Lịch sử để lại gì cho chúng tôi?

LỊCH SỬ ĐỂ LẠI GÌ CHO CHÚNG TÔI?

Đồng bào

Năm 24 tuổi, tôi xa nhà đi học. Tuần đầu tiên và cả một tháng tiếp theo đó, nhiều lần tôi háo hức chạy ra ban công để xem trực thăng của cảnh sát London đi tuần. Cả ngày và đêm. Lúc đó tôi như chỉ thiếu lũ bạn thơ bé hồn nhiên, những ngày xưa cùng háo hức đuổi theo để hét vang trời, nhìn vật thể bay thần kỳ đó lướt qua bầu trời, rồi xa dần mất hút. Tiếng trực thăng đi vào cả trong giấc ngủ, trong những giấc mơ thời thơ ấu thần kỳ của tôi.

Vài tháng sau, tôi xem cuốn phim tài liệu Last Days in Vietnam của Rory Kennedy. Những phút cuối cùng của bộ phim nhiều day dứt này có đoạn: “…nhiều năm sau, trong đầu tôi thường đột nhiên vang lên âm thanh đó…tôi bật dậy giữa đêm, tưởng trực thăng đang đến đón mình đi…”. Những tâm sự rất thật của một người đàn ông trung niên, đã phải bỏ quê hương ra đi từ những ngày thơ bé và mang theo thứ âm thanh ám ảnh – tiếng trực thăng đi suốt cuộc đời.

Cũng là tiếng trực thăng, cũng những cậu bé tóc đen da vàng 9 -10 tuổi đời, nhưng tại sao cảm xúc của chúng tôi khác nhau như thế? Thật khó để diễn tả cảm xúc của tôi lúc xem đoạn phim đó. Có lẽ là lần đầu tiên tôi hiểu hai tiếng “đồng bào”. Không phải trong những bài học lịch sử chiến thắng oai hùng, trong truyền thống đánh đuổi kẻ thù lẫy lừng của dân tộc.

Tôi hiểu đồng bào tôi, là chẳng có kẻ thù, chẳng có người phía bên kia nào cả. Ở một nơi nào đó xa xôi, có những con người như tôi, chảy chung một dòng máu, chung một tổ tiên trên ban thờ để cúi đầu. Chỉ có điều chúng tôi bị số phận đặt vào những vị trí khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Để rồi vì một sự chia cắt của lịch sử, hạnh phúc giản đơn của người này dường như là bất hạnh không thể lẩn tránh của người kia.

Chiến tranh nghĩa là…

Tôi sinh năm 1991, hoàn toàn không sống qua một ngày chiến tranh nào. Chiến tranh trong tôi là âm thanh ám ảnh của một người mẹ. Đất nước gọi bà là mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi gọi bà là “cố Tường”. Chồng cố Tường là cán bộ tuyên huấn Liên khu 4. Vì một lý do nào đó, tôi không rõ, ông bỏ đi hoạt động và có vợ khác. Mọi chuyện đều do gia đình kể lại. Cố Tường có một người con, học giỏi nhất Thanh – Nghệ Tĩnh thời đó – ông Đương. Ông mất tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người làng đồn, và cả gia đình chúng tôi vẫn thường hi vọng mơ hồ, rằng ông Đương vì học giỏi cho nên được nhà nước chọn làm nhiệm vụ đặc biệt, ông không chết mà hoạt động bí mật, rồi một ngày ông sẽ trở về.

Lúc tôi bắt đầu biết suy nghĩ thì ông bà nội tôi đã đón cố về, làm cho cố một gian nhà để ở gần ông bà tôi. Cố Tường già đi, rồi mù lòa. Cố ở một mình trong sự cô đơn đến cùng cực. Trong cái nắng tháng 7 Nghệ An như thiêu như đốt, mỗi lần gió đưa cửa, tôi vẫn nhớ tiếng cố nói lên như gào: “Đương à con, Đương về đó phải không con”. Suốt ngày và đêm, tiếng cố nói chuyện như gào với bóng hình một người con không trở về. Cố vẫn gọi tên con cho đến những giây phút cuối cuộc đời.

Chiến tranh trong tôi là như thế. Và ở phía bên kia, có lẽ không hề thiếu những bà mẹ như cố Tường của tôi.

Thế hệ may mắn

Tôi nhiều lần tự hỏi những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh của đất nước tôi để đổi lại cái gì ngày hôm nay, hay những người đã không tiếc tuổi trẻ đó ngã xuống với mong ước gì cho thế hệ chúng tôi? Nhiều người chỉ ra đó là hòa bình, là thống nhất. Nhưng đó là đối với đất nước, đối với dân tộc. Còn với bản thân tôi thì sao?

Thế hệ chúng tôi không sinh ra trong chiến tranh, có đủ thời gian hòa bình cần thiết để nhìn chiến tranh một cách bình tâm. Tôi chợt hiểu, những người đã ngã xuống để hôm nay, để chúng tôi trước hết có thể nhìn chính đồng bào mình bằng con mắt không- hận- thù. Lịch sử không phải để phán xét ai đúng, ai sai. Lịch sử để lại cho chúng tôi bài học rằng hãy làm tất cả mọi điều có thể, đừng phí hoài máu của những người đã ngã xuống, đừng bao giờ để bất kỳ một thế lực, một giáo điều nào chia cắt đất nước, chia cắt đồng bào chúng tôi thêm một lần nào nữa.

Những ngày xa nhà, để đủ tiền sinh hoạt, tôi bưng bê quét dọn trong nhiều quán ăn của người Việt, tôi có chú Hùng, sang Anh sau năm 75, hết ca làm lúc 1h sáng thường mang 2 chai bia ra để chú cháu ngồi nghỉ và uống, không cần nói gì với nhau, chú mở Youtube ra nghe những bài hát thời lính của chú. Tôi có chú John, sang Anh năm 79, nói tiếng Việt nghe như người thiểu số, trước khi tôi trở về, chú dặn: cháu về chụp ảnh cho chú xem Hà Nội, xem thành phố Vinh, chú không còn ai thân thích ở Việt Nam, chú muốn xem đồng bào.