Lindsay Hoyle - Nhân tố mới trong 'vở kịch Brexit'

Thúy Ngọc 08/11/2019 08:34

(Baonghean) - Một ngày trước khi giải tán để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 12/12 tới, Quốc hội Anh đã có một sự thay đổi quan trọng, đó là bầu ông Lindsay Hoyle làm Chủ tịch Hạ viện mới thay cho ông John Bercow. Nước Anh đang quay cuồng trong hỗn loạn mang tên Brexit, Chủ tịch Hạ viện không đơn thuần là một chức danh, mà là một vị trí rất quan trọng trong điều phối các ý kiến tranh cãi trái chiều trong Hạ viện, quyết định việc Anh có thể rời Liên minh châu Âu một cách có trật tự hay không.

Chờ đợi sự khác biệt

Trong suốt những tháng qua, dư luận đã quá quen thuộc với bầu không khí lúc nào cũng “nóng hừng hực” trong các phiên họp của Quốc hội Anh, nơi các nghị sĩ sẵn sàng tranh cãi, đấu khẩu nảy lửa khiến Chủ tịch Hạ viện John Bercow liên tục phải rung chuông và hét lên “Trật tự!”.

Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ông John Bercow xin từ chức và ông Lindsay Hoyle được bầu làm người kế nhiệm, người ta đã nói rằng ông Lindsay Hoyle sẽ đảm nhiệm một “chiếc ghế nóng”.

Ông Lindsay Hoyle phát biểu nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Anh. Ảnh: ABC News
Ông Lindsay Hoyle phát biểu nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Anh. Ảnh: ABC News

Sự thay đổi cục diện sâu sắc trong nền chính trị nước Anh thời gian gần đây đã khiến vị trí Chủ tịch Hạ viện được chú ý hơn bao giờ hết, bởi đây là nhân vật phải dung hòa mọi ý kiến trái chiều, đảm bảo các quyết định lớn của đất nước được thực thi một cách suôn sẻ.

Đây chính là điều khiến ông John Bercow gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng cuối nhiệm kỳ, và ông Lindsay Hoyle được chờ đợi sẽ mang lại sự khác biệt. Bản thân ông Lindsay Hoyle cũng nhận rõ đây là một thách thức vô cùng lớn, vì vậy trong bài phát biểu nhậm chức, ông đã cam kết sẽ mang tới “sự tôn trọng và khoan dung” trong phòng họp của Hạ viện, nơi mọi cuộc tranh luận sẽ được thực hiện một cách có trật tự.

Nhiều nghị sĩ Anh đã bày tỏ sự tin tưởng vào lời cam kết này của ông Lindsay Hoyle dựa trên hai yếu tố quan trọng là sự điềm tĩnh và khách quan - điều mà người tiền nhiệm John Bercow bị đánh giá là còn thiếu.

Sinh năm 1957 tại hạt Lancaster, Lindsay Hoyle không phải là cái tên xa lạ trong giới chính trị gia ở xứ sở sương mù. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu khá sớm khi ông được bầu làm thành viên Hội đồng thị trấn Chorley ở hạt Lancaster ở tuổi 22. Năm 1997, ông đã trở thành nghị sĩ đảng Lao động trong Hạ viện và nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch Hạ viện từ năm 2010 đến nay.

Ông Lindsay Hoyle nổi tiếng là người điềm tĩnh và yêu động vật. Ảnh: Sky News
Ông Lindsay Hoyle nổi tiếng là người điềm tĩnh và yêu động vật. Ảnh: Sky News

Những đồng nghiệp quen biết ông đều nhận xét rằng, ông là một người đàn ông điềm tĩnh, giàu tình cảm và luôn dành tình yêu đặc biệt cho các loài thú cưng. Nếu ông John Bercow gây ấn tượng sâu sắc với hình ảnh rung chuông và liên tục hét lớn “Trật tự!” trong các phiên tranh luận của Hạ viện, người ta chờ đợi ông Lindsay Hoyle sẽ mang lại sự trật tự đó cho phòng họp của Hạ viện theo một cách khác - ôn hòa hơn.

Các nghị sĩ Anh vẫn chưa quên một “sự cố” trong phiên họp Quốc hội hồi năm 2017, khi các thành viên đảng Dân tộc Scotland (SNP) hát vang quốc ca của Liên minh châu Âu để phản đối Brexit. Ông Hoyle khi đó đã nhanh chóng giải quyết “sự cố” khi nói rằng “Việc lắng nghe một dàn hợp xướng cũng rất tuyệt, nhưng không phải trong căn phòng này, bởi có thể có người muốn lắng nghe một giai điệu khác!”.

