Loại bỏ nền kinh tế cơ bắp
(Baonghean) - Dường như đã có một khái niệm mới, định nghĩa mới về nền nông nghiệp nước ta, đó là nền nông nghiệp: Gia công, cơ bắp.
Lý do để đánh giá như vậy đã được GS, Viện sỹ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam phân tích rõ tại cuộc gặp giữa Bộ NN&PTNT và các nhà khoa học được tổ chức cách đây mấy hôm. Theo ông thì: Chúng ta tự hào 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng lúa xuất khẩu được 3 tỷ USD thì chi hết 2,9 tỷ USD. Đó là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp, chúng ta phụ thuộc nước ngoài từ thức ăn, cây, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón…
Nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi tất yếu. Ảnh Internet |
Nhận định, đánh giá như vậy là hoàn toàn có lý, vì lâu nay, nông dân cả nước đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đồng ruộng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo vì sản phẩm nông nghiệp của họ làm ra chỉ đơn thuần là đổi mồ hôi lấy tiền, lấy công làm lãi mà chưa làm được việc đưa hàm lượng trí tuệ, chất xám vào trong sản phẩm làm tăng giá trị để bán được nhiều tiền hơn. Thế nên, ráo mồ hôi là hết tiền. Nông dân vẫn là những người có thu nhập thấp nhất, cuộc sống bấp bênh nhất trong xã hội hiện tại.
Nhưng ngẫm cho thật kỹ thì không chỉ trong nông nghiệp mới như vậy mà cả trong công nghiệp và các lĩnh vực khác nữa, phần mà chúng ta tham gia được, làm ra được cũng chỉ là gia công bằng cơ bắp là chính. Cứ thử nhìn mà xem trong các sản phẩm đẩy kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng cao thì chủ yếu là của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong nguồn lợi khổng lồ đó, chúng ta chỉ được một chút xíu nhỏ từ mồ hôi của các công nhân làm thuê cho họ với đồng lương rẻ mạt mà có một thời chúng ta coi đó là “lợi thế cạnh tranh” so với các quốc gia khác.
Những sản phẩm của chính chúng ta bán được ra ngoài chủ yếu là tài nguyên. Đó là những thứ chỉ việc đào lên chở đi bán, không phải suy nghĩ, đầu tư chất xám gì nhiều và đương nhiên cũng thuần túy là cơ bắp, là mồ hôi của ngàn vạn công nhân. Hàng năm, có một nguồn ngoại tệ không nhỏ được đưa về đất nước ta có xuất xứ từ mồ hôi và cơ bắp của hàng trăm nghìn lao động xuất khẩu nước ngoài. Và chúng ta, hiện đang rất tự hào về điều đó và tiếp tục coi đây là một giải pháp quan trọng, là một thế mạnh để phát triển kinh tế.
Dĩ nhiên, lao động lương thiện, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm đồng tiền không có gì là xấu. Nhưng không xấu không đồng nghĩa với việc tiếp tục đồng tình, cổ vũ mà cần nghĩ lại là có nên tiếp tục làm như thế nữa hay không. Bởi giá trị thu được từ mồ hôi, cơ bắp là quá bé nhỏ, không tương xứng với sự hao tổn công sức. Và nhìn rộng ra thì thấy một quốc gia, hay một gia đình, một cá nhân, ít khi giàu lên từ mồ hôi và cơ bắp mà chủ yếu là phất lên từ trí tuệ, từ chất xám. Đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện từ bỏ phương pháp bán mồ hôi lấy tiền và thay vào đó là bán chất xám để lấy tiền. Nói một cách văn hoa là xây dựng nền kinh tế tri thức, làm giàu từ tri thức. Tiến tới loại bỏ nền kinh tế gia công, cơ bắp như hiện tại.
Duy Hương