Lãnh đạo EU nhất trí hợp tác ứng phó giá năng lượng tăng cao
(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết, sau 1 ngày dài đàm phán, các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất sẽ hợp tác về vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa tiến tới đồng thuận về việc đặt mức trần giá khí đốt.
Các nhà lãnh đạo của EU vẫn chưa thống nhất về mức trần giá khí đốt. Ảnh: dpa |
Sáng 21/10, Chủ tịch EC Charles Michel thông tin, các nhà lãnh đạo EU “đã thống nhất nghiên cứu các biện pháp” để chống lại tình trạng giá năng lượng gia tăng.
27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đã nhóm họp tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày ở Brussels, Bỉ, nhằm mục tiêu vượt qua những khác biệt, bất đồng giữa các nước để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng của lục địa này.
Hội nghị đã kéo dài tới sáng 21/10 do không thể thu hẹp sự bất đồng, chia rẽ giữa một số quốc gia. Các bên đã không đạt đồng thuận về việc đặt mức trần giá khí đốt.
Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vẫn khẳng định, hội nghị thượng đỉnh đã thiết lập một “lộ trình vững chắc để tiếp tục nghiên cứu về chủ đề giá năng lượng”.
Vẫn không thể xác định trần giá khí đốt
Được biết, ít nhất 15 trong số 27 quốc gia tham dự thượng đỉnh đã thúc đẩy việc định ra một mức giá trần chung đối với khí đốt để kiểm soát chi phí sinh hoạt.
Đức cùng đối tác truyền thống của mình là Pháp đứng ở phía phản đối trong cuộc tranh luận về mức trần giá khí đốt. Berlin chủ trương không áp dụng biện pháp như vậy do lo ngại có thể khiến các nguồn cung ứng khí đốt chuyển hướng sang các thị trường châu Á và làm giảm các biện pháp khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Sau cuộc thảo luận, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: “Chúng tôi đã xích lại gần nhau, đã nêu các thông số chính xác mà các bộ trưởng năng lượng có thể sử dụng để thống nhất tìm ra các chi tiết cụ thể”.
Ông Scholz nói thêm rằng, các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ lại gặp gỡ nhau nếu các bộ trưởng năng lượng không thể đạt được thỏa thuận sau cuộc họp vào ngày 25/10 tới tại Luxembourg.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Vai trò của chúng tôi là bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất tại châu Âu và nước Đức là một phần trong đó. Việc Đức hay châu Âu tự cô lập mình đều không hề tốt. Quan trọng là trong số những đề xuất, chúng ta có thể tìm ra sự đồng thuận rộng rãi”.
Một lãnh đạo khác cũng phản đối đề xuất trên là Thủ tướng Hungary Viktor Orban - lãnh đạo duy nhất của EU vẫn duy trì quan hệ thân thiết với Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin tại Nga.
Ông Orban viết trên Twitter: “Mức trần giá khí đốt như thể tới một quán bar rồi bảo người pha chế rằng anh chỉ muốn trả nửa giá cho cốc bia của mình. Sẽ không có đâu”.
Lộ trình năng lượng
Một số khác biệt giữa các nhà lãnh đạo dự thượng đỉnh lớn tới nỗi việc đồng ý thảo luận thêm về một kế hoạch năng lượng cũng đã được xem là một thành tựu.
Tạm thời, EC đã đề xuất các quốc gia gom lại việc mua khí đốt, và cũng đề xuất một sự thỏa hiệp, theo đó tạo điều kiện để một cơ chế điều chỉnh giá có hiệu lực trong những trường hợp ngoại lệ.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo phát biểu: “Còn rất nhiều việc ở phía trước. Chúng ta đang đẩy mình vào lãnh địa chưa khám phá, nơi mà chúng ta vẫn chưa có trải nghiệm gì”.