Liên kết - giải pháp hiệu quả trong chăn nuôi lợn

10/05/2017 15:15

(Baonghean) - Trước thực trạng thị trường đầu ra cho sản phẩm lợn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất cập như hiện nay thì liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi được coi là giải pháp tốt.

Còn băn khoăn trong phối hợp chăn nuôi?

Bắt đầu “vào” Nghệ An từ năm 2013, đến nay Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam phát triển được trên địa bàn tỉnh 11 trang trại nuôi gia công, trong đó chỉ có 2 trang trại chăn nuôi lợn, một ở huyện Thanh Chương và một ở huyện Nghĩa Đàn với quy mô 7.000 con lợn thịt và 6.000 con lợn nái.

Ông Nguyễn Hữu Thuyết, Quản lý khu vực Nghệ An của Công ty này cho biết: Trong hình thức liên kết này, công ty ký hợp đồng với các chủ trang trại đáp ứng được các điều kiện về diện tích đất, chuồng trại để liên kết nuôi gia công.

Người chăn nuôi chỉ cần bỏ vốn xây dựng chuồng trại, Công ty cung cấp tất cả các điều kiện cần thiết trong cả quá trình nuôi như giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra. Với hợp đồng được ký ổn định 5 năm/lần, chủ trang trại nuôi gia công được nhận 3.500 đồng/kg tăng trọng.

Trang trại chăn nuôi khép kín của Công ty Đại Thành Lộc ở Nam Đàn. Ảnh: Châu Lan
Trang trại chăn nuôi khép kín của Công ty Đại Thành Lộc ở Nam Đàn. Ảnh: Châu Lan

Đây là một cách làm khá khả thi trong giai đoạn hiện nay. Người chăn nuôi có thể yên tâm, không phải lo lắng, chịu áp lực về biến động giá của thị trường, không phải tự mình tìm “đầu ra” cho sản phẩm lợn vốn rất bấp bênh và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình liên kết này giữa người dân và doanh nghiệp hiện vẫn còn ở quy mô hẹp, khó phát triển. Theo ông Nguyễn Hữu Thuyết, khó khăn đầu tiên cản trở mô hình này phát triển, đó là nguồn vốn và diện tích đất để xây dựng chuồng trại. Để nhận nuôi gia công, quy mô tối thiểu phải là từ 1.000 con lợn, đòi hỏi diện tích đất tập trung khoảng 1 ha và số vốn xây dựng chuồng trại trên 1 tỷ đồng.

Đây là những điều kiện mà không phải hộ gia đình nào cũng đáp ứng được. “Chúng tôi dự định phát triển hệ thống liên kết này lên các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Nghĩa Đàn, Con Cuông, Thanh Chương… nhưng để làm được, rất cần sự ủng hộ và đồng hành của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn cho người dân”.

Liên kết phát triển trong nông nghiệp hiện vẫn còn rất ít và cả trong chăn nuôi cũng vậy. Trong liên kết vẫn bộc lộ những hạn chế. Đó là nhiều hộ chăn nuôi lợn vẫn mong muốn có hình thức liên kết khác với doanh nghiệp cùng chung hưởng lợi nhuận chứ không mặn mà với nuôi gia công cho doanh nghiệp do mức lợi nhuận khá thấp so với nuôi bán bình thường. Xây dựng trang trại nuôi lợn từ năm 2006, thời điểm bình thường, trong chuồng lợn của ông Nguyễn Văn Lợi, xóm Phương Đình, xã Đồng Văn, Thanh Chương thường xuyên có khoảng 500 con lợn, hiện tại vẫn còn gần 270 con lợn thịt, 30 con nái.

Từ đội ngũ thương lái, lợn của ông hoặc được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa. Theo ông, gần 1 năm nay lợn chủ yếu bán nội địa vì giá bán cao hơn đưa sang Trung Quốc. “Vốn đã xây dựng được mối quan hệ với các thương lái nên hầu như lợn của tôi không bị ế, thậm chí họ vẫn mua cao hơn giá thị trường vài giá.

