Liệu Mỹ có thể bảo vệ các đồng minh châu Á trước mối đe dọa Triều Tiên?
(Baonghean.vn) - Giới chuyên gia nhận định việc Triều Tiên có thể phóng tên lửa bay qua Nhật Bản đã dấy lên hoài nghi về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh trong khu vực, cũng như thiếu đi bất kỳ “ranh giới đỏ” nào.
Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung. Ảnh: Reuters |
Chuyên gia Shihoko Goto của Trung tâm nghiên cứu Wilson nhận định mặc dù Mỹ chỉ trích vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, song chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tránh việc đưa ra tuyên bố rõ ràng về giới hạn khiêu khích mà Triều Tiên không được phép vượt qua.
Bà Goto nêu rõ: “Không có ranh giới đỏ nào được vạch ra quy định khi nào Mỹ can thiệp quân sự để bảo vệ Nhật Bản, mặc dù đã có sự tái đảm bảo của chính quyền Tổng thống Trump đối với quan hệ đồng minh lâu đời”.
Bà Goto nhấn mạnh vụ phóng thử tên lửa thành công hôm 29/8 của Triều Tiên rõ ràng là hành động đe dọa Nhật Bản, cho thấy lãnh đạo Triều Tiên có thể nhận ra tình trạng dễ thay đổi trong giới lãnh đạo Mỹ và tận dụng điều này.
Chuyên gia này khẳng định: “Triều Tiên chắc chắn đang tận dụng sự bất ổn trong khu vực, đặc biệt là cam kết của Mỹ đối với hòa bình ở châu Á. Sự bất ổn khu vực sẽ tiếp tục và điều này sẽ làm gia tăng vị thế của Bình Nhưỡng”.
Tuy nhiên, bà Goto nhấn mạnh vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên sẽ không làm suy yếu mối quan hệ an ninh giữa Nhật Bản với Mỹ, mà thay vào đó sẽ tăng cường mối quan hệ này.
Thêm vào đó, bà Goto giải thích Tokyo cũng đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc và Nga cùng gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng. Song Trung Quốc không thể hợp tác bởi mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc với Mỹ, và Bắc Kinh coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hành động khiêu khích trực tiếp đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Crispin Rovere, chuyên gia về kiểm soát vũ khí và chính sách hạt nhân của Australia, nhận định Triều Tiên mong muốn làm suy yếu lòng tin của Nhật Bản vào khả năng và quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh lâu đời này.
Ông Rovere cho rằng: “Bằng việc phóng tên lửa, Bình Nhưỡng đang gửi thông điệp tới Nhật Bản rằng ngưỡng xung đột của Mỹ khác với ngưỡng xung đột mà Mỹ vạch ra cho các đồng minh nước này. Ví dụ như Mỹ sẽ không chấp nhận các tên lửa bay qua Hawaii”.
Triều Tiên mong muốn làm suy yếu lòng tin của Nhật Bản vào sự bảo vệ của Mỹ. Ảnh: AP |
Theo chuyên gia này, sự phát triển liên tục năng lực tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump sẽ sớm đưa ra lựa chọn chiến lược mạnh mẽ, vốn bị trì hoãn bởi các Tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton, George Bush và Barack Obama.
Theo đó, một khi Triều Tiên chứng tỏ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đủ tầm vươn tới Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ đối mặt với một lựa chọn cứng rắn trực tiếp: chấp nhận sự tổn thương do Triều Tiên gây ra, hoặc tham gia cuộc xung đột lớn trên bán đảo Triều Tiên”.
Theo ông Rovere, Triều Tiên đang tính toán rằng Mỹ sẽ không ủng hộ quan điểm về một cuộc chiến lớn trên bán đảo Triều Tiên, do đó nước này tự tin Washington sẽ không viện tới các lựa chọn quân sự đáng tin cậy. Tuy nhiên ông Rovere lại nhận định đây là một tính toán sai lầm.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, chính trị gia Mỹ lo ngại về các hậu quả dài hạn của việc cho phép một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, do đó không thể hoàn toàn loại trừ khả năng Washington và các đồng minh thực hiện các hành động quân sự phủ đầu đầy rủi ro chống lại Bình Nhưỡng./.
Lan Hạ
(Theo Sputnik)