Làng nghề vào Xuân
(Baonghean) - Về thăm các làng nghề sản xuất mộc của xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) vào một ngày cuối năm, chứng kiến không khí làm việc thật sôi động. Cả làng nghề đang hối hả sản xuất không kể ngày đêm để kịp tiến độ giao hàng cho khách trước lúc Xuân sang.
Đã giữa tháng Chạp mà cơ sở sản xuất đồ mộc của ông Trần Ngọc Thanh, xóm 4, Quỳnh Hưng vẫn không ngớt khách đến đặt hàng, song ông Thanh không nhận nữa vì lo không thể hoàn thành trước Tết. Cơ sở của gia đình ông Thanh chuyên sản xuất hàng mộc cao cấp, đồ thờ cúng như cuốn thư, cửa vọng, câu đối, đại tự... nên nhu cầu của khách vào dịp Tết rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu phục dựng, tu bổ các di tích cần nhiều đồ tế khí bằng gỗ cũng ngày một tăng nên các cơ sở sản xuất đồ thờ ở Quỳnh Hưng luôn trong tình trạng sản xuất không kịp hàng cho khách.
Ông Thanh năm nay ngoài 60 tuổi, là một trong những thợ cả của Làng nghề mộc Nam Thắng, xã Quỳnh Hưng. Hơn 30 năm làm nghề, ông Thanh đã truyền nghề cho nhiều thế hệ con cháu trong làng. Ông bắt đầu làm nghề từ năm 1983, ngày đó chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng như tủ, giường… Những năm làm hàng mộc dân dụng, xưởng mộc của ông Thanh luôn có 20 thợ. Nay chuyển sang sản xuất hàng mộc cao cấp, đồ thờ cúng nên rất kén thợ bởi đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao và kiên nhẫn trong công việc.
Anh Trần Huy Thông, xóm 2, cũng là một người thợ học nghề ở xưởng ông Trần Ngọc Thanh, nay đã trở thành ông chủ trẻ nổi tiếng ở làng nghề. Sinh năm 1981, lên 15 tuổi Thông đã làm ra sản phẩm đẹp hơn người, đôi tay tài hoa và trí sáng tạo phong phú đã giúp anh chế tác ra nhiều mẫu mã đẹp, hấp dẫn thị hiếu tiêu dùng. Chính vì thế xưởng của Trần Thông quanh năm hút khách đến đặt hàng, Cứ mỗi dịp cuối năm, 15 lao động trong xưởng phải tích cực làm cả ngày lẫn đêm. Bình quân mỗi năm xưởng Trần Thông sản xuất hàng ngàn sản phẩm giường, tủ, bàn ghế… tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
Theo Trần Huy Thông thì “nghề chạm khắc gỗ này tính nghệ thuật cao, trong xưởng của tôi toàn lao động trẻ, em ít tuổi nhất là 15, lớn tuổi nhất 27. Nhưng nhìn sản phẩm ít ai nghĩ rằng đó là tác phẩm do chính những đôi tay của những người trẻ tuổi làm ra. Đường nét tinh tế, hoa văn sắc sảo, độc đáo được chế tác bằng sự đam mê và bằng chính sự khát khao được thể hiện tay nghề của họ”. Mặc dù năm nay kinh tế khó khăn nhưng hàng mộc nội địa ở Quỳnh Hưng vẫn tiêu thụ tốt, khách đến đặt hàng ngày càng đông.
3 tháng cuối năm, không riêng gì xưởng của anh Thông mà tất cả các cơ sở khác trong làng nghề mộc Nam Thắng đều phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp giao hàng cho khách trước Tết. Tất cả những người thợ Quỳnh Hưng đều tập trung trí lực cao để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm, đồng thời giữ vững uy tín làng nghề. Mặc dù đã có nhiều máy móc hỗ trợ cho người làm mộc, song yếu tố, khéo léo trong tay nghề của người thợ vẫn đóng vai trò quyết định. Để có một sản phẩm mộc chất lượng tốt, đòi hỏi các công đoạn từ lựa chọn gỗ đến chế tác, hoàn thiện đều phải công phu, tỉ mỉ. Đặc biệt là những loại gỗ tốt, có hoa văn tự nhiên nằm trong từng thớ gỗ, được khách hàng rất ưa chuộng như lát, đinh hương… Chính vì vậy, các làng nghề sản xuất mộc ở Quỳnh Hưng ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách hàng và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Những người thợ trẻ lành nghề ở làng mộc Nam Thắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bình Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: Năm 2012, mặc dù trong điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, tốc độ phát triển chung của toàn xã vẫn tăng 15,5%, riêng nghề mộc tăng 17-18%. Dự kiến năm 2013 và những năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng của nghề mộc địa phương còn cao hơn nữa. Phát triển nghề mộc tại Quỳnh Hưng gắn với đào tạo nghề, nên tốc độ nhân rộng khá nhanh, các cháu học sinh từ cấp 2 trở lên một buổi đi học, một buổi đi làm mộc cũng có thu nhập 50.000 đồng/buổi. Trước đây, nhiều thanh niên trong làng lớn lên cũng thích đi tìm việc ở các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng rốt cuộc cũng quay về xã nhà làm mộc, gây dựng sự nghiệp.
Xã Quỳnh Hưng có 2 làng nghề mộc được UBND tỉnh công nhận gồm Làng nghề mộc Nam Thắng và Làng nghề mộc Thuận Giang. Xã đang làm hồ sơ tiếp tục đề nghị công nhận làng có nghề mộc Tân Xuân. Làng mộc Nam Thắng có khoảng 70 hộ dân làm nghề và làng mộc Thuận Giang gần 50 hộ. Cả 2 làng nghề này giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương. Thợ mộc có thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, thợ có tay nghề thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thanh niên trong xã lớn lên giờ chỉ thích làm nghề mộc ngay tại xã nhà, rất ít người đi xuất khẩu lao động hay tìm kiếm việc làm ở nơi khác.
Quỳnh Lan