Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa'

Theo Tuấn Anh (vietnamnet.vn)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
Ngày 31/5/2005, sau hơn 30 năm che giấu, gia đình cựu Phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) W. Mark Felt rốt cuộc thú nhận ông chính là "Deep Throat", người đã cung cấp thông tin tối mật về bê bối Watergate, khiến Tổng thống Richard Nixon mất chức vào năm 1974.
Watergate vẫn được xem là một trong những bê bối chính trị đình đám nhất thế giới từ trước tới nay. Bê bối xoay quanh việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon bật đèn xanh cho các trợ lý cử người đột nhập trái phép để cài đặt thiết bị nghe lén điện thoại tại trụ sở của đảng Dân chủ trong khu liên hợp Watergate ở Wasington ngày 17/6/1972. Năm "tên trộm" bị bắt giữ trong sự cố đã giúp nhà chức trách lần ra đường dây đứng sau vụ việc, bao gồm cả những nhân vật cao cấp nhất trong Nhà Trắng.
Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa' ảnh 1
Tổng thống Richard Nixon ngậm ngùi tuyên bố từ chức tháng 8/1974. Ảnh: USN

Vụ việc khiến ông Nixon trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên và cũng là duy nhất phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ, vào năm 1974.

Tiết lộ của gia đình Felt thông qua một bài viết đăng tải trên tạp chí Vanity Fair năm 2005 đã khiến hai phóng viên lừng danh Bob Woodward và Carl Bernstein vô cùng sửng sốt. Chính nguồn cung cấp tin mang bí danh "Deep Throat" đã yêu cầu Woodward và Bernstein giữ bí mật danh tính cho tới tận sau khi ông qua đời. Nhờ các thông tin mật của Deep Throat, hai phóng viên nói trên đã có các bài tường thuật, phanh phui bê bối Watergate chấn động dư luận vào năm 1973, giúp tờ Washington Post giành giải báo chí Pulitzer danh giá cùng năm.

Suốt một thời gian dài sau bê bối Watergate, câu hỏi "Deep Throat là ai?" đã được nhắc đi nhắc lại và giải thích bằng nhiều đồn đoán, giả thuyết khác nhau trong vô số cuốn sách, bộ phim, các chương trình truyền hình và cả trên mạng trực tuyến. Nước Mỹ tỏ ra ám ảnh với nhân vật đứng trong bóng tối, đã làm mọi cách để che giấu hành tung cũng như mối quan hệ với các phóng viên Washington Post.

Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa' ảnh 3
Phóng viên Bob Woodward (phải) và Carl Bernstein của báo Washington Post đã cam kết giữ bí mật danh tính của Deep Throat . Ảnh: USN

Các băng ghi âm tiết lộ, hồi đầu năm 1973, chính Tổng thống Nixon từng nghi ngờ ông Felt là kẻ tuồn tin mật cho báo chí. Mặc dù Felt thường được đưa vào diện khả nghi, nhưng ông vẫn nhất quyết phủ nhận mình là Deep Throat. Ngay trong cuốn hồi ký năm 1979 của mình, cựu Phó giám đốc FBI viết: "Tôi chưa bao giờ để lộ thông tin cho Woodward và Bernstein hay bất kỳ người nào khác". Thậm chí 6 năm trước khi quyết định lộ diện, ông Felt còn nói: "Việc tiết lộ thông tin sẽ đi ngược lại bổn phận của tôi khi là một nhân viên trung thành của FBI".

Theo nhiều nguồn tin, sau cái chết của J. Edgar Hoover, Giám đốc FBI vào tháng 5/1972, ông Felt, lúc đó đang giữ chức phó giám đốc của cơ quan này, muốn lên nắm quyền lãnh đạo. Đáng tiếc, Tổng thống Nixon đã bổ nhiệm Pat Gray thay thế Hoover. Ông Felt được tin vô cùng tức giận với điều này, cũng như việc tổng thống đã thông qua Gray để ngăn cản mọi nỗ lực điều tra, nhằm bưng bít thông tin về vụ Watergate.

Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa' ảnh 4
Ông Felt chấp nhận hợp tác với phóng viên Washington Post về vụ Watergate một cách giới hạn. Ảnh: NBC

Vì vậy, khi phóng viên Woodward gọi điện cho ông Felt để hỏi về thông tin điều tra Watergate, quan chức FBI kỳ cựu này đã đồng ý mở lời. Song, Felt nêu ra một loạt yêu cầu nghiêm ngặt cho sự hợp tác của mình. Ông từ chối cho báo chí tiết lộ danh tính, trích dẫn phát biểu, ngay cả trong tình trạng nặc danh, đồng thời chỉ nhất trí xác thực các thông tin các phóng viên đã thu thập được và từ chối cung cấp thông tin mới. Tất nhiên, mọi yêu sách của Felt đều được đáp ứng. Woodward cũng chỉ liên lạc với ông khi cần xác nhận những tình tiết vô cùng quan trọng.

Ban đầu, hai người trò chuyện qua điện thoại, nhưng ông Felt nhanh chóng e sợ rằng điện thoại cá nhân có thể bị nghe trộm. Vì vậy, ông và phóng viên Woodward đã nghĩ ra một hệ thống ký hiệu riêng và bắt đầu bí mật gặp gỡ nhau lúc nửa đêm ở một bãi đỗ xe. Vài tháng sau đó, ông Felt xác nhận các thông tin về mối quan hệ giữa Ủy ban tái tranh cử của Tổng thống Nixon với vụ đột nhập Watergate. Ông cũng cảnh báo Woodward về sự dính líu của những quan chức cấp cao hơn trong chính quyền, kể cả bản thân lãnh đạo Nhà Trắng.

Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa' ảnh 5
Hình ảnh ông Felt xuất hiện trong bài viết thú nhận mình là Deep Throat trên tạp chí Vanity Fair năm 2005. Ảnh: Vanity Fair

Sau thú nhận của gia đình Felt năm 2005, cả Woodward và Bernstein đều bày tỏ quan ngại, việc dư luận quá quan tâm chú ý tới bí mật về Deep Throat suốt thời gian dài có thể dẫn đến sự phóng đại vai trò của cựu Phó giám đốc FBI trong việc phanh phui bê bối Watergate. Các phóng viên này lưu ý công chúng Mỹ rằng, các nguồn tin khác, chẳng hạn như các băng ghi âm bí mật của Nhà Trắng thời Nixon, các phiên điều trần vụ Watergate của Thượng viện Mỹ cũng như phán quyết lịch sử của Tòa án tối cao Mỹ đều góp phần quan trọng làm sáng tỏ sự thật.

Hình tượng ông Felt trong bộ phim "Mark Felt: Kẻ đánh bại Nhà Trắng" phát hành năm 2017 của Hollywood

Theo báo Guardian, trong dư luận Mỹ hồi giữa những năm 2000 cũng từng râm ran các tin đồn cáo buộc gia đình Felt quyết định công khai danh tính của Deep Throat vì tiền. Vào thời điểm năm 2005, con gái của ông Felt đang gặp khó khăn về tài chính, trong khi tình trạng sức khỏe và trí nhớ của ông ngày càng giảm sút.

Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa' ảnh 7
Ông Felt cùng con gái và cháu trai tại nhà riêng ở Santa Rosa, California, Mỹ năm 2005. Ảnh: NYT

Ông Felt qua đời ngày 18/2/2008, thọ 95 tuổi. Đối với đông đảo công chúng Mỹ, ông vẫn là một "người hùng", trái ngược hẳn với Edward Snowden, người bị coi là kẻ phản quốc khi tiết lộ thông tin mật về chính quyền Mỹ cho báo chí.

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.