Từ gần cuối năm ngoái đến nay, giá lợn rớt thê thảm, hiện chỉ còn ở mức trên 20.000 đồng/kg hơi”. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề liên kết nuôi gia công, ông Lợi thẳng thừng từ chối vì cho rằng liên kết theo hình thức đó “tuy an toàn hơn nhưng lợi nhuận lại thấp, điều kiện ràng buộc khá khắt khe”. Để tham gia vào hệ thống chăn nuôi gia công, nông dân còn cần có vốn để xây dựng chuồng trại.

Cho lợn ăn tại trại lợn của Công ty Tiến Thành, Yên Thành.
Cho lợn ăn tại trại lợn của Công ty Tiến Thành, Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Trong quá trình sản xuất, hộ nuôi gia công sẽ cung cấp lao động, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi. Công ty CP có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vắc-xin đến hộ gia công. Sau đó hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật cho bà con, thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công theo kết quả chăn nuôi của chủ hộ.

Trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, liên kết chăn nuôi gia công giữa doanh nghiệp và trang trại là một giải pháp an toàn cho những người có vốn và mặt bằng, đòi hỏi người chăn nuôi phải chăn nuôi số lượng lớn thì mới hiệu quả.

Liên kết là tất yếu

Ngoài việc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư hỗ trợ các trang trại thì trên địa bàn tỉnh, có một số công ty liên kết chăn nuôi lợn khá hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp. Công ty Thức ăn Thái Dương thành lập trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, mở rộng sản xuất bằng việc liên kết với một số hộ chăn nuôi ở huyện Đô Lương, Nghi Lộc, đến nay đã có 2 trang trại liên kết chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản.

Một doanh nghiệp tư nhân dù mới thành lập nhưng cũng đã đi theo hướng này là Doanh nghiệp Nguyễn Văn Thành, xã Tân Thành, Yên Thành. Bắt đầu phối hợp với một số hộ chăn nuôi ở Yên Thành, Diễn Châu từ năm 2013, đến nay đã có 3 trang trại liên kết chăn nuôi lợn thịt. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, chi phí điện nước, nhân công, xử lý môi trường; doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin và hỗ trợ đầu ra, trả công cho người chăn nuôi.

Còn tại Nam Đàn, từ năm 2000, Công ty TNHH Đại Thành Lộc (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện cam kết đầu tư theo lời mời của lãnh đạo tỉnh, đã đầu tư tại xã Nam Hưng một trang trại lợn quy mô lớn nhất Nghệ An và cả vùng Bắc Trung bộ. Trại chăn nuôi có quy mô 26 ha, nằm biệt lập với khu dân cư, đi vào hoạt động từ năm 2013, tổng đàn 2.400 con lợn nái sinh sản, mỗi tháng xuất chuồng 5.200 lợn con.

Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hà Trung ở Nam Đàn. Ảnh: Kim Dung (Đài Nam Đàn)
Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hà Trung ở Nam Đàn. Ảnh: Kim Dung

Trang trại thành công nhờ liên doanh với hãng thức ăn chăn nuôi CP của Thái Lan. Tại đây lợn được ở trong môi trường tiêu chuẩn với nhiệt độ ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, nước thải được xử lý qua hệ thống 7 hồ lắng, lọc. Sau đó trang trại bán con giống cho các trại chăn nuôi nhỏ trong vùng.

Theo ông Lê Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chủ trương khuyến khích, ủng hộ các trang trại có điều kiện đầu tư chăn nuôi quy mô lớn liên kết với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất được các cấp ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng. Đây là hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi để phát triển bền vững.

Cách làm này hướng tới sản xuất sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh ATTP và năng suất chăn nuôi cao. Thông qua cách làm này, người nông dân có cơ hội tiếp cận những cách làm hiện đại, nắm chắc kỹ thuật thông qua việc hướng dẫn và chuyển giao từ đội ngũ kỹ sư, bác sĩ thú y của các công ty, doanh nghiệp và yên tâm sản xuất chăn nuôi, không phải quá lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Liên kết - giải pháp hiệu quả trong chăn nuôi lợn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO