Xã hội

Lễ Khai hạ được tổ chức ở nhiều địa phương của Nghệ An

Huy Thư 04/02/2025 21:39

Ngày 4/2 (tức ngày 7, tháng Giêng, năm Ất Tỵ), nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức lễ Khai hạ đầu Xuân thu hút người dân và du khách tham gia.

bna_1(1).jpg
Để chuẩn bị cho lễ Khai hạ diễn ra chu đáo, ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên... người dân địa phương đã chung tay quét dọn khuôn viên các đình, đền, treo cờ hội, cờ Tổ quốc, băng rôn... tạo không khí ấm cúng, rộn ràng. Trong ảnh: Người dân xóm De Đình, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) chuẩn bị lễ Khai hạ tại đình Dương Liễu. Ảnh: Huy Thư
bna_3(3).jpg
Dịp này, người dân nhiều địa phương như xóm Tiên Quánh, xã Đồng Văn (Thanh Chương), xóm Trung Chính, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn)... đã mổ bò, quay lợn, hông xôi, làm gà để cúng lễ Khai hạ. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, lễ rước được tổ chức theo phong tục truyền thống từ nhà văn hóa xóm về đình, đền... với sự tham gia của bà con địa phương, người cầm cờ, khiêng kiệu, người đội cỗ... di chuyển trong tiếng trống, chiêng rộn ràng. Ảnh: Huy Thư
bna_5.jpg
Thường các địa phương trong tỉnh đều tổ chức lễ Khai hạ vào buổi sáng ngày mồng 7, riêng xóm Trung Chính, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) do người dân bận tham gia Giải bóng đá đầu Xuân nên phải tổ chức lễ Khai hạ vào buổi chiều. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Cuộc sống đi lên, lễ cúng Khai hạ của người dân các địa phương cũng được chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn trước, từ cố lễ, vật phẩm, đến trang phục, nghi thức rước, cúng... Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Nhiều nghi thức, phong tục cổ xưa của các địa phương được khôi phục, lưu truyền, thực hành tại lễ Khai hạ đầu Xuân. Trong ảnh: Nghi thức quàng khăn đỏ lên mặt trong lễ cúng Khai hạ tại đền Giáp Bảo (xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn). Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Trong lễ Khai hạ, người dân các địa phương thường tập trung về các ngôi đền, đình trong xóm để dự lễ. Lúc về đền, bà con thường chuẩn bị lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, hương vàng... để dâng lên các vị thần linh. Trong buổi lễ này, người dân còn tự nguyện đóng góp tiền công đức để tu bổ, xây dựng đền làng, đình làng. Trong ảnh: Lễ Khai hạ tại đền Quản Lĩnh, xã Đồng Văn (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
bna_9..jpg
Việc hành lễ tại các đền, đình trong lễ Khai hạ ngày càng quy củ với đầy đủ các nghi thức truyền thống: truyền đăng, dâng hương, hoa, lễ vật, dâng trà, rượu, đọc chúc văn, bái lạy... theo nhịp chiêng, trống bài bản. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Văn cúng trong lễ Khai hạ thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn của nhân dân đối với các vị thần đã có công hộ quốc an dân, che chở cho xóm làng, cầu mong các vị thần tiếp tục phù hộ cho các gia đình, cho quê hương ngày càng yên ấm, phát triển. Người đọc tấu văn là chủ tế (xóm trưởng) hoặc thầy cúng ở địa phương. Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Kết thúc lễ tế, bà con nhân dân thành kính dâng hương thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần, thành hoàng, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, công việc hanh thông. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Sau lễ Khai hạ, bà con dự lễ thụ lộc tại đền hoặc tại nhà văn hóa xóm. Các gia đình dựng nêu đón Tết đã hạ nêu, chính thức kết thúc những ngày vui Tết, đón Xuân, bắt đầu ra đồng sản xuất. Lễ Khai hạ đầu Xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều địa phương. Ảnh: Huy Thư
Đoàn rước trong lễ Khai hạ đền Giáp Bảo xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Video: Huy Thư

Mới nhất

x
Lễ Khai hạ được tổ chức ở nhiều địa phương của Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO