Lễ hội Đền Đức Hoàng
(Baonghean) - Sáng 5/3 (tức ngày 01/2 Tân Mão), tại xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) diễn ra Lễ hội Đền Đức Hoàng.
Đây là dịp để bà con nhân dân địa phương và du khách gần xa tưởng nhớ công đức của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - người có công đánh đuổi giặc Nguyên - Mông, đem lại thái bình cho đất nước.
Màn trống khai hội Đền Đức Hoàng.
Văn bia và phả tộc họ Hoàng (ở Vạn Tràng) ghi chép: Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm Giáp Dần (1254) vào đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Đời vua Trần Nhân Tông, năm Mậu Tý (1288), tướng nhà Nguyên - Mông là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đem quân sang xâm lược nước ta. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc.... Dưới tài tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo, trận đánh diễn ra ác liệt, quân ta đại thắng, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”. Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mưu lược, có công với dân với nước nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành huyện Yên Thành. Năm 2000, Đền Đức Hoàng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Dâng lễ vật cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ rước.
Vào ngày 30/1 và mồng 1/2 âm lịch hàng năm, nhân dân huyện Yên Thành tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Hoàng Tá Thốn.
Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đa dạng, đậm bản sắc dân tộc như: bơi thuyền, kéo co, đẩy gậy, cờ người, chọi gà, vật dân tộc... Cùng với các trò chơi dân gian, du khách được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Tuồng Kẻ Gám, múa rối cạn, ca trù...
Công Kiên -Mạnh Hà