Nghệ An ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030

Hoài Thu 09/11/2023 15:20

(Baonghean.vn) -Đây là kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó thực hiện “xanh hoá” các lĩnh vực quan trọng như sản xuất, lối sống, tiêu dùng bền vững, chống biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 3560/QĐ-UBND ngày 1/11/2023 thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch tăng trưởng xanh được xây dựng nhằm với mục tiêu góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

bna_Trồng nho  Thái Hoà ảnh Hoài Thu.JPG
Mô hình trồng nho đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ tại thị xã Thái Hoà. Ảnh: Hoài Thu

Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực:

- Mục tiêu về giảm cường độ phát thải khí nhà kính: Đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Nghệ An giảm xuống từ 9 - 18,4% so với năm 2018.

- Mục tiêu về xanh hóa sản xuất: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%. Kinh tế số đạt 30% GRDP. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.

Ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 90% cơ sở sản xuất kinh doanh có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn về môi trường.

- Mục tiêu về xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững:

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên.

Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Trong đó, đến năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị đạt 99% và tại khu vực nông thôn là 80%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 95%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom đạt 30%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Tỷ lệ phương tiện công cộng 3 - 6%.

- Mục tiêu về bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh: Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

bna_HT keo ngọc lâm7.JPG
Phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, trồng rừng là một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hoài Thu

Đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40-45%. Tỷ lệ người dân tại các đô thị từ loại V trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 60%.

Cùng với các mục tiêu, UBND tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp quan trọng gắn với từng lĩnh vực, từng ngành cụ thể. Trong số 11 giải pháp, đáng chú ý là các giải pháp về xây dựng các mô hình kinh tế, cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực.

Ví dụ như xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị.

Rà soát, đánh giá toàn diện trên các lĩnh vực xử lý chất thải rắn, cấp nước đô thị, thoát nước xử lý nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới hợp lý, phù hợp với tiềm năng địa phương. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Tiếp tục vận động các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng mô hình khách sạn xanh; sử dụng công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm thiểu nước thải, tiết kiệm điện, nước trong quá trình hoạt động. Phát triển sản phẩm du lịch “xanh”: du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp nông thôn nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch. Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển du lịch.

Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải ưu tiên đầu tư, khai thác vận hành các loại xe buýt, xe taxi tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường như: xe hybrid; xe sử dụng nhiên liệu CNG, LPG; xe điện...

Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp để tận dụng nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, giảm chi phí xử lý, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên và hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường.

bna_1. Toàn cảnh Khu Công nghiệp thuộc VSIP Nghệ An. Ảnh Thành Cường..jpg
Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu 70% các cụm công nghiệp có doanh nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025 ,và đạt 100% vào năm 2030. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 về việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp xã hội, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp.

Thực hiện tốt chính sách dịch vụ môi trường rừng, nâng cao ý thức quản lý bảo vệ rừng cho tổ chức và cộng đồng dân cư; phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân khoảng 5,5- 6%/năm.

Mới nhất

x
Nghệ An ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO