Lỡ hẹn... ngày về

Mỹ Hà 30/04/2019 07:06

(Baonghean.vn) - 47 năm trước, tạm biệt giảng đường đại học, chàng trai xứ Nghệ, sinh viên năm thứ 4, Khoa Nga văn - Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ xung phong đi B, lên đường ra chiến trận... Chuyến đi mãi mãi không hẹn ngày về. Kỷ vật duy nhất còn lại là quyển nhật ký, một vài bức ảnh và những dòng thư sâu đậm nghĩa tình...

Trường đại học không phải là hầm trú ẩn tốt nhất

"Mình sẽ sẵn sàng đón đợi tất cả mọi khó khăn trở ngại trên đường mình đi để ngày mai sẽ vững vàng trong cuộc sống. Nếu cuộc sống của tuổi 20 đầy băn khoăn, trăn trở thì cuộc sống hôm nay sẽ là tích lũy và thể nghiệm rất nhiều. Hôm nay cuộc đời sẽ khắc nghiệt hơn xưa nhưng mình đã thấy được một phần nào cái “tôi” trong cái “ta” của dân tộc".

Đó là những dòng nhật ký mà chiến sỹ trẻ Lê Văn Thể (xã Quỳnh Mỹ - nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu) viết cho ngày sinh nhật tuổi 22 của mình, ngày 2/10/1972. Lúc này, anh cũng đã xa Hà Nội được 9 tháng và chính thức vào quân ngũ. Ở nơi chiến trường, giữa cận kề sự sống và cái chết, sinh nhật của tuổi 22 của anh dường như không có gì đặc biệt. Có chăng anh tự nhận ra mình đã có những “kinh nghiệm” nhất định để có thể dễ dàng vượt qua mọi gian khổ.

Tuổi 22 của anh cũng giống như “tuổi của thế hệ chống Mỹ đi trước với biết bao nhiêu người đã bước vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản với tất cả nhiệt tình và sức lực của mình”...

Những năm cuối 60 của thế kỷ trước, xã Quỳnh Mỹ của Thể chỉ có 3 người vào đại học, trong đó có anh. Ngày còn ở làng, cậu học trò Lê Văn Thể là một người nổi tiếng học giỏi, chăm chỉ và có chí tiến thủ.

Tốt nghiệp cấp III, trong khi bạn bè chủ yếu chọn sư phạm thì anh lại chọn khoa Ngoại ngữ - ngành Tiếng Nga - một ngành học khá khó nhưng lại đầy cơ hội sau khi ra trường. Khi Thể vào đại học, bố mẹ, gia đình và cả dòng họ cũng đặc rất nhiều kỳ vọng vào anh để làm "nở mày nở mặt". Thể học xong, thành người trí thức sẽ là tiền đề để giúp đỡ các em trong nhà được học hành đến nơi đến chốn, có công việc, có tương lai, thoát cảnh ruộng đồng như phần lớn người dân trong vùng lúc đó.

Ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cậu sinh viên Lê Văn Thể cũng đã có những tháng ngày đầy mộng mơ với biết bao hoài bão lý tưởng. Nhưng có vui được không, khi đất nước đang có chiến tranh. Ngày quyết định đi khám tuyển quân ngũ, anh đã bước sang năm thứ tư và đã có trong danh sách được đi nước ngoài học tập.

Quyết định đi nghĩa vụ, Thể cũng không nói với bố mẹ, chỉ tâm sự duy nhất với người em trai khi đó cũng đã đi bộ đội: "Anh sẽ không bao giờ báo cho nhà biết nhưng em thì anh không giấu. Anh đã đi khám nghĩa vụ quân sự sáng nay. Sức khỏe là B1 và có thể vác B40 hay B41. Với anh thì thế nào cũng được thôi, dù là đi hay ở. Nhưng trường đại học không phải là hầm trú ẩn tốt nhất”.

Trong nhật ký của Thể viết, anh luôn mang theo bên mình bộ sách các tác phẩm chọn lọc của Maksim Gorky. Phải chăng chính câu chuyện trong "Những trường đại học đường đời" của nhà văn Maksim Gorky đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong anh, để có những lúc anh thấy “thấm thía vô cùng và tưởng như có thể lao vào cuộc chiến để bảo vệ lấy mọi cái mà mình yêu dấu, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.

Kể về người anh của mình, ông Lê Văn Toàn – người em thứ 7 trong gia đình chia sẻ, "anh Thống là người đầu tiên biết anh Thể đi bộ đội, còn chúng tôi khi đó chỉ 9, 10 tuổi đang ở nhà chưa biết gì. Chỉ nhớ, Tết cuối cùng anh về nhà là tết năm 1972. Khi đó, trường Đại học Vinh đang sơ tán về làng chúng tôi và có rất nhiều sinh viên ở trong nhà. Về nghỉ tết, anh còn dạy cho sinh viên Tiếng Nga, đứng ra tổ chức một trận đấu bóng trong làng rất vui vẻ. Đây cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp anh.

Trong ký ức của những người thân trong gia đình, liệt sỹ Lê Văn Thể còn là một người ưa thích thể thao, sôi nổi và không bao giờ làm cho ai phải buồn. Nhưng trong gần 100 trang nhật ký mà liệt sỹ Lê Văn Thể để lại thì lại là một con người khác. Đó là một sinh viên Nga văn đầy mơ mộng, lãng mạn nhưng cũng rất thực tế.

Lê Văn Thể còn là một người con rất tình cảm, luôn đau đáu nghĩ về gia đình và đặc biệt yêu quý cuộc sống đồng ruộng, thôn quê. Anh cũng đã có những suy tư và những cảm nhận rất sâu sắc về cuộc chiến đấu của dân tộc, về lý tưởng của thanh niên thời chiến. Ngày 1/1/1973, ngày đầu tiên của năm mới, anh cũng đã lạc quan cho rằng: Thế là năm 1973 đã tới. Lại một năm mới trong cuộc đời lính đầy bao gian khổ nhưng đầy những sự kiện đáng nhớ. Mình sẽ sẵn sàng đi vào cuộc chiến đấu như đi vào cuộc trường chinh của cuộc đời. Mình tin rằng trong cuộc sống hiện tại mình sẽ trưởng thành lên nhiều hơn nữa. Mình sẽ là một người cán bộ và sẽ là một người chiến sỹ vững vàng.

Lỡ hẹn... ngày về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO