Loại bỏ cán bộ công chức nhũng nhiễu có khó không?
Để loại bỏ những công chức, viên chức nhũng nhiễu, hạch sách ngoài quyết tâm của Chính phủ cần sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ trong tuần qua tiếp tục yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp được Văn phòng Chính phủ tổng hợp, chuyển tới các cơ quan xử lý theo thẩm quyền, trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này cùng các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, gắn với việc thực hiện trách nhiệm quản lý, điều hành, xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy, chưa bao giờ các thủ tục, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại được Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm giải quyết như bây giờ. Thông điệp đưa ra trong quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng là kiên quyết loại bỏ những cán bộ công chức yếu kém ra khỏi bộ máy.
Ảnh minh họa từ internet |
Với phương châm nói đi đôi với làm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của cơ quan cấp trên, người đứng đầu từ trung ương đến địa phương. Nhờ đó mà lần đầu tiên, Chính phủ giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản. Trong những tháng qua, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết liệt tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết liên quan cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả chi tiêu công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội; chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng chống tham nhũng…
Chính phủ cũng đã tập trung nghiên cứu, xử lý những vấn đề mang tính chiến lược, vĩ mô, đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, bức xúc xã hội, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, phục vụ hiệu quả các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Trong 10 tháng qua đã có trên 91,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 18,3% về số lượng và 46,2% về vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 28,8%. Đây là những gam màu sáng trong bức tranh phát triển kinh tế của đất nước.
Một tinh thần chung toát lên trong lời nói, chỉ đạo và hành động của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ là quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu. Trước Quốc hội, Thủ tướng đã bày tỏ quyết tâm kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức năng lực yếu kém, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Để quyết tâm này đạt được kết qủa như mong muốn, Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân đồng hành, nói không với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng, lãng phí. Điều này có nghĩa, nỗ lực làm lành mạnh bộ máy công quyền không phải chỉ có nỗ lực từ phía chính phủ mà còn cần sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp, sự giám sát nghiêm minh, hiệu quả để không còn cơ hội cho những thói hư, tật xấu của bất kỳ ai có điều kiện được dung dưỡng, phát tác./.
Theo VOV