Làng nghề cần thương hiệu
(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển làng nghề với nhiều "thương hiệu" một thời, như: nghề làm trống ở Diễn Châu, nghề làm nồi đất, ươm tơ dệt lụa ở Đô Lương, nghề rèn ở Thanh Lương (Thanh Chương), nghề đóng thuyền mộc ở Trung Kiên (Nghi Thiết - Nghi Lộc)... Từ Nghị quyết 06/NQ - TU về phát triển CN, TTCN và xây dựng làng nghề, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển những ngành nghề trực tiếp tác động đến nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nhiều lao động. Thế nhưng, số làng nghề đã xây dựng và đăng ký thương hiệu mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và có một số làng nghề, dù sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ song chưa phát huy được lợi thế, điển hình như nước mắm Phú Lợi (Quỳnh Dị - Quỳnh Lưu).
Ông Hoàng Đức Cương - chủ cơ sở nước mắm Cương Ngần, người rất quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác cho sản phẩm của mình, cho biết: Một số người sản xuất, thậm chí cả chính quyền địa phương vẫn chưa coi trọng việc xây dựng thương hiệu mà chỉ chăm chăm dựa vào yếu tố truyền thống sẵn có. Trong khi đó, sản phẩm trên thị trường cạnh tranh khốc liệt, nước mắm công nghệ với nhiều ưu thế về vốn, quảng cáo rầm rộ lấn lướt sản phẩm truyền thống, dù sản phẩm truyền thống có chất lượng tốt. Sản xuất kinh doanh khó khăn, đã có nhiều trường hợp “mượn” uy tín thương hiệu của làng nghề để làm ăn chụp giật. Kết quả là thương hiệu dù đã được đăng ký xây dựng, chất lượng dù đã được khẳng định nhưng ngày một phai nhạt trong người tiêu dùng.
Các làng nghề còn lúng túng trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm
của mình.
Hầu hết sản phẩm làng nghề vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, theo đánh giá, chất lượng của sản phẩm làng nghề còn chưa đồng đều, kiểu dáng mẫu mã lại đơn điệu, chưa theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Các làng nghề còn lúng túng trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình, thậm chí không có nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đó cũng là một điểm yếu trong xây dựng, phát triển thương hiệu cho làng nghề. Do vậy, người sản xuất, chính quyền các cấp cũng cần hỗ trợ làng nghề trong công tác xúc tiến thương mại, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để thương hiệu làng nghề được nhiều người biết đến.
Đại diện Sở KH&CN cho rằng: Thương hiệu của một làng nghề bao gồm các yếu tố: Sản phẩm, chất lượng, lịch sử, yếu tố văn hóa, giá cả…, trong đó, yếu tố chất lượng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều sản phẩm làng nghề của chúng ta đảm bảo các yếu tố lịch sử, văn hoá,… nhưng riêng về chất lượng lại đang có vấn đề. Xây dựng thương hiệu cho sản phầm làng nghề là câu chuyện dài hơi và khó khăn, do vậy, mỗi địa phương, làng nghề cần có cái nhìn toàn diện và quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Để làm được điều này, trước mắt cần tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đòn bẩy cho công tác xúc tiến thương mại. Chính đây là những yếu tố giúp sản phẩm làng nghề khẳng định được chất lượng sản phẩm, đưa hàng Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.
Thu Huyền