Lật tẩy vỏ bọc của kẻ 'nói sõi tiếng Việt', giấu mình bán hàng online
Cục Cảnh sát hình sự nhận thông tin về nữ nghi phạm Liu Jian Min, 41 tuổi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bị Interpol truy nã quốc tế, có thể đang trốn ở Việt Nam.
Tháng 10/2020, tổ trinh sát 4 người của thượng úy Nguyễn Thị Thư được giao nhiệm vụ truy bắt.
Thông tin Thư và các đồng đội nhận được ban đầu chỉ là tờ lệnh truy nã quốc tế trong đó có tên, tuổi, chiều cao, cân nặng, vài đặc điểm nhận dạng và một bức ảnh chân dung. Xác định phải bắt bằng được nghi phạm trước thời điểm Tết Nguyên đán, ca làm việc của Thư kéo dài hơn 6 tiếng so với thường nhật để đọc tài liệu, truy dấu vết.
Tài liệu thu thập được cho thấy, Min theo đường tiểu ngạch vùng biên giới trốn vào Việt Nam từ cuối năm 2018. Hàng trăm người nghi có mối quan hệ với Min trên khắp các tỉnh thành được tổ trinh sát của Thư dựng lên.
So với tội phạm truy nã người Việt Nam, Thư đánh giá việc truy bắt tội phạm quốc tế "khó hơn nhiều". Khi xác định trốn sang Việt Nam, chúng đã chuẩn bị về đường đi, kế hoạch lẩn trốn. Hơn nữa, việc bắt tội phạm có yếu tố nước ngoài cần cẩn trọng gấp nhiều lần để tránh sai lầm, gây ra những hệ lụy không đáng có.
Bằng nghiệp vụ, tổ công tác của Thư phát hiện Min có chứng minh thư nhân dân Việt Nam mang tên Đặng Thị Hương và một sổ tạm trú ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Min đã chi 400 triệu đồng để làm giấy tờ giả này. Khi có chứng minh nhân dân Việt Nam, Min xin làm hộ chiếu, bay qua lại Việt Nam - Thái Lan, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký tạm trú và xin việc làm, sống như "người Việt".
Sau gần hai tháng mật phục, trinh sát phát hiện nữ nghi phạm thuê căn nhà ở thành phố Bắc Ninh làm nơi tập kết hàng và "livestream" bán hàng online. Thư dẫn đầu một tổ công tác nhiều đêm thức trắng ở Bắc Ninh để nắm quy luật sinh hoạt, di chuyển của Min. Nghi phạm có ngoại hình rất giống người Việt Nam và nói sõi tiếng Việt nhưng ít giao lưu.
Quá trình buôn bán, Min cũng không ra mặt trực tiếp mà ngồi trong nhà chỉ đạo nhân viên làm việc. Mọi giao dịch của Min đều qua mạng xã hội, điện thoại. Khi khách đến tận nơi lấy hàng, chị ta cũng không xuất hiện.
Thượng úy Nguyễn Thị Thư trong một ca trực. Ảnh: NVCC |
Để tiếp cận nghi phạm, Thư đóng giả khách mua hàng. Sau một vài đơn nhỏ lẻ lấy lòng tin, Thư đề nghị đến xem trực tiếp để lấy số lượng lớn. Trưa 15/12/2020, trong vai khách mua hàng, Thư cùng đồng đội ập vào căn nhà ba tầng khống chế nghi phạm. Min trình căn cước công dân và nói "công an bắt nhầm người".
Nhà chức trách cho biết, sau hơn 5 giờ "đấu trí", Min mới khai nhận hành vi. Đây là một trong những nghi phạm ngoan cố nhất nữ trinh sát Thư từng gặp.
Tháng 11/2021, Min cùng nhóm giúp cô ta làm giả chứng minh thư bị TAND Hà Nội tuyên phạt 3-7 năm tù về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, nữ thượng úy Thư "bén duyên" với ngành công an qua chồng. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, chị làm giáo viên Tiểu học ở Gia Lai. Sau gần hai năm đứng bục giảng, Thư theo chồng là công an ra Hà Nội bắt đầu cuộc sống mới.
Thời gian đầu, chị làm nhiều công việc không đúng chuyên môn để trang trải cuộc sống. Đầu năm 2010, Thư thi tuyển vào ngành công an, công tác tại Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52 cũ). Sau 6 tháng huấn luyện, Thư vào lực lượng vũ trang như ao ước từ nhỏ.
Vào ngành năm 31 tuổi, Thư phải cố gắng nhiều hơn so với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Có hôm trời mưa bão to, chị có lịch trực đột xuất nên nhờ chồng đón con. Hơn 8h tối chồng gọi điện thông báo quên "việc vợ nhờ". Tức tốc đóng hồ sơ, chị vừa khóc vừa phi xe máy trong mưa hơn 10 km đến nơi thì thấy con trai lớp 7 đang ngồi bệt sau song sắt cổng trường học. Vừa gặp nhau, cậu bé òa khóc và hai mẹ con cùng khóc. Từ đó, nhiều lần Thư tự hứa dành nhiều thời gian cho con hơn nhưng do đặc thù công việc của hai vợ chồng, chị vẫn chưa thực hiện trọn vẹn được điều này.