Linh thiêng Lễ hội Đền Bạch Mã

(Baonghean) - Nằm trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất của xứ Nghệ, đền Bạch Mã được coi là một trong “Tứ linh” của xứ Nghệ “Nhất Cờn - Nhì Quả - Tam Bạch Mã - Tứ Chiêu Trưng”. Hàng năm cứ vào ngày 9 và ngày 10 tháng 02 âm lịch, trong tiết thanh minh trong sáng nhân dân lại tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã.

Nơi thờ tự “Thần Bạch Mã”

Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) thờ thần Phan Đà, một vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Theo truyền thuyết Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du, nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

Đền Bạch Mã - Thanh Chương - một trong những ngôi đền nức tiếng linh thiêng xứ Nghệ
Đền Bạch Mã - Thanh Chương - một trong những ngôi đền nức tiếng linh thiêng xứ Nghệ.

Phan Đà mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ được ông già tên Bảy làm nghề rèn ở xã cưu mang. Tuổi trẻ Phan Đà là cậu bé thông minh, tuấn tú, giỏi võ nghệ, cung tên, nhân dân gọi là “trẻ kỳ đồng”. Khi có giặc ngoại xâm, Phan Đà đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu. Là vị tướng mưu lược và dũng cảm làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận Phan Đà thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”.

Rước kiệu tại Lễ hội đền Bạch Mã.	 Ảnh: Duy Hưng
Rước kiệu tại Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Duy Hưng

Trong một lần bị phục kích bất ngờ ở bờ bắc Lam Giang, ông bị thương nặng, được ngựa mang về, gần đến Võ Liệt thì trút hơi thở cuối cùng tại Công Trung, Lai Thành (nay là thôn Trung Thành xã Thanh Long). Thi thể ông được mối vùi lấp, rất linh ứng, đã cứu giúp nhân dân qua khỏi thiên tai, dịch bệnh và phù trợ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù, nhân dân đã lập miếu thờ ông. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Phan Đà, Người cấp tiền của, giao cho quân dân sở tại xây ngôi đền bề thế và tổ chức các nghi lễ quốc tế hàng năm, đồng thời sắc phong “đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Đền Bạch Mã là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, sự kiện lịch sử quan trọng: Năm Quang Thuận thứ 6 (1465) đích thân vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền và làm lễ tế tại đây; năm Cảnh Hưng thứ 3 (1770) Quận công Bùi Thế Đạt đã vào làm lễ tế đền lúc ông đang trên đường đi đánh giặc; Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Bạch Mã đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương. Với quy mô lịch sử như vậy, ngày 24/3/1994, Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia”.

Linh thiêng lễ hội

Đền Bạch Mã tọa lạc trên khuôn viên rộng 4.894m2 ở thôn Tân Hà xã Võ Liệt huyện Thanh Chương. Đây là một quần thể kiến trúc đẹp, độc đáo, bố cục hài hòa được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo theo các đề tài dân gian. Trong điện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm, làm tăng thêm giá trị lịch sử, tâm linh của di tích.

Từ thời Lê đến thời Nguyễn, lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức rất trang nghiêm với quy mô lớn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan Đà (13/6 âm lịch), triều đình phong kiến lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Nhân dân tổng Võ Liệt còn mở hội rước sắc và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú như: vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, đánh trận giả, thi hát ca trù, hát bội.

Nằm trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất của Nghệ An, đền Bạch Mã được coi là một trong “Tứ linh” của xứ Nghệ “Nhất Cờn - Nhì Quả - Tam Bạch Mã - Tứ Chiêu Trưng”.  Nhiều năm trở lại đây, Đền tiếp tục được Đảng và Nhà nước các cấp quan tâm, đông đảo các tổ chức, cá nhân cung tiến để tu bổ, phục hồi. Hàng năm cứ vào ngày 9 và ngày 10 tháng 02 âm lịch, trong tiết thanh minh trong sáng nhân dân lại tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã. Hàng vạn nhân dân và du khách thập phương đến phúng viếng chiêm bái tưởng nhớ công đức của “Thần Bạch Mã” và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống.

Vật cù - môn thể thao dân gian tại lễ hội Đền Bạch Mã.	 Ảnh: Mai Hoa
Vật cù - môn thể thao dân gian tại lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa

Lễ hội Đền Bạch Mã năm nay gồm có 2 phần, đó là phần lễ và phần hội: Phần lễ có: lễ khai quang, lễ rước, lễ cáo yết, lễ tế thần, lễ bái tạ. Phần hội có: bóng đá, bóng chuyền, vật cù, ném còn, đập niêu, giao lưu văn hoá văn nghệ, thi người đẹp và xướng hoạ, bình thơ về Thần Bạch Mã. Hoạt động lễ hội ngày càng phong phú, thu hút nhiều đối tượng, các lứa tuổi, du khách và các địa phương tham gia, mở rộng giao lưu hiểu biết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân.

Ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trưởng ban Lễ hội Đền Bạch Mã cho biết: Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 9,10/2 âm lịch nhưng năm nay đã có sự đầu tư để tiên tới phát triển thành lễ hội vùng có quy mô tầm vóc lớn hơn. Để lễ hội diễn ra trang nghiêm, thành kính, Ban tổ chức đã quy hoạch vùng bán đồ lễ, hương, hoa, quả ...không để tình trạng lộn xộn như trước đây. Đầu tư làm mới bãi gửi xe và đường đi vào đền. Lễ hội là dịp để huyện Thanh Chương nói chung, xã Võ Liệt nói riêng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết cho nhân dân các vùng lân cận.

 Đạm Phương

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.