'Lật tẩy' điểm yếu tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Những hạn chế về vũ khí, công nghệ và kinh nghiệm tác chiến khiến các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc khó phát huy khả năng trả đũa hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 của Trung Quốc. Ảnh: RT. |
Để thực hiện đòn trả đũa hạt nhân, mỗi quốc gia bắt buộc phải đảm bảo một bộ phận trong lực lượng hạt nhân của mình có thể sống sót sau đợt tấn công phủ đầu của đối phương. Nhờ khả năng ẩn náu bí mật trong đại dương, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) mang tên lửa đạn đạo, trong đó có tàu ngầm Type 094 lớp Tấn, được Trung Quốc coi là thành tố quan trọng đối với năng lực trả đũa của nước này, theo National Interesst.
Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho rằng dù tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có thể được coi là một bước tiến mạnh trong nỗ lực phát triển khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh, nhưng các mẫu SSBN "non trẻ" này vẫn tồn tại những điểm yếu rất lớn.
Theo các chuyên gia Bonnie Glaser và Mathew Funaiole ở tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), điểm yếu đầu tiên của tàu ngầm Type 094 là khả năng tác chiến của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được lắp đặt trên tàu.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (SLBM) mang tên JL-2 của Type 094 có thể mang theo từ một đến ba đầu đạn hạt nhân, nhưng có tầm bắn tương đối ngắn, ước tính khoảng 7.400 km.
Để tấn công được vào lục địa Mỹ bằng JL-2, tàu ngầm Trung Quốc buộc phải đi qua một số chốt chặn để tiến vào Thái Bình Dương, trong khi công nghệ tàng hình của Type 094 không được đánh giá cao và dễ dàng bị các hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) phát hiện.
Bên cạnh đó, Type 094 vẫn tồn tại một số lỗi cơ bản về thiết kế như khoang tên lửa có thể tích lớn ở phía đuôi và cửa xả nước được tích hợp vào khoang dễ bị hệ thống định vị thủy âm phát hiện.
Báo cáo của ONI năm 2009 cho thấy tàu ngầm Type 094 có độ ồn lớn hơn các tàu ngầm lớp Delta III của Nga từ thập niên 1970, khiến nó dễ bị lộ mặt trước hệ thống thủy âm hiện đại của Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, tên lửa JL-2 nó mang theo liên tục phóng thử thất bại, và ở thời điểm năm 2013 vẫn chưa rõ Trung Quốc đã phóng thử thành công loại tên lửa này hay chưa.
Theo Christian Conroy, chuyên gia vũ khí hạt nhân và an ninh khu vực Đông Á, ngay cả khi các cải tiến kỹ thuật giúp Type-094 tránh được sự theo dõi của các thiết bị chống ngầm tối tân, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (BMD) nhiều khả năng sẽ ngăn chặn được hầu hết tên lửa JL-2 phóng từ các địa điểm khả thi như vịnh Bột Hải và Biển Đông.
Khi tàu ngầm lớp Tấn phóng tên lửa JL-2, các hệ thống radar phòng thủ Aegis triển khai gần bờ biển Trung Quốc sẽ ngay lập tức phát hiện và kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 sau 5 giây. Ngoài việc triển khai bổ sung các tên lửa đánh chặn SM-3 ngoài khơi và điểm đánh chặn mặt đất (GBI) ở California và Alaska, Lầu Năm Góc dự tính triển khai hệ thống SM-3 Block IIA có thể đánh chặn mọi tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ của Trung Quốc.
Điểm yếu thứ ba là hải quân Trung Quốc đang tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong việc duy trì các chuyến tuần tra răn đe trên các đại dương. Bắc Kinh vốn có truyền thống chỉ dựa vào các tên lửa liên lục địa trên mặt đất để thể hiện khả năng răn đe, do đó các chỉ huy tàu ngầm Type 094 của Bắc Kinh chưa được huấn luyện nhiều về quá trình kiểm soát và phóng tên lửa trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và xung đột.
Điểm yếu cuối cùng là Bắc Kinh đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật trong việc thiết lập hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2) dành cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của nước này.
C2 là hệ thống liên lạc hiện đại giữa các lãnh đạo cấp cao ở đại lục với các giao thức khai hỏa trên tàu ngầm nhằm đảm bảo việc phóng tên lửa chỉ được tiến hành khi hoàn toàn bắt buộc, phòng khi một tàu ngầm hạt nhân mất liên lạc với trung tâm.
Nước biển mặn khiến sóng vô tuyến chỉ có thể lan truyền trong khoảng cách ngắn dưới đại dương, khiến các trạm liên lạc phải sử dụng các sóng radio dải tần rất thấp (VLF) hoặc tầm cực thấp (ELF) để gửi tín hiệu cho tàu ngầm.
Tận dụng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông
Theo chuyên gia Glaser, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông để đảm bảo an toàn cũng như tăng cường khả năng triển khai ra Thái Bình Dương cho các tàu ngầm hạt nhân của nước này. Việc kiểm soát được Biển Đông có thể giúp Trung Quốc khắc phục những hạn chế của căn cứ tàu ngầm hiện nay trên đảo Hải Nam, bởi các tàu ngầm khi hoạt động xa căn cứ này rất dễ bị các hệ thống săn ngầm của Mỹ phát hiện.
Bên cạnh đó, việc triển khai phi pháp các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (có thể là các đảo khác) với tầm bắn 201 km sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng đối phó các máy bay săn ngầm của nước ngoài trong trường hợp nổ ra khủng hoảng.
Các lực lượng săn ngầm của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Việc thiết lập các căn cứ không quân mới trên đảo nhân tạo phi pháp dành cho máy bay săn ngầm có khả năng giúp Bắc Kinh đối phó với các tàu ngầm tấn công của đối phương đang theo dõi sát sao hạm đội SSBN của Trung Quốc. Những nỗ lực này có thể bù đắp được những điểm yếu và tăng cường năng lực trả đũa của Trung Quốc.
Hiện có rất ít thông tin công khai về việc phát triển công nghệ tên lửa và tàu ngầm mới và chưa rõ khi nào Trung Quốc có thể giải quyết triệt để các vấn đề trên. Dù sao, việc đảm bảo hành trình an toàn ở Biển Đông cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, theo Glaser.
"Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc vẫn phải hoạt động xa căn cứ trên đảo Hải Nam, băng qua các chốt kiểm soát chiến lược đến các địa điểm ở xa và không được đảm bảo an toàn như ở gần bờ, một nhiệm vụ quá khó với hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn hiện nay của Trung Quốc", bà Glaser nhấn mạnh.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|