(Baonghean.vn) - Cùng với việc quản lý, giam giữ, giáo dục, công tác hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân luôn được Trại giam số 6 chú trọng nhằm đảm bảo cho mỗi trại viên sau khi hết hạn cải tạo, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội.
|
Trại giam số 6 thuộc Tổng cục cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) - Bộ Công an hiện đang giam giữ, giáo dục, cải tạo hơn 4.000 phạm nhân trong đó có 1000 phạm nhân nữ. Sau khi vào trại giam, căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân, Ban giám thị trại giam sẽ bố trí từng người theo học các ngành nghề phù hợp như: chăn nuôi, trồng trọt, nề, may mặc, khâu bóng, làm chiếu trúc, lông mi giả... |
|
Những nghề này tương đối phù hợp với đời sống xã hội thực tế bên ngoài, cũng như nơi thường trú của các phạm nhân. Việc thực hiện dạy nghề, truyền nghề và tổ chức lao động sản xuất ở đây đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Pháp luật và bộ Luật lao động: Phạm nhân lao động 8 giờ/ngày; được nghỉ các ngày lễ, Tết, thứ 7, chủ nhật theo quy định.
|
|
Với điều kiện hiện có, trại chú ý truyền đạt cho phạm nhân nắm vững kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đó, trại cũng chủ động xây dựng nhà xưởng, thuận lợi cho quản lý, giáo dục; đặc biệt là số phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án, tiền sự; hạn chế được các vụ phạm nhân vi phạm nội quy trại giam, giúp họ an tâm, thi đua cải tạo. (Trong ảnh: Trung úy Nguyễn Thị Minh, phụ trách tổ may hướng dẫn phạm nhân)
|
|
Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Đặc biệt, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu đúng giá trị bản thân mình mà trước đây, vì hành xử lệch lạc đã bỏ qua. Giờ đây, khi chăm chỉ lao động, họ biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác. |
|
Để công tác truyền nghề, dạy nghề thực sự phát huy hiệu quả, Trại giam số 6 không ngừng đổi mới, đa dạng hóa theo hướng từ nông, lâm nghiệp thuần túy giản đơn sang phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - lao động dịch vụ... với mục tiêu bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội bên ngoài cũng như định hướng nghề phù hợp với thực tế cho phạm nhân. (Trong ảnh: Phạm nhân đang hoàn thiện sản phẩm tranh thêu) |
|
Đại tá Võ Thành Vinh - Phó Giám thị Trại giam số 6 cho biết: Cùng với việc đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, trại mở rộng phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, trường dạy nghề đứng chân trên địa bàn, hoàn thành các dự án được cấp trên duyệt với quyết tâm đảm bảo trên 90% phạm nhân được học nghề, được cấp chứng chỉ nghề ngay trong trại, để phạm nhân khi mãn hạn tù, phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng có việc làm và thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích. (Trong ảnh: Công đoạn làm mi mắt giả đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo) |
|
Và trên thực tế, Trại giam số 6 đã phối hợp với các công ty, đơn vị bên ngoài để vừa giúp phạm nhân học nghề, vừa bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, nhiều phạm nhân sau khi ra trại nếu có nhu cầu, các công ty này cũng sẽ tiếp nhận họ vào làm việc như những công nhân bình thường khác, nếu có tay nghề giỏi và đáp ứng được yêu cầu công việc. |
|
Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt đã được các công ty như Công ty Mây tre đan Đức Phong, Công ty Dụng cụ thể thao bóng Hoàng Long… nhận vào làm việc và đã phát huy rất tốt tay nghề, phần việc của mình. (Trong ảnh: Phạm nhân đang khâu bóng) |
|
Có thể thấy, có tay nghề và việc làm ổn định sau khi ra tù không chỉ là ước mơ của các phạm nhân mà còn là mong mỏi của cả xã hội. Vì vậy, việc lao động và học nghề trong trại giam đã cho họ hiểu giá trị của lao động, quý những thành quả mình làm ra, từ đó ý thức được việc hoàn lương để có việc làm ổn định là rất cần thiết, để những người từng lầm lỡ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới./. |
Tuấn- Anh- Đ.Cường