ngon, ngoài chọn gạo chuẩn, ngâm, ép, ủ đúng kỷ thuật, thì phải phơi được nắng. Trong ảnh: Chị Đinh Thị Linh và bà Đậu Thị Thiện (xóm Quy Chính 1) đang tranh thủ nắng trưa, trở miến cho kịp khô trong ngày.
9
Sau mỗi buổi chiều, khi miến đã khô, các mẹ, các chị sẽ sắp xếp, cân đong và đóng gói vào các túi nilon để bảo quản. 1 tạ gạo thường làm được khoảng 95 kg miến khô, giá miến hiện thời là 16 000 đồng/kg. Trong ảnh: hộ anh Đinh Văn Mậu (xóm Quy Chính 2) đang thu cất miến khô.
10
Ngoài làm miến, người dân Quy Chính còn sản xuất bánh tráng cu đơ, bún, bánh mướt. Hộ anh Đinh Văn Thạnh (xóm Quy Chính 2), mỗi đêm làm khoảng 3 tạ gạo bánh mướt, 3 - 4 tạ gạo bún và phải thuê 6 - 7 nhân công làm việc.
11

Sản phẩm miến của làng được tiêu thụ ở nhiều nơi như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Vinh, Hà Tĩnh…. Các hộ dân có thể trực tiếp đưa miến đi nhập, hoặc thương lái sẽ đến lấy tận nhà. Trừ chi phí, mỗi năm làng nghề cũng thu về từ 12 – 15 tỷ đồng, góp phần đem lại cuộc sống no ấm, khá giả và diện mạo nông thôn mới khang trang cho làng Quy Chính. Trong ảnh: vợ chồng ông Đinh Văn Đoài (xóm Quy Chính 2) chuẩn bị hành trình nhập miến ở Hà Tĩnh.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Làng miến bạc tỷ ở Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO