Lao đao vì phường hụi
(Baonghean) - Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều vụ vỡ hụi lớn, nhỏ xảy ra ở huyện Đô Lương với tổng số tiền ước tính đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vì hụi, những căn biệt thự bỏ hoang bởi chủ nhà phải trốn nợ, những cuộc xung đột giữa những người chung phường... xảy ra liên tục khiến cuộc sống làng quê đảo lộn.
Các thành viên phường hụi tập trung ở nhà ông Việt để ký vào đơn kiện bà Nhung. |
Làng quê điêu đứng
Ngày giữa tháng 11, căn nhà khang trang vừa là cửa hàng bán áo quần, đồ gia dụng ngay giữa trung tâm xã Trù Sơn (Đô Lương) của bà Nguyễn Thị Hồng (49 tuổi) chật kín người. Vợ chồng bà Hồng là chủ phường hụi với gần 120 thành viên ở 4 xã Trù Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn và Hiến Sơn tham gia. Hôm nay, các thành viên đến nhà chủ phường để cùng ký tên vào đơn, kiện bà Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi, xã Đại Sơn) vì đã gây ra vụ vỡ hụi.
Theo chủ phường, hơn 1 năm trước, bà Nhung xin tham gia vào phường và được các thành viên đồng ý. Thời gian đầu, bà Nhung giao nộp phường đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 8 vừa qua, sau khi bốc phường với số tiền hơn 2 tỷ đồng, bà Nhung lại rút. “Khi các hộ khác đến lượt bốc thì bà Nhung không chịu trả nợ.
Trừ khoản trước đó đã đóng vào phường theo định kỳ thì số tiền mà bà Nhung đã chiếm dụng của các thành viên là hơn 1,2 tỷ đồng”, chủ phường nói và cho hay, đã nhiều lần các thành viên tổ chức họp và thống nhất đến nhà đòi tiền nhưng bà Nhung cố tình không trả và còn thách thức, thậm chí người nhà bà này còn cầm gậy hành hung, đe dọa họ.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, phường hụi do bà Hồng làm chủ bị vỡ. Tổng số tiền của 3 lần lên đến hơn 7 tỷ đồng. “Ngoài ra còn có nhiều vụ khác nhưng đa số người xù nợ xin khất. Thấy họ khó khăn, có thái độ tin tưởng, lại bị vỡ nợ thật nên các thành viên trong phường không đòi gấp. Còn những trường hợp bốc tiền phường về rồi cho vay nặng lãi, xây nhà, mua đất như bà Nhung thì không chấp nhận được.
Nếu không có chế tài xử lý những trường hợp này thì hệ lụy sẽ rất lớn. Sẽ có đổ máu”, ông Nguyễn Thụy Tâm (65 tuổi, xóm 10, xã Trù Sơn) nói và đề nghị cơ quan chức năng cần đình chỉ các giao dịch của bà Nhung để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Hơn 2 năm trước, gia đình ông Tâm dành dụm tiền hàng tháng đóng vào phường. Số tiền đến nay ông đã đóng lên đến hơn 200 triệu đồng nhưng chưa đến lượt bốc thì phường bị vỡ.
Phường hụi do bà Hồng làm chủ có gần 120 thành viên ở 4 xã tham gia. |
Không bị mất số tiền lớn như ông Tâm nhưng hơn 40 triệu đồng đối với gia đình chị Nguyễn Thị Long (44 tuổi, xã Trù Sơn) là cả một gia tài. Hai vợ chồng chỉ có vài sào ruộng ít ỏi, quanh năm quần quật cũng chỉ mong đủ ăn. Trong khi đó, người con trai bị bệnh động kinh, muốn chữa trị phải có một số tiền lớn. Không biết lấy đâu ra số tiền này, chị Long quyết định vay mượn mỗi tháng 7 triệu đồng để chơi hụi với mong muốn sẽ nhận một khoản lớn để đưa con đi viện.
Tuy nhiên, chỉ mới tham gia được nửa năm thì xảy ra vụ việc. “Giờ không biết phải làm thế nào. Mất tiền còn khiến vợ chồng bất hòa. Không chỉ với gia đình tôi, bây giờ ở đây vợ chồng nhà nào cũng suốt ngày cãi cọ, chỉ vì phường hụi”, chị Long nức nở.
Những “đại gia ảo”
Vài năm trước, nếu có dịp ghé xã Đại Sơn, nhiều người hẳn sẽ kinh ngạc trước sự phồn hoa của địa phương này. Những nhà tầng kiên cố đua nhau mọc lên ở làng quê hẻo lánh. Ô tô đắt tiền chạy tấp nập quanh những ngõ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, cuộc sống xa hoa đó dần trở thành quá khứ mà không nhiều người dân ở vùng quê này muốn nhắc tới.
Đại Sơn và Trù Sơn là những xã có số người tham gia chơi hụi nhiều nhất ở huyện Đô Lương với hàng nghìn hộ dân. Sau khi tham gia vào phường hụi với mỗi lượt bốc lên đến hàng tỷ đồng, nhiều gia đình lấy số tiền đó về xây nhà tầng, mua xe hơi, sống cuộc sống rất xa xỉ. Tuy nhiên, làm đại gia được một thời gian ngắn, khi không còn đủ tiền để tham gia vào vòng xoay đóng hụi hàng tháng nữa. Họ tuyên bố vỡ nợ.
Bị các thành viên khác phản ứng, những chiếc ô tô lần lượt được bán nhưng cũng không đủ. Nhiều gia đình phải bỏ lại nhà lầu, con cái, rời quê hương. Đến nay, cả xã Đại Sơn có hàng chục căn nhà bỏ hoang như vậy. Mới năm ngoái, nhiều nhà sống sung sướng lắm. Cứ chiều chiều lái ô tô chở vợ đi đánh bóng chuyền rồi nhậu nhẹt, rất vương giả. Nhưng hiện giờ thì đúng là “ăn chuối ăn cả vỏ” rồi, chưa kể còn phải sống chui sống lủi”.
Khi được hỏi về trường hợp Nguyễn Thị Nhung, mọi người không lấy gì làm ngạc nhiên. “Trường hợp như thế này ở đây nhiều vô kể”, một người dân cho biết.
Một trong những ngôi nhà khang trang ở Đại Sơn (Đô Lương) bỏ hoang nhiều tháng nay vì chủ nhân lâm vào cảnh nợ nần, rời quê hương. |
Ngoài ra, vợ chồng bà Nhung còn dùng khoản tiền lớn đó làm nhà, mua ô tô. Bà Nhung cũng hoạt động như một ngân hàng. Ai gửi tiền lấy lãi cô ta cũng nhận. Rồi cô ta lại lấy số tiền đó cho người khác vay nặng lãi. Vừa là con nợ nhưng cũng vừa là chủ nợ. Tuy nhiên, đến khi các con nợ của bà Nhung không thể trả, bà Nhung bắt đầu lâm vào cảnh vỡ nợ.
Do việc đóng phường hụi không hề thông qua một cơ quan quản lý nào nên chính quyền địa phương không có con số thống kê chính xác về những trường hợp vỡ hụi. Tuy nhiên, theo ước tính, chỉ riêng xã Đại Sơn đã có khoảng 50 người tương tự như trường hợp của bà Nhung, với số tiền nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngồi thất thần trong cửa hàng bán chăn, ga, gối, đệm lớn bậc nhất ở xã Đại Sơn, chị Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi) nói rằng, chưa bao giờ việc kinh doanh của chị ế ẩm như hiện nay. Nguyên nhân cũng vì phường hụi. Những năm trước, cửa hàng chị Hằng luôn tấp nập khách. Đặc biệt, khi nhiều người chơi phường đến lượt bốc tiền, họ bỏ cả số tiền lớn để mua sắm vật dụng đắt tiền, trong đó có cả mặt hàng chị bán.
“Giờ vỡ hụi dây chuyền. Nhà nào cũng lâm cảnh nợ nần cả còn lấy tiền đâu mà mua sắm, mặc dù Tết đã gần đến rồi. Ngay cả gia đình tôi cũng chơi hụi, giờ họ ôm tiền bỏ chạy, mất trắng hơn 100 triệu đồng vẫn chưa đòi được”, chị Hằng ngậm ngùi nói, hướng ánh mắt xa xăm về những ngôi nhà bề thế bị bỏ hoang khi chủ nhân phải bỏ trốn vì vỡ hụi.
Cho rằng tình trạng vỡ hụi ở một số địa phương đang rất báo động, Đại tá Thái Khắc Thống - Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết, trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy, ông cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề này. Công an huyện Đô Lương cũng đã nhận được nhiều đơn tố cáo về việc vỡ hụi, tuy nhiên theo Đại tá Thống đây chỉ là tranh chấp về dân sự nên công an không thụ lý mà đề nghị người dân nên gửi qua tòa án.
“Còn rất nhiều trường hợp nhưng chưa bị bung ra, trong đó thậm chí có nhiều trường hợp là công chức. Phần lớn các vụ vỡ hụi đều không thể khởi tố vì cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội, không đủ yếu tố cấu thành”, Đại tá Thống cho biết.
Người đứng đầu Công an huyện Đô Lương cho hay, trong các cuộc họp ông đã đề nghị các cấp chính quyền cần phải tích cực tuyên truyền nhiều hơn để người dân không tham gia chơi phường hụi. Nói về việc mặc dù nguy cơ rủi ro cao nhưng nhiều người vẫn đua nhau chơi hụi, Đại tá Thống cho rằng, tâm lý nhiều người dân thường muốn tích góp để nhận một khoản lớn để đến lúc cần lo công chuyện.
“Trước đây người dân thường đóng phường để khi nào gia đình có việc thì bốc, khỏi phải đi vay. Nhưng bây giờ nó biến tướng, nhiều người tham gia chỉ vì để bốc xong lấy tiền đó cho vay nặng lãi hoặc ăn tiêu xa xỉ mới gây ra tình trạng vỡ hụi. Vì vậy, cần phải tuyên truyền để loại bỏ”, Đại tá Thống nói.
Tiến Hùng
TIN LIÊN QUAN |
---|