Lắng nghe nguyện vọng của người dân

Thanh Quỳnh 24/05/2022 07:00

(Baonghean.vn) - Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân là một nội dung quan trọng trong đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - nơi bà con còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì việc gần dân, hiểu dân là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều việt làm thiết thực vì lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Cán bộ xã gặt lúa giúp dân

Khi những cánh đồng lúa chín trải dài trên bản Xốp Kho, xã Nga My (Tương Dương) cũng là lúc vợ chồng ông Lương Xuân Bỉnh (sinh năm 1946) vui mừng đón nhận sự hỗ trợ của các cán bộ địa phương trong quá trình thu hoạch vụ mùa. Ông Bỉnh cho biết, con trai duy nhất của ông mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, để lại vợ chồng già nương tựa vào nhau. Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng nhưng vì sức khỏe giảm sút nên ông bà gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình canh tác.

Thấu hiểu điều đó, nhiều năm qua, cán bộ bản Xốp Kho và xã Nga My luôn kịp thời hỗ trợ ông bà những công đoạn cần huy động sức người như cấy, gặt, tuốt lúa. Nhờ vậy mà ông bà bớt đi sự vất vả, khó khăn mỗi khi vụ mùa về. Cùng chung niềm vui với ông Bỉnh, gia đình bà Lô Thị Gương và Quang Thị Sâm ở bản Bay từ nhiều năm qua cũng được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ địa phương. Các bà đều là những người đã bước qua tuổi 70, sức khỏe suy giảm nhưng lại không có lao động chính trong nhà để nương tựa, vì vậy, sự giúp đỡ của các đảng viên và cán bộ địa phương như là một điểm tựa giúp họ ổn định cuộc sống.

Ảnh: Thanh Quỳnh

3 cán bộ xã Nga My gặt và tuốt lúa cho ông Lương Xuân Bỉnh (bản Xốp Kho) khi ông bị bệnh kinh niên nhưng gia đình thiếu lao động. Ảnh: CTV

Là nhân tố then chốt trong phong trào giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, ông Ngân Văn Tứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, người dân xã Nga My chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gồm dân tộc Thái và dân tộc Khơ mú. Nét văn hóa của bà con luôn tôn trọng sự chân thành, gần gũi trong quan hệ cộng đồng. Vì vậy, cán bộ địa phương muốn được dân tin, dân yêu thì trước hết phải chân thành với bà con. Sự chân thành đó được thể hiện qua sự quan tâm, gần gũi và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng nảy sinh từ cuộc sống của bà con.

Nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã Nga My luôn đứng ra giúp đỡ người dân trong khả năng của mình, việc này dường như đã trở thành một truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất Nga My. Vào mỗi vụ cấy, vụ gặt thì mọi người đều lập danh sách những hộ gia đình thiếu lao động, cần sự giúp đỡ để cán bộ địa phương trực tiếp huy động nhân lực đến trợ giúp. Điều đó đã thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa bà con dân bản đối với các cán bộ, đảng viên nơi địa bàn mình sinh sống. Các nghị quyết, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội nhờ vậy cũng được người dân đồng lòng ủng hộ và triển khai một cách hiệu quả.

Ảnh: Thanh Quỳnh

Đồng lòng thực hiện Nghị quyết khai hoang, cải tạo đất sản xuất, Nga My đã có diện tích ruộng được bà con khai hoang lớn nhất huyện Tương Dương. Ảnh: Thanh Quỳnh

Điển hình trong đó là quá trình thực hiện chủ trương vận động bà con tăng cường khai hoang, cải tạo diện tích đất sản xuất. Nhờ vậy, Nga My đã trở thành xã có diện tích ruộng khai hoang lớn nhất huyện Tương Dương. Cụ thể, trong tổng số 170,4ha đất sản xuất của toàn xã thì có tới 103ha là diện tích đất do bà con khai hoang. Nổi bật như bà con bản Canh khai hoang hơn 21ha, bản Xốp Kho là 15,6ha, bản Na Kho là 20,4ha và bản Na Ngân là 38,4 ha. Dưới sự hướng dẫn về khoa học của cán bộ địa phương, bà con đã mạnh dạn canh tác các giống lúa chất lượng cao như Sông Lam 9, nếp 97, NA2, NA6 với năng suất đạt tới 66 tạ mỗi ha. Các phụ phẩm nông nghiệp là tạo điều kiện để phát triển đàn chăn nuôi hơn 3.000 con trâu bò, hàng ngàn con gia cầm, đưa thu nhập đầu người tăng từng năm. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng đi vào ổn định. Ngoài ra, bà con đã mạnh dạn tiếp cận với những mô hình kinh tế mới như: trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả, nuôi bò vỗ béo… để từng bước hoàn thành các nghị quyết kinh tế mà địa phương đã đề ra.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Bà con xã Nga My vui mừng khi năng suất lúa ngày càng tăng cao, năm 2021 bình quân mỗi ha cho thu về trên 66 tạ lúa tươi. Ảnh: Ngân Văn Tứ

