Liên ngành đề xuất giải pháp tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và án hình sự

Hoài Thu 05/05/2022 11:09

(Baonghean.vn) - Các ngành: Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra thảo luận, thống nhất ký kết phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết án hình sự.

Sáng 5/5 diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế số 01/QCPH-LN phối hợp 9 ngành về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; Quy chế số 02/QCPH-LN về phối hợp 3 ngành trong giải quyết án hình sự.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh có các đồng chí: Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; các Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh: Tôn Thiện Phương - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Trần Ngọc Sơn - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Tham dự tại điểm cầu cấp tỉnh, huyện có đại diện lãnh đạo các cấp ngành: Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra.

Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh. Ảnh: Hoài Thu

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHỐI HỢP

Hội nghị đánh giá tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm chủ yếu vẫn tập trung vào các tội phạm về ma túy (bình quân chiếm 40,3%), một số vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, các đối tượng thường liều lĩnh, manh động, sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó còn xảy ra các loại tội phạm lừa đảo qua Internet, thông qua hình thức nhận tiền đưa người đi lao động tại nước ngoài và xin việc vào các cơ quan Nhà nước, “tín dụng đen”, mua bán người, tội phạm kinh tế liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản...

Từ 24/3/2018 đến nay, các cơ quan đã tiếp nhận 14.472 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó, tố giác về tội phạm: 3.247 tin; tin báo về tội phạm: 9.359 tin; kiến nghị khởi tố: 37 tin. Kết quả phân loại, xử lý: 14.217 tin. Trong đó: Khởi tố hình sự: 10.132 tin. Không khởi tố: 3.280 tin (trong đó xử lý hành chính 2.048 tin), chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 171 tin. Tạm đình chỉ: 32 tin. Đình chỉ 02 tin. Đang giải quyết: 255 tin.

Hội nghị đã đánh giá những ưu điểm, tồn tại hạn chế, phân tích nguyên nhân trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Theo đó, lưu ý khắc phục các tồn tại như việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ngành trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời. Các cơ quan liên ngành có lúc chưa thực hiện kịp thời quy chế về thông báo và cung cấp số liệu, báo cáo bằng văn bản tình hình, kết quả việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Lực lượng chức năng Nghệ An thực hiện các bước khởi tố, bắt giam cán bộ vi phạm. Ảnh tư liệu

Việc phối hợp liên ngành trong triển khai các văn bản pháp luật có quy định về sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan; tổ chức tập huấn nghiệp vụ liên quan đến việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cần thực hiện kịp thời hơn.

Cũng tại hội nghị, 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án cũng đánh giá sơ kết 3 năm 6 tháng thực hiện Quy chế số 02/QCPH-LN ngày 23/4/2018 về giải quyết án hình sự. Trong đó, các ngành chú trọng đánh giá, thống nhất tăng cường phối hợp các nội dung về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp khám xét; phối hợp trong khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử án hình sự.

Theo đánh giá tại hội nghị, nhìn chung, những tin báo có nội dung phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được lãnh đạo các ngành kịp thời chỉ đạo giải quyết. Trước khi kết thúc việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, hai ngành Công an, Viện Kiểm sát đã có công văn trao đổi, thống nhất đánh giá tài liệu chứng cứ và hướng giải quyết. Do đó, việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án đều có căn cứ, đúng pháp luật và đã hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các ngành tăng cường công tác phối hợp, thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp. Ảnh: Hoài Thu
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các ngành tăng cường công tác phối hợp, thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp. Ảnh: Hoài Thu

Sau khi Quy chế 01/QCPHLN có hiệu lực thi hành, các đơn vị tham gia ký kết quy chế đều thực hiện nghiêm túc trong việc quán triệt nội dung Quy chế đến các phòng nghiệp vụ có liên quan, đảm bảo 100% cán bộ, công chức trong đơn vị nắm vững nội dung Quy chế. Một số đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong đó lồng ghép nội dung thực hiện quy chế phối hợp như công văn tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm; kế hoạch về biên tập, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật liên quan đến công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra án hình sự...

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP

Ngoài đánh giá, tổng kết, các ngành đã có 10 ý kiến phát biểu, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm công tác, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm.

Để tăng hiệu quả phối hợp giữa 9 ngành, hội nghị đề xuất một số giải pháp, kiến nghị như duy trì giao ban giữa các ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc; tăng cường trao đổi thông tin, thống kê, báo cáo và kiến nghị liên quan. Cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để nắm bắt đầy đủ, kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

9 ngành ký kết quy hế phối hợp. Ảnh: Hoài Thu
9 ngành ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: Hoài Thu

Trong công tác tổ chức thực hiện, liên ngành cần sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp cho phù hợp với một số nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017 của liên ngành Tư pháp Trung ương. Đồng thời chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện chủ trì, phối hợp Viện Kiểm sát cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

Hội nghị cũng đề nghị các ngành cấp trên quan tâm công tác tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên làm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án ký quy chế phối hợp trong giải quyết án hình sự. Ảnh: Hoài Thu
Ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án ký quy chế phối hợp trong giải quyết án hình sự. Ảnh: Hoài Thu

Tại hội nghị, các cơ quan liên ngành đã ký kết Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCPHLN ngày 23/4/2018 thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; Quy chế 02/QCPHLN ngày 23/4/2018 giữa Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh về phối hợp giải quyết án hình sự.

Mới nhất

x
Liên ngành đề xuất giải pháp tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và án hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO