Lễ làm vía cho cô dâu mới của cộng đồng người Thái Nghệ An

Lương Nga 12/03/2020 16:03

(Baonghean) - “Hăng vắn” thực chất là lễ làm vía của những gia đình họ hàng thân thích bên nhà chú rể dành cho cô dâu mới về nhà chồng.

Với các cộng đồng khác, sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng, chính thức trở thành thành viên của bên nội thì nhiều việc lớn có lẽ mới bắt đầu. Còn với cộng đồng người Thái ở miền Tây Nghệ An, cô dâu sẽ tiếp tục được họ hàng thân thích bên nội chào đón với một số nghi lễ, phong tục truyền thống mà qua đó, nhằm tạo sợi dây đoàn kết, gắn bó, giúp cho cô dâu mới cảm thấy tự tin như được trở về chính ngôi nhà của mình. “Hăng vắn” và biếu quà cho dâu mới là nét văn hóa mang ý nghĩa đó.

Cô dâu, chú rể người Thái được làm lễ “hăng vắn” sau ngày cưới. Ảnh: Lương Nga
Cô dâu, chú rể người Thái được làm lễ “hăng vắn” sau ngày cưới. Ảnh: Lương Nga

Từ xa xưa, trong lễ cưới của người Thái các huyện miền núi như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An), khi cô dâu mới về nhà chồng bao giờ cũng mang theo những món quà hồi môn như: nệm, gối, chăn, những chiếc váy Thái thêu hoa văn sặc sỡ… do chính tay dệt nên để tặng cho gia đình bên chồng. Những lễ vật này tuy giá trị không cao nhưng thể hiện tấm lòng, sự biết ơn của người con dâu dành cho gia đình nhà chồng.

Thuở trước, người con gái Thái khi mới 13 tuổi đã phải lên rừng tìm hái bông lau về phơi khô, tuốt lấy phần hoa của nó để làm nguyên liệu; tìm nhiều loại cây khác để nhuộm màu thổ cẩm. Các thiếu nữ cũng phải học dệt vải, thêu thùa. Cô gái nào càng thể hiện sự khéo léo thì càng được trai làng trên, bản dưới để ý, các bậc phụ huynh cũng nhìn vào cách ứng xử, sự chịu thương chịu khó và những vật phẩm cô gái tạo ra để chọn lựa làm dâu nhà mình.

Mỗi món đồ mà cô gái làm từ khi còn chưa lập gia đình cũng để dành tặng từng người khác nhau của gia đình chồng tương lai. Những chân váy mang hoa văn hình rồng, mặt trời được thêu bằng chất liệu tơ tằm sẽ tặng cho mẹ chồng và chị em gái ruột của chồng. Còn những chiếc đệm ngồi, đệm nằm và đôi gối để dành tặng cho ông bà nội, các cô, bác ruột của bố mẹ chồng. Chẳng may khi sắp lấy chồng mà cô gái chưa kịp chuẩn bị xong thì họ hàng có thể cùng chung tay làm giúp hoặc giúp cho 1 đến 2 bộ chăn đệm và các vật dụng khác. Và khi nào nhà họ hàng có con lấy chồng thì sẽ giúp lại.

Các cô gái Thái tự dệt thổ cẩm để làm của hồi môn khi lấy chồng. Ảnh: Sách Nguyễn
Các cô gái Thái tự dệt thổ cẩm để làm của hồi môn khi lấy chồng. Ảnh: Sách Nguyễn

Sau khi thực hiện các nghi lễ cưới hỏi xong, cô dâu mới về nhà chồng và 3 - 4 ngày sau đó họ hàng thân thích của nhà chồng sẽ chọn ngày đẹp đón cô dâu mới về nhà mình làm lễ “hăng vắn” (làm vía) cho đôi vợ chồng trẻ. Cô dâu sẽ mang quà của mình đến tặng gia chủ để tỏ lòng biết ơn đối với những người thân của gia đình nhà chồng. Tiếp đó, gia chủ mời thầy mo thực hiện lễ “hăng vắn”. Mâm lễ được đặt ở gian chính của ngôi nhà, trên mâm là thịt lợn nít đã luộc chín, thịt được chặt nhỏ từng miếng sắp xung quanh mâm, ở giữa là xôi trắng, phần chân, đuôi và đầu lợn phải để nguyên và hướng về phía bàn thờ tổ tiên.