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nga My - Lương Thị Lạng cho biết: Địa phương luôn lấy lợi ích và nguyện vọng của người dân là yếu tố then chốt trong việc xây dựng và triển khai các nghị quyết, đặc biệt là các nghị quyết về phát triển kinh tế. Nhờ vậy, thời gian qua đời sống mọi mặt của xã đã từng bước đổi thay theo chiều hướng tích cực. Nếu như mức thu nhập của người dân cách đây 5 năm chỉ đạt từ 14 triệu/người/năm thì nay đã đạt 24 triệu đồng/người/năm, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng ngày một nâng cao, đưa sắc diện Nga My ngày một phát triển.

Quyết làm đường khi dân kỳ vọng

Thời gian này lên Anh Sơn, đi dọc bờ sông Lam đoạn qua xã Thạch Sơn đều thấy bạt ngàn một màu xanh mướt của ngô. Bãi bồi rộng gần 110ha ấy đã gắn bó với hơn 500 hộ trồng ngô của xã Thạch Sơn qua rất nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hành trình đưa cây ngô tìm kiếm chỗ đứng trên vùng đất này chưa bao giờ đơn giản. Trước đây, hệ thống giao thông nội đồng của vùng bãi xã Thạch Sơn quá yếu kém nên không thể khai phá tiềm năng. Các tuyến đường quá nhỏ hẹp, sụt lún nên người dân gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch. Tư thương cũng vì vậy mà ép giá, đòi thêm tiền vận chuyển nên người dân chẳng lời lãi là bao.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Sau khi lắng nghe nguyện vọng của người dân, Cấp ủy, chính quyền xã Thạch Sơn đã huy động các nguồn lực để xây dựng tuyến đường cấp phối dẫn về vùng trồng tập trung của bà con. Ảnh: Thanh Quỳnh

Từ yêu cầu cấp thiếp của việc nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, bà con Thạch Sơn đã đề đạt nguyện vọng về việc hình thành các tuyến đường cấp phối dẫn ra vùng bãi tại các cuộc đối thoại với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhận thấy đây là nguyện vọng chính đáng của người dân để phát triển kinh tế, địa phương đã quyết tâm vận dụng ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa để làm 3 tuyến đường chính có tổng chiều dài gần 1,6km tại khu vực vùng bãi.

Từ ngày có đường, việc canh tác, chăm sóc cây trồng vùng bãi bồi của bà con diễn ra thuận lợi. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, các loại xe trọng tải lớn từ 35 đến 40 tấn có thể vào tận chân ruộng vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Niềm vui nhân đôi khi diện tích ngô của người dân được bán sinh khối. Nhờ vậy, giá trị kinh tế mang lại mỗi sào ngô đã chạm ngưỡng 1,4 triệu đồng. Điều này giúp người dân có thêm nguồn thu nhập quay vòng sản xuất.

Qua việc lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của dân, thời gian qua xã Thạch Sơn cũng đã giải quyết được nhiều nguyện vọng chính đáng của người bà con liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như: lấn chiếm hành lang giao thông, ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chăn nuôi...

Ảnh: Thanh Quỳnh
Diện tích trồng ngô phát triển ổn định với sự liên kết bao tiêu sản phẩm của các nhà máy lớn đã mang lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhìn ra toàn tỉnh, việc nắm bắt nguyện vọng, tư tưởng của người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp quan tâm thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt việc chủ trì, phối hợp tổ chức 96 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với người dân, 236 cuộc đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với dân và hàng nghìn cuộc giữa đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã với cử tri. Thông qua các hội nghị tiếp xúc đã tạo diễn đàn để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mình để kịp thời xem xét, tháo gỡ các vướng mắc mà nhân dân kiến nghị.

Lắng nghe nguyện vọng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO