Lau dọn bàn thờ trước Tết cần lưu ý điều gì?

newzing.vn 28/01/2022 20:09

Bàn thờ luôn là nơi linh thiêng, tôn kính nhất của mỗi gia đình. Vì vậy, khi lau dọn, đặc biệt vào dịp cuối năm, cần tránh xê dịch, mạnh tay, làm đổ vỡ các đồ vật.

Theo nhà nghiên cứu Trần Minh Thương trong cuốn sách Ăn Tết, chơi Tết miền Tây (NXB Văn hóa và Văn nghệ TP.HCM), ngày Tết, bàn thờ là tâm điểm của các hoạt động tâm linh, là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình.

Vì thế, để mừng năm mới, công việc quan trọng là phải lau dọn sạch sẽ bàn thờ, tranh liễn cũ thì thay cái mới. Lư hương, chân đèn phải lau chùi thật cẩn thận.

Theo quan niệm dân gian, trước khi lau dọn, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, sau đó thắp hương để "xin phép" thần linh và gia tiên.

Cần cẩn thận, nhẹ tay khi lau dọn bàn thờ gia tiên.
Cần cẩn thận, nhẹ tay khi lau dọn bàn thờ gia tiên.

Thứ tự lau dọn bàn thờ là từ cao đến thấp. Bài vị tổ tiên được lau trước rồi sau đó chuyển sang thu dọn bát hương.

Khi tỉa, đổ bớt chân hương, tuyệt đối không được lấy ra hết mà phải để lại 3, 5 hoặc 7 chân hương. Đặc biệt, không được vứt chân hương bừa bãi vì người xưa quan niệm như thế sẽ bị "tán tài".

Chân hương tỉa ra thường đốt và tất cả tro được thả xuống sông, hồ hoặc hòa nước bón cây, không nên đổ bừa bãi vào những nơi ô uế như thùng rác.

Trong quá trình lau dọn bàn thờ, cần tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Với những sự cố bất khả kháng buộc phải xê dịch thì sau đó phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng vị trí ban đầu.

Lư hương luôn được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng lệch ở vị trí trung tâm, hai chân đèn để hai bên. Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau.

Tránh xê dịch các đồ vật khỏi vị trí ban đầu
Tránh xê dịch các đồ vật khỏi vị trí ban đầu.

Ngoài ra, người lau dọn phải thật cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ vì đó là điềm báo điều xui xẻo.

Bàn thờ là nơi linh thiêng, vì thế khi lau dọn, tuyệt đối không dùng dụng cụ bẩn, nên chuẩn bị các đồ mới như khăn lau, chổi quét.

Tùy vào chất liệu các đồ vật mà cần lựa chọn dụng cụ vệ sinh thích hợp. Ví dụ, lúc lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước, bay màu sơn.

Khi lau chùi các ngai thờ, bài vị thờ gia tiên bằng gỗ, tránh dùng rượu nồng độ cao, cồn hóa học để tránh làm hỏng vecni hoặc màu sơn son, thếp vàng.

Đối với các bức tượng bằng đồng, tuyệt đối không dùng cồn, hóa chất để lau vì đồng dễ bị oxy hóa, nhanh bị xỉn màu.

Nước dùng để lau cũng cần phải sạch. Ngoài ra, nên sử dụng nước ấm, thay vì dùng nước lạnh. Khi tiến hành nếu có bài vị thần Phật thì phải lau trước rồi đổ nước đi, thay nước ấm mới rồi mới lau bài vị tổ tiên.

Mới nhất

x
Lau dọn bàn thờ trước Tết cần lưu ý điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO