Lo lắng nạn 'bảo kê' khi mùa gặt đến

Đặng Nguyễn 19/05/2020 09:46

(Baonghean.vn)- Nhiều năm trở lại đây, tình trạng các nhóm đối tượng “bảo kê” máy gặt tại các địa phương không còn xa lạ. Thực tế trên không chỉ ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn, gây lo lắng, bất an đối với chủ máy gặt, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.

Đến mùa gặt lại lo

Thời điểm này, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Cùng với niềm vui được mùa của người nông dân, các chủ máy gặt cũng làm việc không xuể. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui họ vẫn canh cánh nỗi lo bị các đối tượng bảo kê chèn ép như đã từng xảy ra trước đây. Ông N.T.H., một chủ máy được dân thuê về gặt trên địa bàn huyện Yên Thành cho biết: “Chỉ mong trời nắng để gặt nhanh chứ thực ra không biết các đối tượng bảo kê xuất hiện lúc nào”.

Nỗi lo của ông H. cũng như nhiều chủ máy gặt tại các vùng quê như Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương... mà chúng tôi đã gặp không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế nhiều năm trở lại đây, nạn bảo kê máy gặt xuất hiện nhiều. Tại xã Thanh Long (Thanh Chương) nhiều người dân vẫn chưa hết hãi hùng mỗi khi nhắc đến các đối tượng bảo kê máy gặt vào vụ đông xuân tháng 4/2019.

Ảnh: Đ.C
Nhóm bảo kê máy gặt do Trần Văn Mạnh cầm đầu trên địa bàn xã Thanh Long (Thanh Chương). Ảnh tư liệu Quỳnh Trang

Vào mùa gặt, với mục đích thầu gặt toàn bộ cánh đồng xã Thanh Long, một số đối tượng ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận “bảo kê” với giá cao, nếu không đồng ý thì chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch. Đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn, nếu muốn hoạt động phải nộp cho chúng 20.000 đồng/sào. Để hợp thức hóa hành vi cưỡng đoạt này, các đối tượng buộc các chủ máy gặt phải ký vào bản hợp đồng thuê máy gặt đã soạn sẵn. Dù bức xúc trước hành vi ngang ngược của chúng nhưng sợ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch nên nhiều người dân đành nhẫn nhịn, chấp nhận làm theo.

Vụ việc sau đó đã được Công an huyện Thanh Chương xác minh làm rõ. Ngày 6/5/2019, Ban chuyên án đã bắt quả tang 3 đối tượng là Trần Văn Mạnh (SN 1982), Phạm Công Bảo (SN 1987) cùng trú tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương và Nguyễn Bá Sự (SN 1992), trú tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Thu giữ 4 khẩu súng tự chế, 3 mã tấu và 1 triệu đồng tiền mặt.

Cầm đầu nhóm bảo kê này là Trần Văn Mạnh, đối tượng đã có 6 tiền án, tiền sự về gây rối trật tự công cộng, tàng trữ trái phép chất ma túy... Mạnh giao cho hai đàn em là Bảo và Sự nhiệm vụ hàng ngày theo dõi, canh chừng cánh đồng lúa, hễ phát hiện có máy gặt lạ sẽ đến “hỏi thăm”, nếu chủ máy gặt không hợp tác ngay lập tức sẽ đuổi, phá máy, thậm chí hành hung. Qua đấu tranh chuyên án đã làm rõ hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tiền của 3 đối tượng này đối với nhiều chủ máy gặt được người dân thuê gặt lúa trên địa bàn huyện Thanh Chương với số tiền hàng chục triệu đồng.

Với hành vi tương tự, tháng 6/2018, Công an huyện Thanh Chương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Văn Sỹ (SN 1986, trú tại xóm Mới, xã Thanh Nho) và Nguyễn Hùng Cường (SN 1975, trú tại xóm 7, xã Cát Văn) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận những chủ máy gặt từ nơi khác đến rồi đe dọa, uy hiếp. Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn nên đã “cống nộp” cho Cường và Sỹ số tiền mà nhóm này yêu cầu là 2 triệu đồng/máy.

Ảnh: Đ.C
Nhiều đối tượng bảo kê máy gặt trên địa bàn tỉnh đã phải chịu mức án nặng về tội cưỡng đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Tân Kỳ - Văn Lý

Tại huyện Yên Thành, vựa lúa lớn nhất của tỉnh, cũng từng là mảnh đất “màu mỡ” cho các đối tượng bảo kê máy gặt hoạt động. Trong đó, nổi lên vụ việc Công an huyện Yên Thành đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng cùng trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành về hành vi hủy hoại tài sản. Dưới sự chỉ đạo và cầm đầu của Đào Quang Trí (SN 1982), nhóm đối tượng này đã “dàn xếp” để đưa máy gặt lúa về Yên Thành hoạt động, hưởng “hoa hồng”. Những chủ máy gặt nào không nghe theo sự sắp xếp này và không nộp tiền sẽ bị chúng đe dọa, thậm chí đánh đập. Trong số này có ông Phan Bá Thận, trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Vì ông Thận kiên quyết không nộp tiền hoa hồng nên vào đêm 2/9/2017, khi đang gửi nhờ máy gặt tại nhà người quen, Trí đã chỉ đạo đàn em đốt, phá máy của ông Thận để ông này hết đường mưu sinh.

Những hành vi bảo kê máy gặt vào vụ mùa đã khiến người dân hoang mang, bức xúc, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.

Ngăn chặn hành vi bảo kê

Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ, song tính từ năm 2016 đến nay, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xuất hiện những vụ việc liên quan đến bảo kê máy gặt. Trong đó, các địa phương đã xảy ra tình trạng này có thể kể đến như Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành... Cơ quan điều tra tại các địa phương nhận định đây là loại tội phạm mới ở nông thôn. Chúng hoạt động theo nhóm, chủ yếu là do các thanh niên lêu lổng đứng ra “bảo kê”, “bảo lãnh” cho các chủ máy gặt làm ăn và “thu phí”. Hành động của nhóm đối tượng này rất táo tợn, có đối tượng còn sử dụng cả hung khí...

Ảnh: Đ.C
Ông Phan Bá Thận bức xúc vì nạn “bảo kê” máy gặt lúa, ăn chặn tiền của chủ máy gặt và người nông dân. Ảnh tư liệu Thảo Nguyên

Theo đó, các đối tượng thường ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận “bảo kê” với giá cao, nếu không đồng ý thì chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch. Đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn, nếu muốn hoạt động phải nộp tiền tính trên đầu sào. Về nguyên nhân khiến cho tình trạng bảo kê máy gặt vẫn diễn ra. Một mặt là do lợi nhuận thu được khá cao, vì vậy, các chủ máy gặt thường có tư tưởng “tặc lưỡi”, thôi nộp cho xong còn yên ổn làm ăn. Thời vụ chỉ có khoảng 3 tuần, thu được hàng chục triệu đồng, bỏ ra mấy triệu thì cũng có thể chấp nhận được. Mặc khác, để xảy ra tình trạng như trên, còn do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm giải quyết, xử lý một cách rốt ráo.

Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh nông thôn mà còn kéo theo việc các chủ máy gặt “thổi” giá lên cao để lấy thu bù chi, ở đây là chi tiền bảo kê. Và xét cho cùng, nạn nhân đích thực của nạn “bảo kê” máy gặt là những người nông dân. Ông T.V.T, trú ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Bình quân một sào lúa gặt ở ruộng cạn, công gặt chỉ khoảng 120 đến 140 nghìn đồng. Nhưng, khi bị các đối tượng bảo kê bắt đóng tiền, các chủ máy buộc phải thu thêm 20 hoặc 30 nghìn đồng một sào.

Trước tình trạng “bảo kê” máy gặt hoành hành, hiện một số địa phương đã triển khai những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Ngoài một số hợp tác xã trên địa bàn hiện đã đầu tư máy để gặt cho hội viên như HTX Văn Thành, HTX Minh Thành thì để đảm bảo vấn đề an ninh trong thu hoạch lúa, trước thời điểm mùa vụ, UBND huyện đã ban hành văn bản giao trách nhiệm cho các địa phương, các HTX nông nghiệp liên hệ các chủ máy để tổ chức gặt. Theo đó, trên cơ sở diện tích lúa cụ thể, các địa phương, HTX tổ chức ký hợp đồng với các chủ máy theo địa điểm thu hoạch cụ thể, giá cả phù hợp, thu hoạch hết diện tích, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy với nhau. Cùng với đó, công an huyện tăng cường cử cán bộ giám sát địa bàn, phối hợp với công an các xã, thị trấn, nắm bắt tình hình, nếu phát hiện hiện tượng “bảo kê” trong việc thu hoạch lúa, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Ảnh: Đ.C
Vụ thu hoạch lúa xuân năm nay người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không còn lo nạn bảo kê máy gặt. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Văn Hoành, ủy viên HĐQT HTX nông nghiệp Văn Thành (huyện Yên Thành): Mặc dù việc đầu tư 1 máy gặt không thể đáp ứng được nhu cầu thu hái với diện tích lúa hơn 300 ha của hội viên trên địa bàn, nhưng khi HTX đã đưa ra mức chuẩn như hiện nay là 120.000 - 130.000 đồng/sào ruộng cạn, 160.000 đồng/sào ruộng sâu, thì nếu người dân có thuê ngoài cũng chỉ có bằng hoặc thấp hơn mức giá trên. Do vậy, tránh được hiện tượng người dân bị bảo kê hét giá.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cũng cho hay: Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn đều thông báo giá cả các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để người dân chọn lựa, không để bị chặt chém do các đối tượng bảo kê lộng hành như trước. Nếu phát hiện có tình trạng bảo kê, người dân có thể gọi trực tiếp cho Chủ tịch UBND xã và báo công an vào cuộc xử lý.

Với những giải pháp kể trên, đến thời điểm hiện tại ở các địa bàn chưa xuất hiện thêm trường hợp bảo kê máy gặt nào. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng bảo kê máy gặt, loại bỏ những đám cò mồi “ký sinh” trên sức lao động của người nông dân. Chính quyền địa phương cần vào cuộc phối hợp với lực lượng công an trong bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi hoạt động bảo kê. Đồng thời, tiến hành rà soát, lên danh sách những ổ nhóm, đối tượng có khả năng, biểu hiện nghi vấn hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản để đưa vào diện quản lý, đồng thời có biện pháp răn đe để các đối tượng không có ý định phạm tội.

Ảnh: Đ.C
Người dân phấn khởi thu hoạch lúa xuân. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và có cơ chế bảo vệ để các chủ máy gặt cũng như người dân mạnh dạn tố giác các đối tượng bảo kê. Cùng với đó, các địa phương cũng cần họp bàn các chủ máy gặt với đại diện người dân đề ra mức giá thuê hợp lý, tránh hiện tượng hét giá, ép giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi vào vụ mùa.

Theo TS.LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: “Các đối tượng có hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tùy vào mức độ, hành vi sẽ có mức xử phạt khác nhau. Thậm chí, trong trường hợp có nhiều đối tượng cấu kết với nhau để thực hiện hành vi còn bị xét đến yếu tố “phạm tội có tổ chức”.

Mới nhất
x
Lo lắng nạn 'bảo kê' khi mùa gặt đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO