Nông dân Nghệ An biến chất thải thành năng lượng sạch

Thanh Phúc 01/11/2023 16:42

(Baonghean.vn) - Hiện nay, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ trong tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi theo mô hình vườn-ao-chuồng-biogas giúp giảm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường.

bna_bánh khô.JPG
Chị Hoàng Thị Thuỷ sử dụng khí gas từ hầm biogas để hông bánh đa. Ảnh: Châu Lan

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Thuỷ (xóm Xuân Thành, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) trong những ngày mưa dầm dề. Làm nghề tráng bánh đa nên vào những hôm thời tiết không có nắng để phơi bánh chị Thuỷ phải sử dụng bếp gas để hông, ép bánh. Do vậy, lượng gas tiêu tốn rất nhiều, cộng thêm vào đó là nấu nướng phục vụ sinh hoạt gia đình.

Chị Thuỷ cho biết: “Mỗi tháng nếu trời mưa, lượng bánh tráng nhiều, nấu nướng nữa thì hết khoảng 1,5-2 bình gas công nghiệp, khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể nấu cơm, nước sôi đều dùng điện. Tiền gas mỗi tháng cũng chiếm lượng chi tiêu khá lớn”.

Từ tháng 2/2023, chị đã xây dựng hầm biogas, tận dụng chất thải động vật thành khí đốt. Theo đó, với quy mô chăn nuôi 15 con lợn, 1 con trâu, lượng chất thải xả ra rất lớn, trước đây, chỉ sử dụng bón cây, bón ruộng thì không hết, xả tràn ra vườn nên rất ô nhiễm.

“Hôi thối, ruồi muỗi nên ô nhiễm lắm. Nhà nông, không chăn nuôi thì không có “đồng ra, đồng vào” mà chăn nuôi thì vấn đề xử lý chất thải rất nan giải. Từ khi xây dựng hầm biogas 10m3, toàn bộ chất thải được xử lý thành khí đốt, bã chất thải được ủ men làm phân hữu cơ, nước thải trong, không có mùi, dùng tưới cho cây trồng. Vấn đề ô nhiễm được giải quyết triệt để, lại dư thừa khí đốt để làm bánh, nấu nướng”, chị Thuỷ cho biết.

Từ hiệu quả của gia đình mình, chị Thuỷ đã cùng với các anh chị em trong nhà góp tiền để xây bể biogas cho bố mẹ. “Nhà ông bà ngoại chăn nuôi 30 con lợn thịt, chất thải xả ra hàng ngày lớn nên hàng xóm kêu ca, phàn nàn. Thấy hiệu quả “kép” từ sử dụng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi thì hiện ông bà cũng đã lắp đặt”, chị Thuỷ chia sẻ.

bna_2.JPG
Thu nhập chính của gia đình bà Hoàng Thị Mão là từ chăn nuôi bò, lợn, gà. Tận dụng nguồn chất thải bằng cách xây hầm biogas, mỗi tháng bà tiết kiệm thêm 500.000-700.000 đồng tiền chất đốt phục vụ nấu nướng. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình bà Hoàng Thị Mão ở xóm Liên Chung (xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) ở trên đồi dốc, diện tích mặt bằng khá hạn hẹp, dãy chuồng chăn nuôi liền kề với nhà ở, giếng nước, do đó, nuôi lợn gà gặp không ít bất cập. “Cái chính là chất thải chăn nuôi không biết xử lý thế nào. Nuôi ít thì không bõ công chăm, không có lãi, nuôi nhiều thì ô nhiễm”, bà Mão cho biết.

Thế nên, khi có dự án về hầm biogas, gia đình bà đăng ký xây ngay; chi phí để xây hầm, đường ống dẫn khí, bếp… hết khoảng 10 triệu đồng. “Vốn ban đầu có thể hơi nhiều nhưng lại giải quyết gần như triệt để mùi hôi, thối trong chăn nuôi lại có nguồn chất đốt dư thừa phục vụ nấu nướng, tiết kiệm mỗi tháng 500.000-700.000 đồng”, bà Mão cho biết thêm.

Một trong những gia đình đi đầu trong làm hầm biogas ở xã Thanh Hoà (Thanh Chương) là gia đình ông Nguyễn Trọng Dung (xóm Đồng Hoà). Là gia đình thuần nông, chăn nuôi đem lại thu nhập chính. Mặc dù ở cách xa khu dân cư nhưng xác định nếu mở rộng đàn, nhân đàn thì rất khó giữ môi trường trong sạch, ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Do đó, gia đình ông lựa chọn xây dựng hầm biogas để giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Hai năm nay, gia đình ông Dung không phải mua gas công nghiệp để nấu nướng, mỗi năm tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng tiền khí đốt.

bna_ghép 3.jpg
Ở các địa phương Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn... người dân đang tích cực xây dựng hầm biogas để tận dụng chất thải chăn nuôi thành năng lượng sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Phúc

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì một trong những điểm khó ở các địa phương là tiêu chí môi trường. Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành năng lượng sạch đang mang lại lợi ích kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thịnh cho biết: “Trước đây, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các khu dân cư luôn là vấn đề “nóng”, được đề cập qua các phiên tiếp xúc cử tri. Hai năm nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Không chỉ các hộ chăn nuôi nhiều, quy mô mà những hộ nuôi nhỏ lẻ, từ 3-5 con lợn là đã có thể xây hầm để xử lý chất thải thành khí đốt”.

bna_ko mùi.JPG
Lửa từ khí đốt biogas có màu xanh, không mùi, được coi là năng lượng sạch. Ảnh: Thanh Phúc

Từ hiệu quả bảo vệ môi trường mà hầm biogas đem lại, xã Thanh Hoà (Thanh Chương) đã ban hành nghị quyết chỉ đạo nhân rộng mô hình, đồng thời, trích kinh phí để hỗ trợ 10 hộ triển khai, nhằm khuyến khích nhân dân sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có gần 800.000 con trâu bò, gần 1 triệu con lợn và 34 triệu con gia cầm. Nếu người chăn nuôi chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, lượng phát thải sẽ dẫn đến ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường sống. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ trong tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi theo mô hình vườn-ao-chuồng-biogas vừa giảm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành chất đốt hiện nay vẫn khó nhân rộng do chi phí đầu tư ban đầu khá cao; thêm vào đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, họ cho rằng khí được sinh ra từ chất thải nên không sạch bằng khí gas công nghiệp.

bna_đòng hồ.JPG
Đối với các hộ chăn nuôi quy mô, khí biogas nhiều, không sử dụng hết nên khá lãng phí. Ảnh: Thanh Phúc

Thực tế cho thấy, với số lượng chăn nuôi của gia đình hiện tại thì khí gas hàng ngày dư thừa khá lớn, nếu sử dụng không hết phải xả ra rất lãng phí. Vì thế, cần quan tâm nghiên cứu để khí gas này được đấu nối vào hệ thống bình nóng lạnh hay 2-3 hộ có thể chung đường dẫn khí để sử dụng thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Sử dụng hầm biogas cần bảo đảm các yêu cầu: nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hóa chất; phân thải cần được nạp đều đặn hằng ngày; định kỳ 6 tháng vét bã trên tầng áp lực một lần; 5 năm vét bã trong tầng hầm chứa gas và 10 năm vét hầm một lần. Khi có sự cố xảy ra cần phải có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An biến chất thải thành năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO