Linh mục Nguyễn Đình Thục tường trình sai sự thật

20/07/2012 09:52

(Baonghean) - Cũng như các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo luôn hướng các tín đồ của mình giữ vững đức tin và lòng khoan dung, bác ái. Hay nói cách khác, lòng bác ái và khoan dung là kim chỉ nam cho tất cả các tín đồ Thiên Chúa giáo.

Trong Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (27/6/2009) có đoạn: “Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, thì mỗi gia đình công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa. Về phần họ, bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Thực tế ở Việt Nam, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của dân tộc đều có nhiều giáo dân, giáo sỹ và tu sỹ tham gia một cách năng động, tích cực và có những đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, các tổ chức Công giáo yêu nước được thành lập như Ủy ban Liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc (1955- 1983), Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam (từ 1983 đến nay). Chính phong trào yêu nước của người Công giáo đã tạo nên tiền đề quan trọng cho việc xây dựng đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” được ghi trong bức Thư chung nổi tiếng năm 1980 và các thư chung sau này của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Vậy nhưng, vào ngày 1/7 vừa qua, một sự cố đáng tiếc đã xẩy trên địa bàn xã Yên Khê (Con Cuông). Đó là việc xô xát giữa bà con giáo dân Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) và người dân xã Yên Khê, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc truyền đạo và tổ chức các hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn. Sự việc này đã gây nên tình hình căng thẳng trong đời sống xã hội và gây ra những hiểu lầm không đáng có trong bà con lương giáo vốn rất hòa thuận, đoàn kết.

Sự việc sẽ còn diễn ra phức tạp, nóng bỏng hơn nữa nếu như không có sự trở về từ nước ngoài của Đức cha Nguyễn Thái Hợp - Giám mục đương nhiệm Giáo phận Vinh vào rạng sáng ngày 14/7/2012. Bằng uy tín và tài đức của mình, Đức Giám mục đã làm cho không khí đỡ phần căng thẳng và chuyển biến theo xu hướng tích cực.

Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp là Tiến sĩ Thần học, từng giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới, có nhiều công trình nghiên cứu và giữ những chức phẩm quan trọng trong giáo hội. Với khẩu hiệu “Sự thật và tình yêu”, Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp đang gặt hái được những thành công trên con đường đến với Đức Chúa Trời thiêng liêng.

Trong buổi sáng Chủ nhật ngày 15/7/2012, có mặt tại nhà thờ Cầu Rầm, chúng tôi được nghe toàn bộ Bản tường trình sự việc xẩy ra tại Con Cuông ngày 1/7/2012 của linh mục Nguyễn Đình Thục gửi Đức Giám mục Giáo phận Vinh đọc trong buổi lễ.

Là những người có mặt tại Yên Khê chứng kiến nhiều buổi hành lễ trái pháp luật của các linh mục Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) tại nhà riêng bà Minh (Thị trấn Con Cuông) và sau này là nhà ông Phạm Thế Trận (bản Trung Hương, xã Yên Khê, Con Cuông) cũng như chứng kiến sự việc xảy ra ngày 1/7/2012, chúng tôi khẳng định: Những lời trong bản tường trình của linh mục Nguyễn Đình Thục là thiếu trung thực.

Với trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi xin chỉ ra những điểm thiếu trung thực trong bản tường trình này để đông đảo bà con giáo dân cũng như lương dân và dư luận quan tâm hiểu bản chất sự việc:

 Linh mục Nguyễn Đình Thục hành lễ tại sân nhà riêng ông Phạm Thế Trận bản Trung Hương, xã Yên Khê, Con Cuông ngày 1/7/2012                                                    (Ảnh lấy từ trang web Giaophanvinhonline)
Linh mục Nguyễn Đình Thục hành lễ tại sân nhà riêng ông Phạm Thế Trận bản Trung Hương, xã Yên Khê, Con Cuông ngày 1/7/2012. Ảnh lấy từ trang web Giaophanvinhonline


Mở đầu bản Tường trình, linh mục Nguyễn Đình Thục quy kết: Từ lâu, giáo dân giáo điểm Con Cuông luôn chịu sự kìm kẹp, áp bức bởi chính quyền địa phương. Chính quyền thường xuyên cho người đe dọa, ngăn cản, khủng bố linh mục và bà con giáo dân.

Thực tế, huyện Con Cuông hiện chỉ có 79 hộ, 208 khẩu là tín đồ Công giáo sống phân tán ở 11 xã, thị trấn. Trong đó, xã Yên Khê chỉ có 4 hộ với 21 nhân khẩu. Từ lâu, các giáo dân Con Cuông đi lễ tại nhà thờ Giáo xứ Quan Lãng, thuộc xã Tường Sơn (Anh Sơn). Hoạt động tôn giáo của các tín đồ ở đây được chính quyền tôn trọng. Đặc biệt, ở Giáo xứ Quan Lãng (gồm 2 xã Tường Sơn và Hùng Sơn, huyện Anh Sơn) có 5 nhà thờ được xây dựng khang trang, được cấp quyền sử dụng đất và được tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo.

Gần đây, một số giáo dân ở Con Cuông đã làm đơn xin đăng ký địa điểm sinh hoạt tôn giáo và thành lập giáo họ tại huyện Con Cuông nhưng do chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nên chính quyền huyện Con Cuông chưa chấp thuận. Do đó, ở Con Cuông hiện tại chưa có giáo điểm và nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo lâu nay là nhà riêng của ông Phạm Thế Trận chứ không phải “nhà nguyện”; điều đó cũng chứng minh các linh mục của Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) đã tổ chức truyền đạo, hành lễ trái pháp luật. Như vậy, việc linh mục Nguyễn Đình Thục cho rằng bà con giáo dân ở Con Cuông bị “kìm kẹp”, “áp bức”, “đe dọa” và “ngăn cản” là không đúng sự thật.

Linh mục Nguyễn Đình Thục tiếp tục xuyên tạc: Xe công an, xe tuyên truyền của Phòng Văn hóa huyện Con Cuông, dân phòng và một nhóm côn đồ đã lao vào dùng vũ lực tàn bạo của số đông trấn áp hai xơ Đinh Thị Bắc, Hồ Thị Hiền đấm đá một nữ giáo dân tên là Bảy một cách thậm tệ...

Sự thật là khoảng 13h ngày 01/7/2012, Tổ công tác gồm cán bộ các ngành, đoàn thể của huyện Con Cuông và xã Yên Khê (không có lực lượng công an) do ông Vi Văn Kim - Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đến nhà ông Phạm Thế Trận để giải thích, yêu cầu ông Trận dừng ngay việc tổ chức chứa chấp các hoạt tôn giáo tại nhà riêng. Tổ công tác đã nhiều lần yêu cầu mở cổng để vào làm việc nhưng ông Trận và 2 nữ tu không những nhất quyết không thực hiện mà còn lớn tiếng lăng mạ, thách thức. Trước tình hình đó, Tổ công tác của huyện Con Cuông buộc phải cắt khóa cổng để vào thi hành nhiệm vụ.

Linh mục Nguyễn Đình Thục còn vu cáo: Số đông cán bộ và nhóm người đang đợi sẵn xô đẩy, ngăn cản, bao vây đấm đá túi bụi con (linh mục Thục - P.V). Vì lượng giáo dân mỏng nên họ bị đánh đập trọng thương rất nhiều... Bà con hoang mang chứng kiến sự hiện diện của cảnh sát cơ động 113 huyện Con Cuông và một lực lượng quân đội với súng ống sẵn sàng chĩa vào nhà nguyện.

Thực tế, linh mục Nguyễn Đình Thục cùng khoảng 200 tín đồ đi từ huyện Anh Sơn và một số tín đồ ở Con Cuông đến nhà riêng của ông Trận để tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Cùng lúc đó, một số người dân xã Yên Khê đến khu vực trước nhà ông Trận phản đối hoạt động kể trên. Khi linh mục Nguyễn Đình Thục đến, Tổ công tác yêu cầu làm việc nhưng linh mục Thục từ chối. Lúc này, một số giáo dân quá khích đã dùng gạch đá ném vào lực lượng thi hành nhiệm vụ, dẫn đến xô xát giữa bà con giáo dân và người dân địa phương. Hậu quả làm 10 người bị thương.

Tiếp đó, các đối tượng quá khích đã bắt giữ 43 cán bộ và người dân đưa vào nhà riêng ông Trận rồi khóa cổng, dùng mũ bảo hiểm, ống tuýp hành hung. Còn linh mục Nguyễn Đình Thục vẫn tiến hành rao giảng trong sân nhà riêng của ông Trận trước cảnh một số tín đồ quá khích đánh đập cán bộ và người dân. Và nữa, linh mục Nguyễn Đình Thục cho rằng, mình bị “đấm đá túi bụi”.

