Liên tiếp phóng vật thể, Triều Tiên lại muốn gây hấn?
(Baonghean) - Chỉ trong vòng 1 tuần qua, CHDCND Triều Tiên đã bắn liên tiếp các vật thể bay không xác định, khiến dư luận khu vực lại được phen “dậy sóng”.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vụ phóng này nằm trong khuôn khổ hoạt động tập trận bắn đạn thật của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, thông qua việc sử dụng các bệ phóng tên lửa đa nòng và những tuyên bố đáp trả cứng rắn của phía Triều Tiên những ngày qua, dường như Bình Nhưỡng lại đang muốn khuấy động các cuộc đàm phán vốn đang bị đình trệ suốt thời gian qua.
Gây sức ép
Ngày 3/3, hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin xác nhận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát cuộc diễn tập pháo binh tầm xa hôm 2/3 đồng thời xác nhận, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ phóng đầu tiên trong năm nay. Đến ngày 9/3, Triều Tiên lại được cho là đã bắn 3 vật thể chưa xác định ra biển Nhật Bản. Liên tiếp 2 vụ phóng trong vòng chưa đầy 1 tuần đã đủ khiến cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế một lần nữa dậy sóng sau 2 tháng có phần yên ả.
Người dân Seoul, Hàn Quốc xem tin tức về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Nhìn lại trong thông điệp mừng năm mới 2020, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lời đe dọa, cảnh báo sẽ tung ra một loại vũ khí chiến lược mới dành tặng cho Mỹ trong tương lai gần, nếu Washington không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoặc tỏ ra thiện chí hơn trong các cuộc đàm phán. Theo giới chuyên gia, "vũ khí chiến lược" này có thể là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Bất chấp Hàn Quốc và Mỹ vừa qua đã hủy vô thời hạn cuộc tập trận thường niên mùa Xuân mà Triều Tiên lên án là cuộc tập dượt xâm lược, các vụ phóng mới nhất có lẽ không đơn giản chỉ nằm trong khuôn khổ cuộc diễn tập bắn đạn thật của nước này.
Trong bối cảnh vừa tròn 1 năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, có ý kiến cho rằng, các cuộc phóng thử mới của Triều Tiên muốn nhắc nhớ cho Mỹ và các nước liên quan về các cuộc đàm phán bế tắc, dẫm chân tại chỗ. Bình Nhưỡng cũng đang muốn thử phản ứng của các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế về một vũ khí chiến lược mà nước này đã cảnh báo.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận hôm 29/2. Ảnh: Reuters |
Chưa hết, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên là Kim Yo- jong lần đầu tiên đã lên tiếng cảnh báo, việc Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận của Bình Nhưỡng hôm 2/3 là thiếu tôn trọng. Và rằng, hoạt động của Triều Tiên không nhằm đe dọa bất cứ đối tượng nào. Bình luận về việc hủy tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, bà cũng khẳng định, quyết định này được đưa ra do lo ngại về dịch bệnh Covid-19, chứ không xuất phát từ mong muốn xây dựng hòa bình.
Có thể thấy, kể từ khi xuất hiện đến nay, đây là lần phát biểu công khai đầu tiên của bà Kim Yo-jong nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến cả Hàn Quốc và Mỹ. Bởi dư luận vẫn biết, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un vốn có quan điểm ôn hòa, giữ mối quan hệ thân thiện với Seoul. Giới quan sát cho rằng, một mặt, Bình Nhưỡng muốn thể hiện sự mất kiên nhẫn trong tiến trình đàm phán nhưng một mặt cũng nhắm tới một bước đi chính trị trong nước, khi muốn tăng dần sự ảnh hưởng, tiếng nói và vị trí của bà Kim Yo- jong trong bộ trong bộ máy chính trị nước này.
Chiến lược im lặng
Thực tế, các động thái mới nhất của Triều Tiên hoàn toàn dễ hiểu, khi bất chấp đưa ra nhiều lời đe dọa, phía chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chẳng mảy may đoái hoài. Mới đây, sau vụ phóng thử hôm 2/3 của Triều Tiên, khi được hỏi về phản ứng của Mỹ, ông Donald Trump đơn giản chỉ đáp lại là: “Không!” và “Không phản ứng gì!”. Chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó còn cho rằng, ông Trump đang muốn giữ chiến lược “Im lặng” trước mọi vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Thực tế, trong giai đoạn các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra nóng bỏng với đảng Dân chủ để tìm ra ứng viên duy nhất cho màn trình diễn cuối cùng vào tháng 11, Tổng thống Donald Trump dường như có phần rảnh rang hơn. Bởi hiện nay, ông Trump đã không có đối thủ trong nội bộ đảng Cộng hòa mà dồn sức cho trận chiến với ứng viên phe Dân chủ vào cuối năm.
Những cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ còn là trong quá khứ. Ảnh: White House |
Trong bối cảnh đó, việc “giữ êm” vấn đề Triều Tiên sẽ là điều đặc biệt được ưu tiên để nắm chắc sự ủng hộ của cử tri, góp phần đảm bảo cho một chiến thắng cuối cùng. Bởi thế, bất chấp Triều Tiên có liên tục gia tăng sức ép, có lẽ Tổng thống Mỹ sẽ khó lòng có một bước đột phá về vấn đề Triều Tiên trong năm nay. Nhưng ở một góc độ khác, Mintaro Oba, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc tại Triều Tiên phân tích, phản ứng của ông Trump chẳng qua đang phản ánh một một lỗ hổng to lớn trong chính sách ứng phó với Triều Tiên của Mỹ!
Về phần mình, như thường lệ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có những phản ứng đầu tiên. Hiện quân đội Hàn Quốc đang được duy trì ở trạng thái sẵn sàng trực chiến, bám sát tình hình, đề phòng khả năng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thêm các vụ phóng. Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng yêu cầu thu thập đầy đủ và phân tích thông tin về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn các chuyến bay và tàu thuyền đi lại trên biển, chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất ngờ.
Bộ 3 Mỹ - Hàn - Triều nhiều duyên nợ. Ảnh: Daily Beast |
Tuy nhiên, với Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in còn đang đứng trước cuộc tổng tuyển cử - phép thử quan trọng vào tháng 4 tới đây, cộng thêm mối bận tâm về dịch bệnh đã chiếm phần lớn thời gian và tâm sức. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và cả Mỹ cũng đang quá bận rộn với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh như vậy, có ý kiến lại cho rằng, đây có thể là mục đích khác của Triều Tiên khi thực hiện các vụ phóng gần đây. Đó là vừa thể hiện cam kết sẽ hiện thực hóa loại vũ khí mới, vừa ra đòn gây sức ép với các nước liên quan nhưng cũng không khiến các nước phản ứng quá mức khiến tình hình quá căng thẳng, gây bất lợi cho đàm phán!.