Dấu ấn một nhiệm kỳ xây dựng và phát triển

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An (Liên hiệp hội) được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐUB ngày 28/8/1985 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (khi chưa chia tách 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1991). Từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp hội không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng khẳng định vai trò là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn.

RONG nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội đã có bước phát triển nhanh chóng về tổ chức và hội viên. Đầu nhiệm kỳ chỉ có 23 hội thành viên, 4 trung tâm, 2 viện với hơn 70.000 hội viên; đến nay, đã có 26 hội thành viên, 6 trung tâm, 1 viện (giải thể 1 viện do hoạt động không hiệu quả), 1 câu lạc bộ trực thuộc, thu hút 95.599 hội viên, trong đó số hội viên có trình độ cao đẳng trở lên là gần 20.000 người.

Việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; thông tin và phổ biến kiến thức; phát triển cộng đồng và xóa đói, giảm nghèo; động viên phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ; tôn vinh trí thức; hợp tác trong và ngoài nước…

Mô hình trồng nghệ ở xã Tam Hợp (Tương Dương) và trồng chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong).
Mô hình trồng nghệ ở xã Tam Hợp (Tương Dương) và trồng chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong).

Đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Tổ chức hội thảo khoa học góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII; tham gia cùng với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06/NQ/TU ngày 14/12/2016 Nghệ An về khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 60/2014/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 về “Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nghệ An”; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tư vấn, xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 có tính đến năm 2020”; chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Vinh, Sở Tài chính thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Đánh giá chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với một số dự án đặc thù trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; chủ trì, phối hợp với Liên hiệp hội Việt Nam và các chuyên gia Hà Lan xây dựng “Kế hoạch quản lý bền vững các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật gắn với quy hoạch quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 có tính đến năm 2030”.

Liên hiệp hội cũng tham gia phản biện dự án “Hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An” tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An; phối hợp với Liên hiệp hội Hà Tĩnh, Trường Đại học Vinh và Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phản biện toàn diện dự án: “Cống ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trên sông Lam”; chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH và Nhân văn Việt Nam tư vấn đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động xã hội, lập Kế hoạch hành động tái định cư Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi Bắc tỉnh Nghệ An (2010 – 2012) do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ…

Công trình thủy lợi Bản Mồng.
Công trình thủy lợi Bản Mồng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ qua cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường. Một số kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế và trong nước; một số đề tài, dự án nghiên cứu đã phát hiện được các loài cây, con quý hiếm, có giá trị cao, có khả năng phát triển thành hàng hóa của Nghệ An, từ đó làm cơ sở khoa học cho các dự án nghiên cứu triển khai, dự án sản xuất thành hàng hóa như cây trà hoa vàng, cây Mú từn, cây Nưa konjac, sâm Puxalaileng… Đặc biệt, Liên hiệp hội đã phối hợp với Trường Đại học Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc hoàn thành đề tài “Điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Nghệ An, đề xuất giải pháp bảo vệ”.

Diễn đàn của Liên hiệp hội tỉnh là Tập san Khoa học và Ứng dụng được xuất bản mỗi tháng một kỳ với số lượng 1.300 bản/kỳ và gửi cấp miễn phí theo đường bưu điện đến 480 xã, phường, thị trấn (xã thuộc huyện miền núi mỗi xã 3 bản; xã đồng bằng: mỗi xã 2 bản), các sở, ban, ngành trong tỉnh và trao đổi với 63 Liên hiệp hội tỉnh bạn (mỗi đơn vị 1 bản).

Ảnh trái sang, trên xuống: Chè Tuyết shan tại Huồi Tụ, Kỳ Sơn; Cây sâm 7 lá 1 hoa của Công ty Dược Mường Lống; Cây chè hoa vàng ở huyện Quế Phong.
Ảnh trái sang, trên xuống: Chè Tuyết shan tại Huồi Tụ, Kỳ Sơn; Cây sâm 7 lá 1 hoa của Công ty Dược Mường Lống; Cây chè hoa vàng ở huyện Quế Phong.

Hoạt động tôn vinh trí thức, giải thưởng, hội thi của Liên hiệp hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội đã 2 lần chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ bình chọn nhà khoa học, nhà quản lý khoa học tiêu biểu đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ của tỉnh; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhân ngày Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Qua 6 kỳ tổ chức (2014 – 2019) đã thu hút được hàng ngàn hồ sơ tham gia dự thi của các em; ban tổ chức đã lựa chọn hơn 800 sản phẩm/mô hình vào vòng thi chung kết và tiến hành trao thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt giải. Cuộc thi năm 2018 – 2019 vừa qua, ngoài tiền thưởng chính thức theo cơ cấu giải do Ban tổ chức trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả đạt giải, lần đầu tiên sau 6 lần tổ chức, Ban Tổ chức nhận được sự quan tâm, đồng hành, trao thưởng của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh cho các tác giả, nhóm tác giả có mô hình sản phẩm tham gia dự thi thuộc lĩnh vực của mỗi ngành với tổng giá trị phần quà là 37 triệu đồng.

Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi Sáng tạo trong thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh hàng năm.
Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi Sáng tạo trong thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh hàng năm.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh của tỉnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quan trọng xây dựng Nghệ An thành trung tâm khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ, trọng tâm là ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, Liên hiệp hội cần phải tập trung làm tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Công văn số 2893-CV/TU ngày 15/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan Liên hiệp hội; vận động thêm các hội mới tham gia làm thành viên của Liên hiệp hội; rà soát, đánh giá, giải thể các trung tâm trực thuộc hoạt động không hiệu quả; đưa ra khỏi Liên hiệp hội đối với các Hội thành viên vi phạm Điều lệ của Liên hiệp hội; khi có đủ điều kiện sẽ thành lập thêm các ban chuyên môn (Ban Thông tin phổ biến kiến thức và hội viên; Ban Khoa học, Công nghệ và Tư vấn phản biện) để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo. Củng cố các tổ chức hội thành viên và làm tốt công tác hội viên theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ xã hội; các hội thành viên cần thành lập các tổ chức KHCN trực thuộc theo quy định của pháp luật hiện hành để hoạt động đa chức năng: tư vấn, phản biện, giám định xã hội, dịch vụ đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, sản xuất giống cây, con phục vụ các dự án phát triển, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường…; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ của Liên hiệp hội, của các Hội thành viên; có cơ chế chính sách phù hợp để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động, thu hút cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…

Cán bộ hội điều tra đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Cán bộ hội điều tra đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội: Xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới chuyên gia và quy chế sử dụng chuyên gia đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội; tăng cường năng lực cung cấp thông tin và cung cấp chuyên gia thực hiện tư vấn phản biện và giám định xã hội ở cả Trung ương và địa phương.

Chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trước hết là những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chính sách đối với trí thức; đề xuất và huy động đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, chuyên ngành tham gia tích cực xây dựng các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước và góp ý kiến tư vấn, phản biện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các điển hình, mô hình tốt; huy động đội ngũ trí thức tham gia tích cực các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng, đưa tri thức khoa học và công nghệ xuống cơ sở, đến với các tầng lớp nhân dân; tổ chức các hoạt động mạng lưới, tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, giới thiệu điển hình tiên tiến để phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc; tăng cường lồng ghép các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với hoạt động tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức cho nhân dân; hình thành và phát triển cổng thông tin điện tử của Liên hiệp hội và các Hội thành viên.

Hỗ trợ cộng đồng trồng rừng ngập mặn tại xã Diễn Bích (Diễn Châu).
Hỗ trợ cộng đồng trồng rừng ngập mặn tại xã Diễn Bích (Diễn Châu).

Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Tổ chức các nghiên cứu khoa học theo hướng xây dựng các đề án lớn, thu hút, tập hợp nhiều hội thành viên và đơn vị trực thuộc tham gia, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội các vấn đề hệ trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng của tỉnh. Tăng cường năng lực, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện tốt các dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao như cấp chứng chỉ hành nghề, hỗ trợ pháp lý, dịch vụ đo lường, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thứ sáu, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tổ chức quốc tế, các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thu hút nguồn lực phục vụ các hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên.

Với tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Năng động – Phát triển”, Liên hiệp hội Nghệ An và các Hội thành viên, các đơn vị trực thuộc, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Liên hiệp lần thứ VI đề ra, xây dựng Liên hiệp hội mạnh về mọi mặt góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh khá của cả nước./.