Mâm cúng này thể hiện sự sung túc, ấm no của những người bên gia đình nhà chồng, với mong muốn đôi vợ chồng trẻ yên tâm hơn về cuộc sống sau này. Bên cạnh đó là hai ngọn nến sáp ong đã được thắp sáng đặt ngay ngắn trong mâm lễ. Ánh sáng của ngọn nến như muốn nói, dù dầm mưa, dãi nắng nhưng sợi dây lương duyên không bao giờ lụi tàn, hai vợ chồng hãy dìu dắt nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trên mâm cúng còn đặt 2 cái bát, trong đó một bát để muối trắng, bát còn lại sẽ được thầy mo gắp thịt và xôi vào để dành riêng cho đôi vợ chồng trẻ. Hai chiếc đĩa, 1 để 2 miếng trầu cau, 1 đĩa trống để nhận quà của họ hàng. Trên mâm còn có 6 đôi đũa và 2 chén rượu. Tất cả những thứ trong mâm lễ phải là số chẵn.

Sau khi ông mo làm lễ xong, đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng nhau uống hết 2 chén rượu trắng, ăn một phần xôi và thịt lợn trong bát, sau đó sẽ nhận lấy 2 miếng trầu cau bỏ vào miệng. Cùng lúc đó những người thân trong họ hàng nhà chồng sẽ đến chúc phúc, tặng quà cho cô dâu. Quà gồm có tiền mặt, những tấm vải mới hoặc vòng bạc. Trong khi tặng thì mẹ chồng của cô dâu sẽ giới thiệu vai vế của từng người để cô dâu dần làm quen. Tiếp đó, mọi người cầm lấy tay đôi vợ chồng trẻ để buộc sợi chỉ may mắn và dành những lời chúc tốt đẹp nhất đến cặp vợ chồng trẻ. Cuối cùng mỗi người sẽ đến mâm lễ lấy một ít xôi và thịt chấm với muối trắng và bỏ vào miệng, nếm thêm chút rượu cay như muốn cùng sẻ chia với đôi vợ chồng trẻ những khó khăn, mong muốn ấm no trong tương lai.

Một cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Ảnh: P.V
Một cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Ảnh: P.V

Nghi lễ kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên các mâm cơm, chúc nhau chén rượu và nói về những dự định tương lai của đôi vợ chồng trẻ. Không khí ấm cúng trong gia đình tạo cho cô dâu sự thân thiết, không cảm thấy lạ lẫm khi về làm dâu nhà chồng.

Ngày nay, lễ cưới của đồng bào Thái tuy đã đơn giản hơn và các bớt thủ tục rườm rà, tuy nhiên hồn cốt, những giá trị tốt đẹp của những phong tục đó vẫn còn được lưu giữ. Các lễ vật tặng gia đình nhà chồng giờ đây cũng đã giảm. Tùy theo điều kiện thực tế của hai bên nội ngoại để chuẩn bị quà. Để tránh mất thời gian và tốn kém khi thực hiện lễ “hăng vắn” và tặng quà, giờ đây người dân thường tổ chức ngay tại nhà chú rể chứ không đón về từng nhà họ hàng như trước đây nữa.

Cho dù cuộc sống đã thay đổi nhưng lễ “hăng vắn” thể hiện được sự tri ân của con cái đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình. Thể hiện tình yêu thương, đoàn kết của cộng đồng người Thái. Đây cũng là sự răn dạy con cái của cha mẹ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mới nhất

x
Lễ làm vía cho cô dâu mới của cộng đồng người Thái Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO