Lo ngại sức ép tăng giá trong tháng 12
Dự báo giá cả thị trường tháng cuối cùng của năm có thể tăng nhẹ so với tháng 11, nhưng theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhiều yếu tố sẽ làm giảm áp lực tăng giá cuối năm, cho nên giá một số hàng hóa, dịch vụ như giá điện, than bán cho điện, dịch vụ y tế, xi măng, thép… có khả năng ổn định.
Giá các loại rau củ giảm do thời tiết thuận lợi. Ảnh Internet.
Theo Cục Quản lý giá, với dự báo diễn biến giá một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới chỉ biến động nhẹ; giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định như giá điện, than bán cho điện, dịch vụ y tế, xi măng, thép… cùng với việc các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường, dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014, công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục tăng cường.
Bên cạnh đó, nguồn hàng hóa nói chung, hàng hóa thiết yếu nói riêng tiếp tục được đảm bảo; các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm; cộng với sức mua yếu… sẽ là những yếu tố làm giảm áp lực tăng giá thị trường tháng cuối năm này.
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá một số mặt hàng như đường, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng sẽ có chiều hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Đối với mặt hàng đường, nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan đã làm giảm đi lo ngại của nhà đầu tư về nguồn cung đường thế giới (dự kiến Ấn Độ sẽ thực hiện dự trữ khoảng 8,8 triệu tấn trong niên vụ tới). Ngoài ra, việc các nhà đầu cơ đã dừng việc tăng mua đường vào thời điểm cuối tháng 10-2013 cũng làm giảm sức tiêu thụ đường thế giới dẫn đến giá đường thế giới giảm so với thời điểm trong tháng 10-2013.
Trong nước, nguồn cung dồi dào, tồn kho đường trong khi đường nhập lậu vẫn tiếp tục vào, xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại và giá đường thế giới giảm là những yếu tố kéo giá đường trong nước giảm so với tháng 11-2013.
Tương tự, giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới trong tháng này dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ, nên giá trong nước có xu hướng ổn định.
Mặc dù vào cuối năm, nhưng giá nguyên vật liệu xây dựng là thép và xi măng cũng được dự báo không có biến động.
Tuy nhiên, Cục Quản lý giá cho rằng, những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, ngoài các nguyên nhân tác động do sức mua có khả năng thanh toán trong dịp cuối năm tăng, mặt bằng giá thị trường theo quy luật sẽ chịu tác động tăng bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hóa khác phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2014 tăng sẽ là những nguyên nhân khiến giá cả tăng trong dịp này.
Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống không nằm ngoài quy luật tăng giá cuối năm nên dự báo giá cả sẽ có chiều hướng tăng hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới. Mặt hàng lúa gạo ngoài nguyên nhân phục vụ Tết khiến giá tăng còn có nguyên nhân từ nhu cầu gạo tăng tại một số nước nhập khẩu như Philippine và Trung Quốc. Trong khi đó, giá gạo tại các tỉnh Nam Bộ tăng do đang vào thời điểm cuối vụ Hè Thu, không còn nhiều lúa gạo đồng thời nhu cầu xuất khẩu gạo đang có chiều hướng tăng.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống, một loại hàng hóa thiết yếu đối với người dân cũng được dự báo tăng nhẹ, đặc biệt là mặt hàng thịt và trứng gia cầm do nhu cầu thị trường tăng dịp cuối năm.
Đáng lo ngại là hai mặt hàng quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế đó là xăng dầu và giá gas được dự báo trong ngắn hạn vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục dao động ở mức cao.
Chính sách điều hành giá xăng dầu gần đây nhất là thời điểm ngày 5-12, trong khi giá thế giới tăng cao, khiến mức giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, nhưng Liên Bộ Tài chính- Công Thương vẫn quyết định yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng mức trích Quỹ Bình ổn giá, không tăng giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11-2013 tăng 0,34% so với tháng 10-2013. Tốc độ tăng chỉ số giá tháng 11-2013 thấp hơn mức tăng tháng 10-2013 (tăng 0,49%); đồng thời, so với mức tăng cùng kỳ tháng 11 của 5 năm gần đây thì chỉ số giá tháng 11-2013 có mức tăng thấp nhất (2009 tăng 0,55%, 2010 tăng 1,86%, 2011 tăng 0,39%, 2012 tăng 0,47%).
Xét theo cơ cấu nhóm hàng, trong 9/11 nhóm hàng cấp I có chỉ số giá tăng, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 0,62% (trong đó Lương thực tăng 1,29%, thực phẩm tăng 0,56%); tiếp đến là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,41%, May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,35%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,28%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%, Giáo dục và Văn hóa giải trí và du lịch cùng tăng 0,10%, Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.
Hai nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Giao thông giảm 0,34%, Bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Để bình ổn giá trong tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Theo.haiquan.online