Loài cá lạ ai ăn vào cũng say như uống rượu
Nhiều người dân cho rằng cá chày lạ, mọi người ăn vào có thể gây say, buồn nôn và tiêu chảy tới hai ba ngày. Điều này khiến người cho và người nhận loài cá này cũng có một quy ước ngầm…
Trong một lần đến Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, phóng viên được ông Nguyễn Văn Tiến – Phó giám đốc khu di tích giới thiệu về loại cá chày. Đặc biệt, ông Tiến cho biết, nếu ai có sức đề kháng yếu khi ăn thịt loại cá này có thể bị say, buồn nôn…
Một con cá chày lớn có chiều dài khoảng 50cm được bắt tại sông Đồng Nai. |
Cho chúng tôi tận mắt chứng kiến loại cá bí ẩn có họ hàng gần nhất với cá trắm cỏ, loại cá chày này có vảy lớn, vây đỏ mình thuôn và miệng lớn hơn cá trắm. Người dân ở đây cho biết cũng đã có người phải nhập viện cấp cứu khi ăn loài cá này bởi có dấu hiệu nôn ói và đi ngoài liên tục, nghi ngờ bị ngộ độc.
“Khi bắt được loài cá kỳ lạ này dưới sông người ta thường thả bỏ hoặc cho người khác. Tuy nhiên, những người nhận phải cam kết nếu ăn cá mà có chuyện gì thì cũng không liên quan đến người cho. Chính vì vậy mà sự bí ẩn, gây tò mò về loài cá này càng lớn”, ông Tiến cho hay.
Cá chày, một loài cá bí ẩn tại sông Đồng Nai được nhiều người địa phương đồn đoán, không dám ăn.
Anh Ao Thạch Tịnh (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) cho rằng, hiện nay loài cá này cũng ít đi nhiều. “Nếu muốn ăn thịt cá mà không say phải mổ cẩn thận không được làm vỡ ruột, mật của chúng. Sau đó bỏ mang rửa lại thật sạch rồi dùng miếng khế chua hoặc chanh chà bỏ hết phần màng đen trong bụng cá. Nếu sức đề kháng của ai yếu, ăn thịt cá sau khoảng 30 phút sẽ bị say như say rượu”, anh Tịnh tiết lộ.
Chính vì sự kì lạ này mà vừa qua, ông Hoàng Đức Huy – giảng viên khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh đã dẫn đoàn sinh viên thực tập đến khu vực này nghiên cứu loài cá chày.
Theo nghiên cứu của ông Huy, loài cá này chủ yếu sống ở vùng nước chảy, là loài đặc hữu của sông Đồng Nai và sông Mê Kông. “Khu vực hai bên bờ sông thường thì rừng vẫn còn tự nhiên, vì vậy hay có loại cây mã tiền nước phát triển. Loại cây này sẽ có quả chín vào tháng 6 – 9 hàng năm, khi chín chúng sẽ có mùi rất thơm, cá chày rất thích ăn loại quả này.
Khi cá ăn quả mã tiền vào thì protein trong cơ thể cá sẽ bị biến đổi gây ra một loại độc tố làm cho người ăn bị say. Tuy nhiên, khi mùa của loại quả này đã hết, cá không tiếp tục ăn thì thịt của chúng lại trở về trạng thái ban đầu. Chính vì vậy người ăn say hay không thì tùy thuộc vào thời gian mà họ ăn chúng”, ông Đức Huy giải thích.
Ông Huy cho rằng, quả mã tiền chính là nguyên nhân gây ra việc người ăn cá chày bị say, buồn nôn như ngộ độc.