Lặng thầm sau những chiến công

21/12/2012 18:52

(Baonghean) Ở Thành phố Vinh có một người lính từng tham gia trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”. Ông là Trung tá Nguyễn Quang Tư, sỹ quan kỹ thuật, Trung đoàn tên lửa 257 Anh hùng - Đơn vị đã bắn rơi 28 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ (17 máy bay F các loại và 11 máy bay B52) trong trận chiến 12 ngày đêm lịch sử đó. Qua chuyện kể và một số tư liệu của ông Tư, tôi biết thêm đằng sau những chiến công hiển hách của bộ đội tên lửa có đóng góp lớn lao nhưng lặng thầm của những người lính kỹ thuật…

rong căn nhà nhỏ số 37, đường Hồng Sơn, phường Cửa Nam, ông Nguyễn Quang Tư nhớ lại những ngày đầu trở thành người lính tên lửa và tham gia cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.



Ông Nguyễn Quang Tự

Là học viên khóa 1, Học viện Kỹ thuật quân sự chuyên ngành đào tạo kỹ sư đài điều khiển tên lửa phòng không (từ tháng 7/1966 đến tháng 1/1972), sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Quang Tư được biên chế về Trung đoàn 257 thuộc Sư đoàn Phòng không 361 bảo vệ Hà Nội với nhiệm vụ trợ lý xe thu phát. Xe của ông Tư có nhiệm vụ thu phát tín hiệu, phát hiện mục tiêu và phát lệnh lên để tên lửa thu được trả lời đang nằm ở đâu phát lệnh điều khiển quả đạn tiến đến mục tiêu. Đến khi quả đạn tên lửa tiếp cận mục tiêu là phát nổ, tiêu diệt được mục tiêu.

Năm 1972, Đế quốc Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội. Anh kỹ sư trẻ Nguyễn Quang Tư cùng với các đồng đội trong Ban kỹ thuật của Trung đoàn 257 đã được trực tiếp tham gia chiến đấu. Sự khốc liệt của trận chiến thể hiện rõ trong đêm đầu tiên, máy bay Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô, 85 khu vực dân cư đã bị trúng bom làm chết 300 người. Những ngày sau, các khu vực bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Gia Lâm, Văn Điển, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì, xã Nhân Chính, nhà máy Cao su Sao Vàng, khu phố Khâm Thiên, Hai Bà Trưng... và gần như tất cả các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội đều bị bom Mỹ tàn phá nặng nề. Thời điểm đó, việc bảo vệ bầu trời Hà Nội là nhiệm vụ của Sư đoàn Phòng không 361. Ban Kỹ thuật của ông Tư có nhiệm vụ phải đảm bảo khí tài luôn luôn tốt để bộ phận trực tiếp chiến đấu bắn hạ máy bay Mỹ. Trong 12 ngày đêm, những người lính trong Ban Kỹ thuật thường xuyên trực chiến với tinh thần cao nhất, khẩn trương nhất. Đêm Hà Nội những ngày cuối năm 1972 đầy khói lửa của bom đạn, ông Tư cùng đồng đội thường xuyên di chuyển hết đơn vị này đến đơn vị khác, đơn vị nào có khí tài hỏng hóc là người lính kỹ thuật lập tức có mặt kịp thời để sửa chữa.

Ông Tư đưa cho tôi xem cuốn “Những kỷ niệm của người thợ tên lửa” - là hồi ức của những người lính Ban Kỹ thuật Trung đoàn 257. Sự khốc liệt của cuộc chiến và những nguy hiểm gian truân của những đồng đội của ông Tư được khắc họa lại rất rõ. Đặc biệt là ký ức về Trung tá Phạm Đình Hạnh – nguyên Chủ nhiệm Ban Kỹ thuật Trung đoàn 257, các đồng chí Trường Sơn, Bùi Trương Dương và nhiều đồng đội khác đã bất chấp hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những trận “Điện Biên Phủ trên không” của người lính tên lửa anh hùng.

“Ta thua xa Mỹ về khí tài quân sự, nhưng bộ đội tên lửa đã có sự chuẩn bị rất kỹ để sẵn sàng đối chọi với máy bay Mỹ, đặc biệt là đối với máy bay B52” - ông Nguyễn Quang Tư nghiêm trang kể: Thời điểm đó, Sư đoàn Phòng không 361 chỉ có một loại tên lửa SAM-2, nếu Mỹ không dùng nhiễu thì ta bắn trăm phát trúng cả trăm. Nhưng máy bay Mỹ sử dụng hai loại nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực để làm “mù mắt” tên lửa của ta. Nhiễu tiêu cực là loại nhiễu mà khi bay chúng thả ra những sợi thiếc để khi sóng của mình phát lên gặp kim loại thì lại phản xạ về. Ở loại nhiễu tích cực, hai bên hông máy bay chúng treo nhiều máy phát nhiễu làm cho đài thu phát tín hiệu của mình không bắt được mục tiêu. Khi bị nhiễu, màn hình thành một dải nhiễu màu đen, máy bay Mỹ nằm trong dải nhiễu đó làm mình không xác định rõ mục tiêu. Tuy nhiên, chúng không ngờ rằng bộ đội tên lửa đã nghiên cứu ra cách bắn theo chế độ 3 điểm, bắn căn chính giữa dải nhiễu, trắc thủ lúc ấy không bắn được bằng chế độ tự động mà phải dùng chế độ bằng tay. Đây là một cái giỏi của bộ đội mình… Các cuộc tập huấn, thục luyện sử dụng khí tài đánh máy bay của bộ đội tên lửa được tổ chức thường xuyên. Có thể nói là Quân chủng Phòng không Không quân đã hoàn toàn chủ động từ chiến lược và chiến thuật, đã phổ biến kỹ cho cán bộ, chiến sỹ các phương án đánh B52. Cánh kỹ thuật cũng vậy, ngoài những bài học từ Học viện Kỹ thuật quân sự còn được các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ đã đáp ứng tốt yêu cầu, luôn luôn bảo đảm khí tài tốt để sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ”.



Lực lượng phòng không Hà Nội sẵn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu.

Sau 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Trong đó, Trung đoàn 257 đã bắn rơi bắn rơi 28 chiếc máy bay gồm 17 máy bay F các loại và 11 máy bay B52, đây là một kỳ tích trong một trận chiến lịch sử. Thắng lợi lịch sử của 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đã buộc Đế quốc Mỹ ký Hiệp định Pari năm 1973. Hà Nội không bị “trở lại thời kỳ đồ đá” như tuyên bố của giặc Mỹ mà Thủ đô Hà Nội đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng.


Nhật Lân

Mới nhất
x
Lặng thầm sau những chiến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO