Lò PVF đang bỏ lại tất cả phía sau
(Baonghean.vn) - Sự kiện Ryan Giggs và Paul Scholes đến Việt Nam với mục tiêu đặt nền móng, phát triển đào tạo trẻ như một tiếng vang lớn. Thức tỉnh những người làm bóng đá nước nhà, đặc biệt là bóng đá trẻ.
Lò PVF như một giấc mơ của bóng đá trẻ Việt Nam, PVF được đầu tư trọng điểm và toàn diện cả về cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập, đội ngũ huấn luyện viên, giáo trình chuyên môn, thể lực và văn hóa. Mục tiêu của PVF là cung cấp cho bóng đá Việt Nam các thế hệ cầu thủ trẻ nhiệt huyết, có đạo đức, tri thức, văn hóa với thể lực và chuyên môn đạt chuẩn.
Và quan trọng hơn cả, các cầu thủ được đi học văn hóa tại Vinschool với chương trình thiết kế riêng nhằm đảm bảo kiến thức, văn hóa và kỹ năng sống. Không phải cầu thủ nào tập chơi bóng cũng sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, vì vậy “lò” PVF mang rõ sứ mệnh, trách nhiệm lo cho tương lai của những đứa trẻ yêu thích bóng đá và theo đuổi bóng đá.
Giáo trình giảng dạy tại PVF được đánh giá là giáo trình tổng hợp những thực hành tốt nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Internet |
Sự kiện này là một bước tiến, bước đột phá trong công tác đầu tư cho đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Và đây là một nguyện vọng mà bất kỳ ai giàu tâm huyết cũng thèm khát.
Khi còn dẫn dắt SLNA, HLV Nguyễn Hữu Thắng từng chia sẻ rằng: “Mơ ước của tôi là có thể xây dựng được một học viện bóng đá ngay trên quê hương mình. Vì tôi biết Nghệ An chính là một mảnh đất màu mỡ, địa phương đặc thù về bóng đá, có nhiều nhân tài bóng đá.” Trước khi nói về giấc mơ này, nhà cầm quân, biểu tượng bóng đá xứ Nghệ lấy lò đào tạo HAGL ra làm hình mẫu cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam cần được nhân rộng.
Giấc mơ đó của HLV Nguyễn Hữu Thắng trên thực tế là quá xa vời với bóng đá xứ Nghệ ở thời điểm này. Bởi đằng sau lò PVF là một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Trong khi tại Nghệ An lúc này, chỉ duy nhất một doanh nghiệp dám bỏ tiền làm bóng đá là Ngân hàng TMCP Bắc Á. Trung bình mỗi năm, ngân hàng này đầu tư vào bóng đá 30 tỷ/1 năm trước thuế. Phần đào tạo trẻ, hoàn toàn phục thuộc vào ngân sách địa phương ở mức đảm bảo hoạt động. Tuy nhiên, không khỏi chạnh lòng nếu nhìn về quá khứ hào hùng của bóng đá trẻ xứ Nghệ và những khó khăn hiện hữu lúc này.
So với các lò đào tạo khác như HAGL, Viettel, Hà Nội thì đội bóng xứ Nghệ đã khó ngồi “chung mâm” chứ chưa nói gì đến những điều cao xa hơn. Thực tế cho thấy rõ, bóng đá là cuộc chơi của những người nhiều tiền. Nghệ An chắc chắn không thể đi theo con đường của những địa phương khác vì những điều kiện khó khăn đặc thù, đồng thời cũng không thể trông chờ vào vận may.
Một trung tâm bóng đá hoàn hảo như PVF là mơ ước của những người làm bóng đá nhiệt huyết. Ảnh: Internet |
Lúc này, HLV Hữu Thắng vẫn đang từng ngày viết ra những ấp ủ của mình. Bóng đá Nghệ An cũng vậy. Lợi thế của Nghệ An chính là truyền thống yêu bóng đá cuồng nhiệt, những cầu thủ tài năng lẩn khuất nơi mọi vùng quê. Bề dày thành tích, lịch sử của đội bóng chưa một lần xuống hạng giải VĐQG. Nếu không có những bước tiền dài, mang tính đột phá, SLNA sẽ phải chấp nhận một thực tế nhìn nhân tài địa phương đầu quân cho những trung tâm khác.
HLV Nguyễn Thành Công, một người vốn tâm huyết với công tác đào tạo bóng đá trẻ xuýt soa về lò PVF: “Nếu Việt Nam có khoảng 5 trung tâm bóng đá như vậy, chắc chắn tầm vóc của bóng đá Việt Nam sẽ khác”.
Hiện tại, khoảng cách giữa các lò đào tạo bóng đá Việt Nam là quá lớn. Một địa phương như Nghệ An bị tụt lại phía sau là điều hiển nhiên. Còn SLNA, mới chỉ "khéo co" vừa ấm, đủ ăn đủ mặc, khó lòng phát triển bóng đá theo xu hướng chuyên nghiệp./.
Hoài Hoan