Về mặt lập trường chính trị, ông Lindsay Hoyle cũng được đánh giá là giữ vững tinh thần trung lập kể từ khi được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện - một yếu tố càng được coi trọng khi ông chính thức trở thành Chủ tịch Hạ viện. Vì vậy, giới chính trị gia Anh cho rằng ông Lindsay Hoyle sẽ ít đưa ra những quyết định gây tranh cãi so với người tiền nhiệm.

Ông Lindsay Hoyle chưa từng tuyên bố lập trường cá nhân về Brexit. Ảnh: BBC
Ông Lindsay Hoyle chưa từng tuyên bố lập trường cá nhân về Brexit. Ảnh: BBC

Sứ mệnh khó khăn

Một điều rất đặc biệt của ông Lindsay Hoyle là cho tới tận thời điểm này, khi mà cuộc trưng cầu ý dân về việc ra khỏi EU của Anh đã diễn ra được hơn 3 năm, vẫn không ai biết ông đã từng lựa chọn “Ở lại” hay “Ra đi” trong lá phiếu của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với ông John Bercow. Ông John Bercow từng công bố việc mình lựa chọn “Ở lại”, và ông đã bị chỉ trích rất nhiều khi thể hiện sự thiếu công bằng khi điều hành các phiên họp của Quốc hội theo hướng có lợi cho phe thân EU, dù rằng cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hạ viện đều không được tham gia vào các phiên bỏ phiếu của Quốc hội.

Chỉ ít ngày sau khi từ chức, ông John Bercow cũng đã thẳng thắn nhận định rời khỏi EU là một quyết định tệ hại nhất của nước Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự thiên vị của ông John Bercow thể hiện qua hàng loạt quyết định như 2 lần ngăn cản không cho Thủ tướng Boris Johnson đưa kế hoạch Brexit ra bỏ phiếu, để Quốc hội giành quyền kiểm soát Brexit của chính phủ trong vòng 1 ngày, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Anh.

Vì vậy, ở thời điểm mọi vấn đề của nước Anh đều đang xoay quanh câu chuyện Brexit, việc giữ kín quan điểm cá nhân là một cách để ông Lindsay Hoyle thực thi nhiệm vụ của mình một cách công tâm hơn, thuyết phục hơn đối với các nghị sĩ.

Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh ở thủ đô London. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh ở thủ đô London. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, Hạ viện Anh luôn trong tình trạng không có đảng nào giành được thế đa số trong Quốc hội. Cuộc bầu cử sắp tới cũng chưa chắc đã thay đổi được tình trạng này, và điều đó khiến Chủ tịch Hạ viện có vai trò rất quan trọng trong đối với các kịch bản Brexit trong tương lai.

Nhiều người nhận định rằng, giám sát, điều hành hoạt động của Quốc hội Anh trong vấn đề Brexit thực sự là một sứ mệnh khó khăn mà ông Lindsay Hoyle phải đối mặt ngay trong những ngày đầu nhậm chức bởi chắc chắn những cuộc tranh luận nảy lửa sẽ chưa dừng lại. Trong trường hợp đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson không giành lại được thế đa số tại Quốc hội, tình hình với ông Hoyle sẽ càng khó khăn bởi khi đó, các đảng đều sẽ ra sức thúc đẩy các kịch bản theo mong muốn của mình, không loại trừ khả năng tiến hành trưng cầu ý dân lại, thậm chí hủy bỏ Brexit.

Lindsay Hoyle quotes

Theo quy định của Anh, ông Lindsay Hoyle sẽ phải từ bỏ tư cách thành viên Công đảng của mình để thể hiện sự trung lập trong mọi vấn đề, kể cả Brexit. Ở thời điểm này, khi Quốc hội Anh đã bị giản tán, khi thành viên tất cả các đảng đều đang dồn sức cho trận chiến lớn là cuộc bầu cử ngày 12/12 sắp tới, ông Lindsay Hoyle dường như đang là người nhàn rỗi nhất, không vướng bận họp cũng không vướng bận tranh cử.

Nhưng một khi Quốc hội Anh họp trở lại sau khi cuộc bầu cử có kết quả, chắc chắn “chiếc ghế nóng” Chủ tịch Hạ viện sẽ bị đẩy lên “tiền tuyến”. Vì thế, đằng sau vẻ nhàn rỗi bên ngoài, có lẽ ông Lindsay Hoyle đang tích cực chuẩn bị những kịch bản cho riêng mình để có thể thực hiện lời hứa “để Quốc hội Anh tiếp tục là hình mẫu cho các Nghị viện khác trên thế giới”.

Mới nhất

x
Lindsay Hoyle - Nhân tố mới trong 'vở kịch Brexit'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO