Làng nghề mật mía Nghệ An nhộn nhịp vào vụ Tết
(Baonghean.vn) - Người dân làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) thời điểm này chạy đua với thời gian để ép mía nấu mật bán phục vụ thị trường Tết.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tại làng Găng, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) nghề nấu mật mía vẫn được duy trì như những năm trước. Thời điểm này, đã vào vụ sản xuất được gần 1 tháng, bà con làng nghề rất phấn khởi, bởi năm nay giá mật tăng từ 3 triệu đồng lên 3,8 triệu đồng/thùng phi. Đây cũng là thời điểm nhu cầu mật mía phục vụ của thị trường tăng cao nên nhiều hộ đã phải thuê thêm lao động, làm liên tục trong tuần.
Thay vì phải dùng trâu bò để ép mía như ngày xưa, hiện tại người dân đã sử dụng máy móc để ép mía. Ảnh: Minh Thái |
Gia đình ông Trần Văn Hùng là hộ sản xuất mật nhiều nhất của làng Găng, trung bình mỗi ngày gia đình ép 8 tấn mía, nấu được 4 thùng phi mật, sau khi trừ chi phí, mỗi thùng gia đình thu lãi 1 triệu đồng.
Ông Hùng cho biết, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon. Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Sau khi nấu xong, người dân tiếp tục lọc mật qua lớp vải màn để sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường nổi lên thì hoàn thành.
Ông Hùng cho biết, muốn mật ngon thì phải đứng canh các chảo mật lớn trong nhiều giờ và phải liên tục đảo đều tay. Ảnh: Minh Thái |
Hiện tại, toàn làng Găng có khoảng 200 hộ dân làm nghề nấu mật mía, trung bình mỗi gia đình có từ 15 - 20 thùng phi mật, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian nấu mật và bán mật duy trì từ tháng 11 đến tháng 1, có những gia đình mua được mía muộn thì có thể sản xuất đến tháng 2, hoặc tháng 3. So với làm các cây trồng khác thì giá trị kinh tế nấu mật mía cao hơn nhiều.
Sau khi nấu xong, người dân sẽ lọc mật qua lớp vải màn để cho sạch cặn. Ảnh: Minh Thái |
Không chỉ ở làng Găng, mà ở nhiều xóm khác, nghề nấu mật mía cũng đã bắt đầu phát triền rất mạnh. Cách làng Găng không xa, Nghĩa Nhân cũng là một xóm phát triển nghề nấu mật mía khá nhanh.
Chị Lê Thị Hằng, xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng chia sẻ: “Gia đình tôi làm mật đã gần 15 năm rồi, tính ra làm nghề kéo mật không vất vả như ngày xưa, mà thu nhập cao hơn nhiều so với làm các nghề khác. Bình quân mỗi ngày gia đình làm 7 tấn mía, vào dịp Tết thì tăng lên 8 - 9 tấn để phục vụ người dân dùng Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi, được địa phương quan tâm cấp giấy chứng nhận, tem làng nghề nên sản phẩm mật mía làng nghề được đưa đi khắp cả nước”.
Rót mật vào can nhựa để chuyển đi cho khách hàng. Ảnh: Minh Thái |
Ở Nghĩa Hưng hiện nay có khoảng 500 hộ dân làm nghề mật mía, ngoài việc đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi hộ làm nghề còn tạo việc làm cho 5 - 7 lao động dôi dư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, ngoài các mối hàng đã có từ trước, người dân làng nghề còn bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo và hàng được chuyển qua các dịch vụ vận tải hàng hóa.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, thời gian qua, chính quyền địa phương và HTX làng nghề đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân làng nghề tăng thêm thu nhập.
Bã mía sau khi ép lấy mật còn được người dân phơi khô để làm củi nấu mật. Ảnh: Minh Thái |
Ông Trần Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: “Ngoài công tác chống dịch, thời điểm này chúng tôi tập trung chỉ đạo bà con chuẩn bị sản xuất vụ Xuân. Với làng nghề mật mía chúng tôi tập trung chỉ đạo bà con thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Năm nay bà con phấn khởi mía được thành, giá mật cao...”.
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu thị trường trở nên trầm lắng hơn mọi năm. Tuy nhiên, với năng suất và chất lượng mật cao hơn, người dân làng nghề làm mật mía ở Nghĩa Đàn hy vọng sẽ có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình một cái tết no ấm./.