Là những người trực tiếp chứng kiến khi xảy ra sự việc, chúng tôi khẳng định điều đó là hoàn toàn bịa đặt. Chính các hình ảnh trên trang mạng của Giáo phận Vinh đã ghi lại tại thời điểm đó linh mục Thục vẫn bình thản hành lễ đã minh chứng về sự dối trá của linh mục Thục. Đồng thời, linh mục Nguyễn Đình Thục nói sự việc ẩu đả đã làm nhiều giáo dân bị trọng thương nhưng chỉ kể đến trường hợp chị Ngô Thị Thanh ở xóm 12, xã Tường Sơn (Anh Sơn).

Trong khi đó, số lượng cán bộ Tổ công tác và người dân Yên Khê bị thương lên tới 62 người và có 4 giáo dân ở xóm 9 và xóm 12 xã Tường Sơn thuộc Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) bị thương thì không được nhắc tới. Khi sự việc ẩu đả diễn ra, Công an huyện Con Cuông mới đến hiện trường để thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.

Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 1/7/2012, linh mục Ngô Văn Hậu qua điện thoại đã yêu cầu Trưởng Công an huyện Con Cuông vào để giải quyết vụ việc, thì đến khoảng 17giờ ông Hoàng Văn Tấn – Trưởng Công an huyện và ông Vi Văn Kim – Phó Chủ tịch huyện vào phối hợp với các linh mục giải quyết vụ việc.

Khoảng 16h30 phút, 15 cán bộ, chiến sỹ biên phòng của Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An (đóng tại địa bàn huyện Con Cuông) trên đường đi làm nhiệm vụ tuần tra theo kế hoạch, khi qua xã Yên Khê thấy vụ việc xẩy ra đã dừng lại nắm tình hình. Khoảng 30 phút sau, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tiếp tục đi làm nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra biên giới cho Đồn Biên phòng 555, Môn Sơn.

Đặc biệt, linh mục Nguyễn Đình Thục còn bịa đặt: có hai đối tượng người Thanh Chương xông vào ném đá nhà nguyện. Giáo dân đã giữ lại và họ khai báo là chính quyền địa phương trả giá 500 ngàn đồng cho một lần đến quấy rối và nhà cầm quyền khủng bố bắt đi nhiều tín hữu.

Trước tiên, linh mục Nguyễn Đình Thục nói “hai đối tượng người Thanh Chương” vậy thì họ là ai (họ tên, địa chỉ thường trú)? Và chứng cớ ở đâu khi nói “chính quyền trả giá 500 ngàn đồng cho một lần đến quấy rối”? Còn việc “nhà cầm quyền bắt đi nhiều tín hữu”, linh mục Thục có thể kể ra họ tên, địa chỉ những giáo dân bị bắt giữ hay không? Thực tế, lúc xảy ra ẩu đả, có 2 nam thanh niên giáo dân chở 2 bao tải vũ khí (dao, kiếm, mác) và tìm cách tuồn vào nhà ông Phạm Thế Trận nên bị Công an huyện Con Cuông bắt giữ. Sau khi lập biên bản, lấy lời khai, 2 đối tượng này cũng đã được thả.

Linh mục Nguyễn Đình Thục tiếp tục bịa đặt: Khoảng 3h30 phút sáng 2/7/2012 Nhóm 41 đối tượng cố thủ rời khỏi nhà nguyện trong sự giúp đỡ của chúng con. Sau đêm thức trắng, giáo dân các nơi bắt đầu ra về. Trên đường ra về, chúng con chứng kiến sự hiện diện của hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an các loại kèm theo chó nghiệp vụ được bố trí dọc theo con đường ra Quốc lộ 7.

Sự thật là khoảng 2-3 giờ sáng ngày 2/7/2012, chủ tịch UBND tỉnh đã 2 lần điện thoại cho linh mục Nguyễn Đình Thục để thuyết phục và yêu cầu thả những người bị bắt giữ trái pháp luật, giải tán đám đông và nói rõ hành vi vi phạm pháp luật của linh mục Thục.

Lúc này, rất đông người dân địa phương đang bức xúc vì người nhà bị giam giữ, đánh đập nên đã mang theo vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ đến khu vực nhà ông Trận. Lúc này, linh mục Nguyễn Đình Thục đã gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị giải cứu, giúp đỡ.

Trước áp lực của Tổ công tác, khoảng 4 giờ sáng ngày 2/7/2012, những người bị bắt giữ, giam trái pháp luật suốt 12 giờ liên tục mới được thả. Khoảng 5h30 phút cùng ngày, dưới sự bảo vệ của chính quyền cùng lực lượng công an, linh mục Ngô Văn Hậu, Nguyễn Đình Thục và các giáo dân đã rời khỏi địa bàn xã Yên Khê một cách an toàn. Các lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp bảo vệ không để xẩy ra xô xát giữa các giáo dân và người dân địa phương vốn đang hết sức bức xúc.

Lúc này, lực lượng công an đã tiếp cận hiện trường để vận động, giải thích, yêu cầu bà con lương, giáo bỏ hung khí giải tán; đồng thời hứa sẽ bảo vệ 2 linh mục và các giáo dân rời hiện trường một cách an toàn. Thậm chí, ông Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh còn trao chiếc mũ công an của mình cho một nữ giáo dân để làm tin.

Chúng ta biết rằng, với đạo Thiên Chúa, các vị linh mục là những người thực hiện sứ mệnh đưa ý niệm của Đức Chúa Giê-su đến với cộng đồng Dân Chúa. Đó là tình yêu thương, lòng vị tha, bác ái và thánh thiện. Nói cách khác, linh mục là những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh cho cộng đồng giáo dân, đem đến cho các tín đồ của mình sự bình an, thanh thản và ngập tràn yêu thương.

Với những lời lẽ thiếu trung thực, ngụy biện khi tường trình lại sự việc mà linh mục đã tham gia, chứng kiến linh mục Nguyễn Đình Thục có xứng đáng với vai trò và tư cách của người truyền đức tin đến với các tín đồ? Linh mục Nguyễn Đình Thục không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phạm phải điều răn thứ 8 của Đức Chúa Trời “chớ làm chứng dối”.

Liệu những tín đồ có mặt tại xã Yên Khê nơi xảy ra sự kiện ngày 1/7/2012 sẽ nghĩ gì về linh mục Thục khi ông hành xử thiếu trung thực như vậy? Hơn nữa, linh mục Nguyễn Đình Thục đâu có phải là ai xa lạ mà chính là người con của quê hương Nghi Thuận - Nghi Lộc. Hạt lúa, củ khoai của vùng đất Nghi Lộc đã nuôi lớn linh mục. Nay linh mục nỡ đưa ra những lời bịa đặt để chia rẽ đồng bào, gây nên thù hận, làm cho quê hương, xứ sở rối loạn, bất an?

Việc tường trình không trung thực, thậm chí xuyên tạc bản chất sự việc của linh mục Nguyễn Đình Thục đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trước tiên là gây nên sự hiểu nhầm hiểu sai bản chất sự việc diễn ra tại Yên Khê vào ngày 1/7/2012 của Đức Giám mục, các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân trong Giáo phận Vinh. Tiếp theo là đánh lừa dư luận đang quan tâm đến vụ việc này. Từ đó, làm rạn vỡ mối quan hệ giữa chính quyền và giáo hội, gây mất đoàn kết giữa lương dân và giáo dân; tạo ra không khí căng thẳng không đáng có trong xã hội.

Thực tế, thời gian qua, đời sống sinh hoạt của bà con giáo dân nhiều vùng bị đảo lộn. Việc tường trình không trung thực còn dẫn đến việc đẩy nhiều giáo dân vào con đường vi phạm pháp luật. Tại nhiều nhà thờ còn căng các băng rôn, khẩu hiệu có nội dung mang tính kích động, vượt ra khỏi khuôn khổ hoạt động tôn giáo.

Như vậy, từ việc tổ chức truyền đạo và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật đến tường trình không trung thực, linh mục Nguyễn Đình Thục đã vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Giáo luật Thiên Chúa giáo. Vì vậy, vị linh mục Nguyễn Đình Thục cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giáo hội Thiên Chúa giáo.


NPV

Mới nhất
x
x
Linh mục Nguyễn Đình Thục tường trình sai sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO